Việc diệt bọ gậy của các đội xung kích đã quyết liệt chưa? Rồi mùa khai trường đang đến gần, nguy cơ không chỉ khiến dịch sốt xuất huyết (SXH) gia tăng mà còn có cả các dịch bệnh khác... Đây là những vấn đề được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đặt ra trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh diễn ra tại Bộ Y tế cuối tuần qua.
Hóa chất sử dụng diệt muỗi tại Việt Nam là loại được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo sử dụng
Thông tin tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 100.417 trường hợp mắc SXH và 26 trường hợp tử vong. Trong đó, số người nhập viện là 84.026 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016, số mắc tăng 47,9%, số trường hợp tử vong tăng 9 trường hợp. Riêng tại Hà Nội, tính đến ngày 22/8 đã ghi nhận gần 20.000 trường hợp mắc SXH và 7 trường hợp tử vong. Đặc biệt, số trường hợp mắc bệnh trong 2 tuần gần đây của Hà Nội không tăng, có xu hướng chững lại nhưng vẫn ở mức cao.
Hoá chất dùng để diệt muỗi tại Việt Nam cũng như ở Hà Nội là loại được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo sử dụng. Ảnh: TM
Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội đã tổ chức phun hóa chất trên diện rộng, phun tại các trường học và phấn đấu trong tuần tới sẽ có 100% trường học được phun hóa chất diệt muỗi. Đồng thời, Hà Nội triển khai việc phun mù nhiệt cùng với phun xử lý ổ dịch nhỏ tại các khu vực có ổ dịch mới phát sinh; ra quân diệt bọ gậy, bước đầu việc này đã mang lại hiệu quả...
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chất vấn Hà Nội về hoạt động của các đội xung kích có thực sự hiệu quả? Hiệu quả của phun muỗi đến đâu khi người dân phản ánh sau phun vẫn thấy muỗi bay vào nhà?
Về vấn đề này, TS. Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết, qua đánh giá từ 3 đội cán bộ của Viện phụ trách 3 quận Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng từ ngày 14-21/8 cho thấy: Tại phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai), phường Khương Thượng (quận Đống Đa), phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) trước khi phun mật độ muỗi ở cả 3 phường đều rất lớn nhưng sau phun 24 giờ, mật độ muỗi trưởng thành gần như bằng 0. Tuy nhiên, theo đánh giá tỷ lệ dụng cụ chứa bọ gậy ở 3 phường này trước và sau phun có giảm nhưng không triệt để (ở phường Thịnh Liệt, tỷ lệ dụng cụ chứa bọ gậy trước phun là 26, sau phun là 12; Khương Thượng, tỷ lệ dụng cụ chứa bọ gậy trước phun là 20, sau phun là 7; Thanh Lương, tỷ lệ dụng cụ chứa bọ gậy trước phun là 40, sau phun là 30).
Cũng theo TS. Trần Như Dương, hóa chất sử dụng diệt muỗi tại Việt Nam cũng như ở Hà Nội là thuốc được WHO khuyến cáo sử dụng trong phòng chống SXH. Tại Việt Nam, hóa chất trước khi được sử dụng đã được đánh giá, kiểm tra nghiêm ngặt về hiệu lực cũng như tính an toàn. Theo kết quả đánh giá sau 24 giờ phun hóa chất là khoảng 98% muỗi trưởng thành chết. Như vậy, hiệu lực của thuốc là tốt.
“Tuy nhiên, sau khi phun hóa chất diệt muỗi vẫn có muỗi là do việc diệt bọ gậy tại các hộ gia đình, nơi công cộng chưa được triệt để. Vì vậy, chỉ sau vài giờ bọ gậy lại nở thành muỗi và xâm nhập vào nhà, tiếp tục trở thành nguy cơ gây bệnh cho người dân. Như vậy, muỗi sau phun hóa chất là do bọ gậy nở ra chứ không phải hóa chất không diệt được muỗi. Do vậy, biện pháp phun hóa chất chỉ là xử lý phần ngọn, biện pháp giải quyết triệt để phải là diệt bọ gậy”- TS. Trần Như Dương nói.
Ngành y tế cần kêu gọi mọi người dân tham gia phòng chống dịch bệnh
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình dịch SXH vẫn đang diễn biến phức tạp trên cả nước, đặc biệt là tại Hà Nội. Nguyên nhân dịch SXH vẫn gia tăng là do không diệt triệt để bọ gậy. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị, để phòng chống dịch hiệu quả, Hà Nội và các địa phương khác không được chủ quan và phải chủ động các biện pháp phòng bệnh. Đặc biệt, sắp tới là năm học mới nên Hà Nội phải kiểm soát tốt ở tất cả các trường học, không để học sinh, sinh viên bị mắc SXH. Về phía các bộ, ngành cũng cần phối hợp tích cực với ngành y tế hơn nữa trong phòng chống dịch bệnh.
Các tình nguyện viên phát tờ rơi tuyên truyền về phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: TM
Đối với ngành y tế, cần tiếp tục kêu gọi người dân tham gia phòng bệnh để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng; huy động mạnh mẽ sự tham gia hơn nữa của các cấp chính quyền; tăng cường hiệu quả của đội xung kích phòng dịch. Đồng thời, ngành y tế tiếp tục áp dụng phun hóa chất diệt muỗi một cách tổng thể; kêu gọi người dân hợp tác để phun mù nhiệt trong các gia đình sẽ phát huy hiệu quả diệt muỗi cao. Các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục phân tuyến, phân luồng điều trị hợp lý, hiệu quả, giảm tỷ lệ tử vong do SXH...
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng lưu ý các địa phương quyết liệt phòng chống dịch SXH, nhưng không quên dịch tay - chân - miệng đang gia tăng vào thời điểm đầu năm học mới, bệnh dại, cúm gia cầm...
Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cũng cho hay, hiện vẫn còn một số bộ phận người dân chủ quan, xem thường bệnh SXH, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dịch, chưa hợp tác trong việc phun hóa chất (khi biết thông tin xã, phường tổ chức phun hóa chất thì khóa trái cửa coi như đi vắng hoặc chỉ cho phun ở sân hay tại tầng 1, không phun cả nhà...). Theo đánh giá độc lập của đoàn chuyên gia thuộc Bộ Y tế cũng cho thấy, 10% nhà đóng cửa không tiếp cận được vào nhà, 35% các hộ gia đình không chấp nhận phun hết các tầng, tỷ lệ hộ chỉ cho phun tầng 1 còn cao khoảng 50-60%.