Quyết liệt triển khai các hoạt động phòng chống kháng thuốc

05-08-2014 15:59 | Thời sự

SKĐS - Các bệnh lý nhiễm khuẩn vẫn luôn chiếm tỷ lệ lớn trong mô hình bệnh tật của Việt Nam và kháng sinh là vũ khí hữu hiệu trong cuộc chiến với các bệnh nhiễm khuẩn này. Tuy nhiên, vViệc sử dụng kháng sinh chưa phù hợp, lạm dụng kháng sinh... đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc.

 

Sáng ngày 5/8/2014, tại Hà Nội Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch hành động Quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn 2014-2020. PGS TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cho biết, các bệnh lý nhiễm khuẩn vẫn luôn chiếm tỷ lệ lớn trong mô hình bệnh tật của Việt Nam. Vì vậy việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên việc sử dụng kháng sinh chưa phù hợp, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn… đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh.

Hiện 4 yếu tố quan trọng nhất tập trung kháng lại kháng sinh là vi khuẩn, virus (HIV), ký sinh trùng (sốt rét) và nấm. Việc gia tăng sự kháng thuốc của các yếu tố gây bệnh đang trở thành một nguy cơ lớn cho toàn thể nhân loại.

 

Vi khuẩn kháng thuốc ngày càng gia tăng

 

Vi khuẩn kháng thuốc ngày càng gia tăng

 

 

Trước thực trạng kháng kháng sinh trên toàn cầu, Ngày Sức khoẻ Thế giới 7/4/2011, Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra lời kêu gọi: “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa”. Hưởng ứng lời kêu gọi này tháng 6/2013, Việt Nam xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020.

Kế hoạch hành động Quốc gia về chống kháng thuốc đã nêu lên thực trạng kháng thuốc, chỉ rõ nguyên nhân và hậu quả của sự kháng thuốc trong ngành y tế cũng như trong trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản và đề ra các giải pháp thực hiện nhằm ngăn chặn sự gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh thường gặp. Để thực hiện tốt kế hoạch này, đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết của tất cả các Bộ/ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương cùng vào cuộc.

Cùng với các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương, Việt Nam cũng đã cam kết triển khai Kế hoạch hành động Quốc gia về chống kháng thuốc và sẽ nỗ lực cùng với các nước trong khu vực góp phần vào cuộc chiến chống kháng thuốc trên toàn thế giới.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên đề nghị, cần phổ biến tuyên truyền giáo giục nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ y tế trong công tác phòng chống kháng thuốc.

 

Lạm dụng kháng sinh đã dẫn đến kháng thuốc

 

Lạm dụng kháng sinh đã dẫn đến kháng thuốc

 

 

Cục Quản lý Khám chữa bệnh là đầu mối để phối hợp với các vụ, cục, đơn vị liên quan, xây dựng các cơ chế chính sách và quản lý sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn, hiệu quả; Hoàn thiện các văn bản qui phạm pháp luật và hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, giám sát về kháng thuốc… ; Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai chỉ đạo hướng dẫn thực hiện; tổ chức kiểm tra giám sát thực hiện các các qui định chuyên môn liên quan đến hướng dẫn điều trị, sử dụng thuốc, kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế…

Cần thiết lập hệ thống giám sát kháng thuốc quốc gia và tăng cường công tác thanh kiểm tra công tác bán thuốc kháng sinh theo đơn tại các nhà thuốc.

 

Lạm dụng kháng sinh trong thức ăn chan nuôi làm gia tăng kháng thuốc

Lạm dụng kháng sinh trong thức ăn chan nuôi làm gia tăng kháng thuốc

 

Các sở y tế chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai và bố trí nguồn lực để thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc. Đối với các bệnh viện tập trung chỉ đạo thực hiện các hoạt động chống kháng thuốc, đặc biệt là phòng chống lây chéo, chống lạm dụng kháng sinh, chỉ định dùng kháng sinh hợp lý an toàn hiệu quả, đề cao vai trò của các khoa kiểm soát nhiễm khuẩn…

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo xây dựng các qui định sử dụng kháng sinh, xây dựng danh mục kháng sinh, dư lượng kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản sao cho hợp lý góp phần thực hiện kế hoạch hành động quốc gia phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2013-2020.

Thu Hương

 

 


Ý kiến của bạn