Chia sẻ tại buổi gặp mặt báo chí nhân kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam do Bộ Y tế vừa tổ chức, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vui mừng cho biết, trong thời gian qua, với những nỗ lực về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến y tế và quyết liệt thực hiện việc thay đổi tinh thần, thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế, ngành y tế đã nhận được khá nhiều chia sẻ, đồng cảm và ngợi khen của cộng đồng, của người bệnh dành cho ngành… Ðó chính là niềm động viên, là động lực để ngành y tế ngày càng làm tốt hơn nữa nhiệm vụ cao cả: bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Từ những lá thư của người bệnh…
Mới đây nhất, báo Sức khỏe&Đời sống đã nhận được lá thư cảm ơn của chị Trần Thị Lưu (Biên Hòa, Đồng Nai) gửi đến Bộ trưởng Bộ Y tế về một tấm gương nữ hộ lý, bảo mẫu Lê Thị Ngọc Hạnh của BV Nhi Đồng Nai đã hết mình vì công việc và trợ giúp cho nhiều bệnh nhi vượt qua bệnh tật. Thư của chị Lưu kể: Chị sinh con non, sức khỏe của con quá yếu, thời gian nằm viện kéo dài tới 4 tháng, may nhờ có các bác sĩ, y tá, hộ lý… của Khoa Hồi sức sơ sinh BV Nhi Đồng Nai tận tình chăm sóc và điều trị nên con chị đã vượt qua khó khăn của bệnh tật.
Thái độ phục vụ của cán bộ y tế đã có nhiều thay đổi tích cực. Ảnh: Trần Minh
“Trong suốt thời gian con tôi nằm viện, tôi thấy các cô hộ lý, y tá rất vất vả, chịu khó chăm lo cho các cháu. Đặc biệt, tôi thấy cô Lê Thị Ngọc Hạnh là người rất chịu thương chịu khó tận tình chăm sóc bệnh nhân. Cô còn rất ân cần và năng nổ trong công việc. Tiếp xúc với cô mới biết cô còn là người có tâm huyết với nghề và cố gắng rất nhiều để đóng góp cho bệnh viện. Dù chỉ làm công việc của một bảo mẫu bệnh viện, cô luôn cảm thấy vui vẻ, luôn nở nụ cười giúp đỡ các cháu trong Khoa Hồi sức sơ sinh, hướng dẫn tận tình cho thân nhân và động viên gia đình lúc khó khăn. Sau khi con tôi ra viện, cô Hạnh vẫn liên lạc hỏi thăm tình hình sức khỏe cháu, cô còn nhiệt tình chỉ dẫn cách chăm sóc trẻ thiếu tháng và động viên vợ chồng tôi rất nhiều”, chị Lưu viết trong Thư cảm ơn.
Trước đó, sản phụ Hoàng Thị Điểm, 24 tuổi, dân tộc Tày, ở xã Phúc Ninh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái cũng đã gửi thư cảm ơn đến Bộ trưởng Bộ Y tế, tập thể BV Việt Đức và BV Phụ sản TW cho biết, ngày 29/5/2016, chị mổ đẻ sinh con đầu lòng tại BVĐK tỉnh Yên Bái, sau mổ đẻ, do bị băng huyết nặng, 3 giờ sáng ngày 30/5/2016 được chuyển đi cấp cứu tại BV Phụ sản TW. “Khi được chuyển vào Khoa Cấp cứu của BV Phụ sản, tôi đã trong tình trạng mất máu nặng, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc, gia đình vô cùng hoang mang. Tại đây, tôi được kíp trực của khoa cấp tốc triển khai hội chẩn toàn bệnh viện và hội chẩn với BV Việt Đức. 6g30, xe cấp cứu và nhân viên y tế chuyển tôi sang Khoa Can thiệp mạch vành của BV Việt Đức để nút mạch, sau 1 giờ, tôi cầm máu và chuyển về điều trị tiếp tại BV Phụ sản TW. Sau 5 ngày, tôi đã được ra viện”, sản phụ Điểm kể trong Thư cảm ơn.
Sản phụ Điểm chia sẻ: “Tôi là một người dân tộc thiểu số, sống ở vùng đặc biệt khó khăn của huyện miền núi tỉnh Yên Bái, lần đầu ra Thủ đô trong tình trạng thập tử nhất sinh, tôi đã gặp được những cán bộ y tế rất có trách nhiệm, có lương tâm và có tài. Nếu không gặp họ, chắc chắn tôi đã chết và con trở thành mồ côi. Đến lúc này khi ra viện, tôi vẫn chưa được biết tên những người đã mang lại sự sống lần 2 cho tôi”.
