Tại Diễn đàn “Quản lý chất lượng và an toàn người bệnh”, do Bệnh viện Đa khoa Đức Giang phối hợp với Trung tâm Quốc gia về Y tế và Sức khoẻ toàn cầu Nhật Bản (NCGM) tổ chức ngày 10/1, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, chất lượng bệnh viện và sự an toàn trong y tế là vấn đề được quan tâm hàng đầu của ngành Y tế và của toàn xã hội.
“Nếu quản lý tốt chất lượng bệnh viện sẽ hạn chế được tối đa các sự cố y khoa. Với việc đổi mới từ cách nghĩ, cách làm đến cách kiểm tra với phương châm “lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ”, trong 5 năm trở lại đây, chất lượng bệnh viện đã có những cải tiến vượt bậc, tạo được niềm tin nơi người bệnh”- ông Khoa nhấn mạnh.
Từ Diễn đàn chất lượng Quốc gia lần thứ I năm 2013 đến lần thứ IV năm 2018 đã ghi nhận những nỗ lực trong cải tiến, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. “Cải tiến chất lượng bệnh viện đã trở thành một phong trào và là động lực để các bệnh viện thực hiện hướng đến sự hài lòng của người bệnh”, ông Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Thường- Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho hay, chất lượng bệnh viện không tự có mà phải có một quá trình phấn đấu, lao động và sáng tạo có mục đích, thực hiện một cách kỹ lưỡng và tận tâm.
Các đại biểu tham dự diễn đàn “Quản lý chất lượng và an toàn người bệnh”
Từ thực tiễn hoạt động của bệnh mình, giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho rằng, chất lượng dịch vụ y tế luôn biến đổi theo thời gian, theo xu hướng ngày càng đòi hỏi cao hơn do nhu cầu phát triển của xã hội. Chất lượng của việc thực hành y học chứng cứ không những lệ thuộc vào khả năng truy cập, tìm kiếm những bằng chứng tốt nhất hiện có mà còn phụ thuộc vào kỹ năng thực hành của người chăm sóc, những điều kiện vật chất hiện có để chuyển bằng chứng thực tiễn.
“Do đó, việc triển khai các hoạt động quản lý và cải tiến chất lượng là rất cần thiết nhằm ổn định và từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ”- ông Nguyễn Văn Thường nói
Cũng tại diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ khó khăn trong việc triển khai hệ thống báo cáo sự cố y khoa, xảy ra trong quá trình điều trị. Chẳng hạn như tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, trong 2 năm 2017-2018 đã nhận được 398 báo cáo sự cố y khoa, trong đó có 28 sự cố ngoài chuyên môn, còn lại 370 sự cố liên quan đến chuyên môn.
Tuy nhiên, một số nhân viên chưa hiểu rõ về sự cố y khoa, trong khi các trưởng khoa mặc định điều dưỡng phải có trách nhiệm báo cáo sự cố. Mặt khác, việc phân tích nguyên nhân gốc rễ của các sự cố y khoa và đưa ra giải pháp thực hiện chưa thực sự hiệu quả.
Trước thực tế trên, các bác sĩ đến từ nhiều bệnh viện trên cả nước chia sẻ những kinh nghiệm trong quản lý sự cố y khoa như: Xây dựng phần mềm báo cáo sự cố y khoa; xây dựng văn hoá an toàn, tự giác báo cáo sự cố, xem sự cố của người này là bài học cho người khác và cho chính bản thân mình; tập huấn kiểm soát nhiễm khuẩn; tập huấn xử trí cấp cứu sốc phản vệ…