Tại buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, chiều 15/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh vai trò quan trọng của BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT) trong hệ thống an sinh xã hội mỗi quốc gia. Phó Thủ tướng yêu cầu BHXH Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH cùng các bộ ngành liên quan có giải pháp cụ thể, quyết liệt, kiên trì để thay đổi thói quen của người dân nhằm đạt mục tiêu 90% dân số Việt Nam có BHYT, 50% người lao động có BHXH vào năm 2020…
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giám định và thanh toán BHYT
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam do Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn trình bày, đến hết 31/7/2016, số người tham gia BHXH bắt buộc là 12.406.463 người; Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 10.574.309 người; BHXH tự nguyện là 192.340 người; BHYT là 72.990.801 người...
Trong 7 tháng đầu năm 2016, BHXH Việt Nam tiếp tục rà soát toàn bộ TTHC thuộc phạm vi quản lý của ngành liên quan đến thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho người dân, doanh nghiệp, người lao động. TTHC giảm xuống còn 32 thủ tục; Thành phần hồ sơ giảm 38%; Các tiêu thức trên tờ khai, biểu mẫu giảm 42%; Quy trình, thao tác thực hiện thủ tục giảm 54%.
Ngoài việc rà soát, đơn giản hóa TTHC, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo triển khai các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử dụng lao động và người lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHTN và BHYT; tạo thuận lợi để người dân tham gia BHYT…
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, ngành y tế đã phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giám định và thanh toán BHYT. Bộ Y tế đã ban hành 8.506 danh mục dịch vụ kỹ thuật có tương đương; 20.990 danh mục thuốc tân dược; 547 chế phẩm và 349 vị thuốc y học cổ truyền; danh mục bệnh y học cổ truyền với 1.113 tên bệnh chi tiết; danh mục ICD10; danh mục máu; danh mục các cơ sở KCB...
Phát triển BHXH, BHYT là cuộc vận động bền bỉ
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu rõ: Ở các nước có hệ thống an sinh tốt, BHYT và các loại hình BHXH cơ bản bao phủ tuyệt đại đa số người dân, người không tham gia chỉ là cá biệt. Còn với Việt Nam, hiện BHYT bao phủ được trên 79%, BHXH mới đạt 25% là quá thấp dẫn đến tình trạng trong nhà chỉ có một người mắc bệnh nặng thì gia đình một người nông dân bình thường cũng có thể thành hộ nghèo, thậm chí cùng quẫn. “Vì vậy, phát triển BHYT, BHXH là cuộc vận động, nhiệm vụ cực kỳ quan trọng nhưng chúng ta làm hơi chậm và phải đẩy nhanh trong những năm tới”, Phó Thủ tướng nói.
Từ kinh nghiệm phát triển BHYT thời gian qua, Phó Thủ tướng khẳng định những giải pháp rất cụ thể, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành, địa phương có ý nghĩa quyết định. Theo Phó Thủ tướng, người mua BHYT là dạng khách hàng đặc biệt nên các quy định về mặt hành chính thực sự không cần thiết trong BHYT cần và phải được bãi bỏ. Không thể có chuyện người muốn mua BHYT bị yêu cầu phải trình đủ mọi thứ giấy tờ và cho rằng mở rộng, bán thẻ BHYT như thế nào, quản lý ra sao là trách nhiệm của BHXH Việt Nam. Còn trách nhiệm của ngành y tế là để các bệnh viện phải KCB tốt hơn, thuận tiện cả về chất lượng dịch vụ lẫn thái độ phục vụ tiến tới không phân biệt giữa người khám BHYT và khám dịch vụ.
Đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của BHXH Việt Nam, Bộ Y tế trong việc hoàn thành kết nối liên thông 14.000 cơ sở y tế trong việc giám định, thanh toán BHYT trên toàn quốc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng còn rất nhiều việc phải làm để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người có thẻ được lựa chọn cơ sở KCB tốt và chi trả bằng BHYT, hạn chế phải bỏ tiền túi khi KCB.