Đó chỉ là hai trong số vô vàn lá thư khen ngợi trong nhiều lá thư khác về ngành y tế mà Bộ Y tế, báo Sức khỏe&Đời sống đã nhận được trong thời gian qua. Tâm sự với chúng tôi, một bác sĩ ở BV Việt Đức chia sẻ: Những tình cảm của người bệnh, người nhà bệnh nhân chính là liều thuốc tinh thần vô giá động viên các thầy thuốc nỗ lực hơn nữa, trau dồi chuyên môn và y đức hơn nữa để ngày càng làm cho người bệnh hài lòng hơn.
Cũng liên quan đến sự hài lòng của người bệnh, bên cạnh thư khen thì thi thoảng vẫn có những lá thư bày tỏ sự phàn nàn về tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ y tế với người bệnh, về thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh còn rườm rà… Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, ngành y tế luôn cầu thị, lắng nghe mọi kênh thông tin để khắc phục những tồn tại, hạn chế của ngành nhằm ngày càng phục vụ người bệnh tốt hơn. Có lẽ vì thế, việc quyết liệt phải đổi mới tinh thần, phong cách và thái độ phục vụ người bệnh của nhân viên y tế, việc cố gắng tinh giản thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh luôn được Bộ trưởng quan tâm, chỉ đạo thực hiện trong các hội nghị của ngành, trong các chuyến đi công tác thực tế về cơ sở. Và cũng chính từ thực tiễn, đã có không ít thầy thuốc bị xử phạt nghiêm bởi đã khiến người bệnh phàn nàn do không thực hiện đúng quy chế chuyên môn của ngành.
Với tư lệnh ngành y, việc phấn đấu để người bệnh, người nhà bệnh nhân ngày càng hài lòng hơn về ngành y không chỉ thể hiện ở chuyên môn, ở y đức của thầy thuốc mà còn từ những việc thiết thực nhất trong đời sống như “tổng tấn công nhà vệ sinh” tại cơ sở y tế trong toàn quốc đã, đang và sẽ được ngành y tế quyết liệt thực hiện. Bộ trưởng cho rằng, người bệnh, người nhà bệnh nhân đến bệnh viện là vất vả rồi, mệt mỏi về thể chất rồi, đừng để họ phải chịu thêm những bức xúc về nhà vệ sinh bẩn, về việc thiếu bánh xà phòng rửa tay, thiếu chiếc ga giường sạch sẽ…
Nhiều thành công trong khám chữa bệnh
Liên tiếp trong những ngày gần đây, các thầy thuốc của ngành y tế Việt Nam ở các tuyến từ TW đến cơ sở đã khiến cho truyền thông tốn nhiều tin, bài bởi những thành công trong khám chữa bệnh của chính các thầy thuốc đã nối dài sự sống cho bệnh nhân. Ngày 16/6, thông tin từ BVĐK Đồng Nai cho hay, các bác sĩ của BV này đã thực hiện ca phẫu thuật lấy khối u từ cổ của bệnh nhân cao tuổi (78 tuổi). Được biết, đây là ca phẫu thuật cắt khối u ở cổ lớn nhất mà BV Thống Nhất thực hiện từ trước đến nay. Ca phẫu thuật này rất khó, phức tạp bởi khối u đã có hơn 10 năm, nằm ở vùng tập trung nhiều mạch máu lớn, dây thần kinh. Hiện bệnh nhân đã tỉnh táo và không còn phải thở máy. Dự kiến khoảng 10 ngày nữa đường thở của bệnh nhân sẽ ổn định và được xuất viện.
