Hà Nội

Quyết liệt xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm tại các lễ hội lớn

15-02-2019 08:54 | Xã hội
google news

SKĐS - Sau Tết, nhiều địa phương bước vào mùa cao điểm về lễ hội, đông đảo du khách khắp nơi đổ về Hà Nội. Tranh thủ dịp này, các dịch vụ ăn theo lễ hội, các cơ sở ăn uống kinh doanh thời vụ đua nhau nở rộ, nỗi lo về an toàn thực phẩm (ATTP) là không tránh khỏi.

Qua kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại một số lễ hội trên địa bàn như lễ hội chùa Hương, lễ hội đền Sóc…, đoàn kiểm tra liên ngành của Hà Nội đã phát hiện và chấn chỉnh một số vi phạm…

Vẫn còn nhiều vi phạm

Ngày 12/2, Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 1 của TP. Hà Nội do ông Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm ATTP tại Lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn). Tại thời điểm kiểm tra, 3/9 cơ sở kinh doanh ăn uống tại khu vực lễ hội chưa xuất trình đầy đủ giấy tờ liên quan đến bảo đảm ATTP theo quy định. Một số hộ bán bún, phở không có tủ kính, thức ăn sống, chín vẫn để lẫn lộn trên mặt bàn...

Qua xét nghiệm tại chỗ với 10 mẫu bát đựng bún, phở thì phát hiện 2 mẫu bát không bảo đảm vệ sinh. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử lý những vi phạm theo quy định và yêu cầu Ban tổ chức Lễ hội Đền Sóc kiên quyết không để những cơ sở kinh doanh ăn uống không tuân thủ các quy định về ATTP hoạt động.

Sáng 14/2, Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức).

Theo Ban tổ chức lễ hội chùa Hương, năm nay, tại đây có 55 cơ sở kinh doanh thực phẩm, trong đó có 53 cơ sở hoạt động thời vụ. Trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, 23 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm tuyến huyện, xã và thị trấn đã kiểm tra hơn 300 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh ăn uống, trong đó tiến hành xử lý vi phạm 23 cơ sở với số tiền gần 33 triệu đồng.

Quyết liệt xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm tại các lễ hội lớnĐoàn kiểm tra ATTP đã phát hiện nhiều vi phạm.

Tại thời điểm kiểm tra sáng 14/2, Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn thực phẩm số 1 của TP. Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 3 nhà hàng, qua đó phát hiện nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm. Cụ thể, 3/3 nhà hàng đều thực hiện bảo quản thực phẩm không đúng quy định, 2/3 nhà hàng vệ sinh bát ăn không đạt yêu cầu, 2/3 nhà hàng chưa xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc thực phẩm. Ông Trần Văn Chung đã yêu cầu lập biên bản xử lý vi phạm nhà hàng Doanh Hạnh và nhà hàng Năm Thành. Tại thời điểm kiểm tra, chủ 2 nhà hàng này đều không xuất trình được giấy tờ chứng minh được nguồn gốc thực phẩm. Ngay lối vào 2 nhà hàng này, thực phẩm sống, chín để lẫn lộn trên bàn không được che đậy, bảo quản. Khu vực rửa bát của 2 nhà hàng cũng tạm bợ, bát rửa xong được đặt ngay xuống đất. Riêng tại nhà hàng Doanh Hạnh, qua xét nghiệm nhanh 10 mẫu bát có 9 bát rửa không sạch. Còn tại nhà hàng Năm Thành, tủ đựng những túi đá viên dùng liền lại để chung cả thực phẩm sống. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu huỷ bỏ toàn bộ những túi đá này để tránh nguy cơ ngộ độc hàng loạt.

Ông Trần Văn Chung nhận xét, qua kiểm tra tại các lễ hội nhân dịp đầu xuân Kỷ Hợi, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm ở nhiều nơi đã tốt hơn trước rất nhiều. Điều đó cho thấy sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, qua kiểm tra, vi phạm được phát hiện chủ yếu ở những cơ sở hoạt động thời vụ. Do đó, ông Trần Văn Chung yêu cầu chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở hoạt động thời vụ. Khi phát hiện sai phạm tại đây, cần xử lý nghiêm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo phản ánh của nhiều người dân, vẫn còn rất nhiều hành vi vi phạm ATTP diễn ra phổ biến. Tại phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ), có vô số hàng quán ăn uống lớn nhỏ luôn nườm nượp khách. Tuy nhiên, nhiều hộ kinh doanh thực phẩm chín vẫn phơi hàng rổ thực phẩm bên vệ đường, không tủ kính che đậy theo quy định, nhiều người vẫn dùng tay trần bốc thực phẩm chín.

Người dân cũng cần nâng cao ý thức

Liên quan đến đảm bảo ATTP mùa Lễ hội Xuân 2019, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP đã yêu cầu các Ban Quản lý ATTP; Chi cục ATVSTP các tỉnh, thành phố cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về ATTP trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm tại các lễ hội, sự kiện lớn trên địa bàn.Đặc biệt, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP tại các lễ hội, sự kiện lớn trên địa bàn; bảo đảm ATTP tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố phục vụ nhân dân, du khách; Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về ATTP và công khai vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, vấn đề ATTP luôn được lãnh đạo TP cũng như Chi cục quán triệt và lên kế hoạch ngay từ đầu. Theo đó, dù chỉ kinh doanh thời vụ nhưng các cơ sở cũng phải ký cam kết bảo đảm ATTP và đáp ứng những điều kiện bắt buộc như khu vực chế biến, dụng cụ chế biến thực phẩm phải sạch sẽ, có nguồn nước hợp vệ sinh để rửa bát đũa, phải có tủ bảo quản thực phẩm, thực phẩm phải chứng minh được nguồn gốc. Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra, nhiều chủ hộ vẫn chưa thực hiện ghi chép nguồn gốc thực phẩm đầy đủ.

Qua kiểm tra ATTP dịp trước Tết đến nay, ông Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế đánh giá, công tác ATTP cơ bản đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do tính chất thời vụ nên việc kinh doanh mặt hàng ăn uống tại các lễ hội, ở nhiều cơ sở vẫn thể hiện sự tạm bợ, lộn xộn... Với du khách, ông Chung khuyến cáo, không nên sử dụng thực phẩm ở những hàng quán tạm bợ, gần cống rãnh, không có tủ kính, người chế biến thực phẩm không đeo găng tay. Việc đảm bảo ATTP trước hết phải đến từ chính những người dân. Người dân nếu tiếp tục sử dụng những sản phẩm không đảm bảo ATTP, không rõ nguồn gốc, vô tình tiếp tay cho vi phạm và chấp nhận với nguy cơ bị ngộ độc cao, đặc biệt trong thời điểm thời tiết nồm ẩm như hiện nay.

Theo quy luật, vào dịp cuối năm và sau Tết âm lịch, nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm, hàng hóa của người dân tăng cao, đây chính là thời điểm “vàng” của thực phẩm “bẩn”. Không chỉ riêng các thành phố lớn như Hà Nội mà ngay nhiều tỉnh, thành trên cả nước, tình trạng thực phẩm bẩn thừa dịp trà trộn, len lỏi được đưa vào thị trường bán cho người tiêu dùng trở nên phổ biến. Nếu các cơ quan chức năng không quản lý tốt sẽ rất dễ bị các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực ATTP “qua mặt”; đó là chế biến, sản xuất các mặt hàng thực phẩm với các công đoạn được thực hiện hết sức tinh vi như tẩm ướp, tẩy xóa, in dán lại nhãn mác, thời hạn sử dụng.


Hải An
Ý kiến của bạn