Quyết liệt phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT

09-10-2020 09:57 | Xã hội
google news

SKĐS - Năm 2020 được coi là năm bản lề trong thực hiện, hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển BHXH, BHYT của ngành BHXH theo tinh thần các Nghị quyết Trung ương đã đề ra. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ngành BHXH đang gặp không ít khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Để tăng tốc, hoàn thành những chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra trong những tháng cuối năm 2020, BHXH Việt Nam cần tích cực triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ, mang tính đột phá...

90% dân số tham gia BHYT

Ông Đinh Duy Hùng - Phó trưởng Ban Quản lý Thu-Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết, bắt đầu từ tháng 5/2020, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của ngành BHXH đã bắt đầu tăng trở lại. Do đó, tính đến hết tháng 9/2020, số người tham gia BHXH bắt buộc toàn quốc đạt gần 14,6 triệu người, BHYT đạt trên 86,4 triệu người, tăng 750 ngàn người so với năm 2019, tỉ lệ bao phủ đạt 89,5% dân số. Riêng BHXH tự nguyện đến hết tháng 4 chỉ duy trì bằng số người tham gia của năm 2019 nhưng đến nay đã đạt trên 786 ngàn người, tăng 261 ngàn người so với năm 2019.

Với kết quả dự kiến đạt được đến hết năm 2020, số người tham gia BHYT toàn quốc sẽ đạt khoảng 87,782 triệu người, đạt 90% dân số, số người tham gia BHXH đạt khoảng 16 triệu người, đạt khoảng 32,65% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, trong đó BHXH tự nguyện đạt khoảng 2% lực lượng lao động.

Như vậy, có thể thấy chỉ tiêu bao phủ BHYT mà Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đề ra BHXH Việt Nam sẽ cố gắng, nỗ lực để hoàn thành trong năm 2020 là 90% dân số.

Đối với BHXH tự nguyện, đến nay đã hoàn thành mục tiêu theo lộ trình mà Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra là đến năm 2021 có khoảng 1% lực lượng lao động. Riêng đối với BHXH bắt buộc phụ thuộc lớn vào tình hình, diễn biến dịch bệnh COVID-19 thời gian tới, phụ thuộc vào việc khôi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa và du lịch, nhà hàng... nên rất khó để dự báo số liệu cụ thể đến hết năm 2020.

Chuyển hồ sơ sang cơ quan công an các đơn vị cố tình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT

Theo ông Đinh Duy Hùng, có thể thấy, do đại dịch COVID-19, công tác thu, phát triển người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT nhóm người lao động và người sử dụng lao động từ đầu năm đến nay gặp rất nhiều khó khăn.

tham gia BHXH, BHYTTập trung truyền thông, vận động nhóm người có nhiều tiềm năng trong phát triển BHXH, BHYT.          (Ảnh minh họa)

Do đó, để hoàn thành các Chỉ tiêu kế hoạch của năm 2020, lãnh đạo ngành BHXH Việt Nam đã hết sức quan tâm bám sát, chỉ đạo quyết liệt BHXH các địa phương thực hiện với một số nội dung như: Đối với khai thác phát triển nhóm người lao động và người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHYT: Tập trung rà soát khai thác triệt để các doanh nghiệp có sử dụng lao động nhưng chưa tham gia hoặc chưa tham gia đầy đủ BHXH bắt buộc, BHYT cho người lao động; Gửi thông báo đôn đốc, tổ chức làm việc với doanh nghiệp hoặc tiến hành thanh tra chuyên ngành, kiểm tra các doanh nghiệp cố tình trốn đóng, chậm đăng ký đóng cho người lao động...; Đảm bảo trước ngày 20/12/2020 phải khai thác cơ bản, tối đa các doanh nghiệp có sử dụng lao động nhưng chưa tham gia hoặc chưa tham gia đầy đủ BHXH bắt buộc, BHYT cho người lao động.

Đối với việc phát triển, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch BHXH tự nguyện, phối hợp rà soát, lập danh sách người chưa tham gia BHXH tự nguyện, tập trung ưu tiên tuyên truyền, vận động nhóm người có nhiều tiềm năng như chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp không hưởng tiền lương, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố, nhóm người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, tạm thời nghỉ việc...

Về khai thác và phát triển người chỉ tham gia BHYT, nắm bắt số lượng người đang tham gia BHYT, chú trọng đối tượng thuộc diện cận nghèo thoát nghèo, người dân tại các xã nông thôn mới; Hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình; Học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để kịp thời tuyên truyền, vận động tiếp tục tham gia BHYT...

Về công tác quản lý tiền thu và giảm nợ, hướng dẫn, hỗ trợ đơn vị triển khai tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất theo chỉ đạo của Chính phủ và BHXH Việt Nam; đồng thời đôn đốc đơn vị hằng tháng nộp đầy đủ số tiền phải đóng vào Quỹ ốm đau, thai sản, Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Quỹ BHTN, Quỹ BHYT và số tiền phải đóng khi hết thời hạn được tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Tăng cường thanh tra chuyên ngành đột xuất doanh nghiệp nợ từ 3 tháng trở lên, đơn vị chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ cho người lao động; Chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý kịp thời đối với đơn vị cố tình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN...


Nguyễn Nam
Ý kiến của bạn