Trước đó, ngày 14/6, BS. Nguyễn Thái An - Trưởng khoa Hồi sức Phẫu thuật Tim, BV Chợ Rẫy cho biết, tại đây vừa cứu sống một ca bệnh tim phức tạp chưa từng gặp suốt 20 năm qua. Trước đó, bệnh nhân vào BV Chợ Rẫy trong tình trạng nhồi máu cơ tim nặng, bị choáng tim, phù phổi cấp, tụt huyết áp. Điều trị nội khoa ban đầu không đáp ứng nên đây được xem là một thách thức lớn, cần được nhanh chóng xử lý để tránh nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, bệnh nhân này lại bị phình quai động mạch chủ dạng túi đến 7cm. "Chỉ cần mắc một trong hai bệnh lý, bệnh nhân đã đứng trước nhiều nguy cơ tử vong. Làm sao để vừa giải quyết tình trạng nhồi máu cơ tim cấp vừa đồng thời giải quyết túi phình cứu sống bệnh nhân là không hề đơn giản", BS. An nhận định. Nếu chỉ giải quyết nhồi máu cơ tim cấp thì trong thời gian hậu phẫu, bệnh nhân có thể bị vỡ túi phình gây tử vong. Đặt vấn đề giải quyết tình trạng túi phình lên hàng đầu thì cuộc mổ trên một bệnh nhân đang nhồi máu cơ tim cấp là không có khả năng sống sót. Khó khăn là thế, tính mạng của bệnh nhân “ngàn cân treo sợi tóc là thế”, vậy mà trải qua hai cuộc mổ xuyên đêm đầy căng thẳng từ 18h đến 4h sáng hôm sau, bệnh nhân được duy trì dùng máy ECMO liên tục 7 ngày và các biện pháp hỗ trợ khác. Hiện bệnh nhân đã hồi phục tốt, không đau ngực, không khó thở. Đây là trường hợp cứu sống đầu tiên được báo cáo ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp kèm phình quai động mạch chủ dạng túi.
Rồi còn nhiều BV khác nữa như tại BV Sản Nhi Cần Thơ mới đây đã cứu sống thành công một sản phụ vỡ ối đột ngột, thai nhi bị sa dây rốn. Sau ca phẫu thuật, em bé chào đời an toàn, được theo dõi tiếp tại Khoa Sơ sinh trong tình trạng sức khỏe ổn định. BVĐK tỉnh Khánh Hòa đã mổ thành công, đưa được toàn bộ khối ruột bị hở ra ngoài của một bé trai sơ sinh vào trong ổ bụng của bé. Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của BV Bưu điện giúp một cặp vợ chồng qua tuổi 50 được lần đầu làm bố mẹ…
Có được những thành công này, một mặt là thầy thuốc ở các tuyến đều nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, mặt khác cũng là kết quả rõ nét nhất của việc thực hiện Đề án BV vệ tinh của ngành y tế thời quan qua. Theo Bộ trưởng, từ thực tế cho thấy, thực hiện Đề án BV vệ tinh đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện Đề án giảm tải BV của ngành y tế. Trong năm 2015 cũng như trong 5 năm qua, một trong những thành tựu mà ngành y tế đạt được là cải thiện bước đầu tình trạng quá tải trong điều trị.
Tại một số BV TW trước đây như BV K, BV Nội tiết, BV Nhi, BV Chợ Rẫy..., bệnh nhân phải nằm ghép 2, ghép 3 một giường, thậm chí phải nằm cả dưới gậm giường thì đến nay có nơi, tình trạng này không còn diễn ra nữa mà thay vào đó, mỗi người một giường, thậm chí có nơi còn có đầy đủ tiện nghi như một căn phòng của một khách sạn. Để làm được điều đó, trong thời gian qua, ngành thực hiện xây mới một loạt các công trình tại các cơ sở 2 của BV hoặc các toà nhà mới kỹ thuật cao, mở thêm một cơ số giường bệnh khá lớn, kể cả các BV tuyến tỉnh, tuyến huyện, dựa vào các nguồn ngân sách, trái phiếu Chính phủ và vốn xã hội hoá, tự huy động. Hiện số giường bệnh trên vạn dân đã tăng từ 21,5 giường năm 2011 lên 25 giường năm 2015 (vượt chỉ tiêu đề ra là 24 giường/vạn dân). Bên cạnh đó, trong năm 2016 này, nhiều cơ sở 2, khu điều trị kỹ thuật cao của nhiều BV sẽ tiếp tục được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Cùng với đó, các giải pháp tổng thể đã được triển khai tích cực và đồng bộ cho việc giảm tải BV như cải tiến quy trình khám bệnh để giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Đến nay, quy trình khám bệnh đã giảm từ 12-14 bước xuống còn 4-8 bước tùy theo loại hình khám bệnh, so với năm 2012, thời gian khám bệnh giảm trung bình 48,5 phút trên 1 lượt khám bệnh…