Trước nguy cơ cấp bách, Hà Nội đang vào cuộc rất tích cực để triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chất lượng không khí.
Triển khai các giải pháp cấp bách
TP.Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 19/CT - UBND về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn, do Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành.
Chỉ thị yêu cầu Sở TN&MT chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội vận hành liên tục ổn định hệ thống quan trắc môi trường không khí; thường xuyên tổng hợp kết quả thông báo công khai các số liệu ô nhiễm không khí hệ thống quan trắc của thành phố và một số cơ quan Đại sứ quán Pháp, Đại sứ quán Mỹ trên các phương tiện thông tin đại chúng của Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử của Sở TN&MT... để người dân biết, có kế hoạch hành động, phòng tránh.
Trường hợp khi ô nhiễm không khí chạm mức “nguy hại” chỉ số AQI >300, Sở TN&MT có trách nhiệm thông báo tới Sở GD&ĐT để chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học cho các cháu học sinh sắp xếp lịch học phù hợp; Tới Sở Y tế để có các biện pháp bảo vệ sức khỏe nhân dân, phòng ngừa bệnh về đường hô hấp; Tới các sở, ngành liên quan để có các biện pháp xử lý, khắc phục hạn chế phát thải.
Sở Y tế xây dựng phương án cụ thể để kịp thời hướng dẫn người dân các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo sức khỏe trong những ngày chất lượng không khí ở mức “xấu”, “rất xấu” và “nguy hại”.
Ô nhiễm cao điểm tại Thủ đô là sự kết hợp của thời tiết, lẫn khí thải của hàng triệu phương tiện, công trình xây dựng, nhà máy.
Trong các ngày chất lượng không khí ở mức “kém” trở lên, Sở Xây dựng có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các công ty môi trường đô thị, cùng các quận, huyện rà soát kiểm tra, phải tăng cường tần suất sử dụng xe hút bụi, hút rác và dùng xe tưới nước rửa đường.
Sở GT-VT và CATP tăng cường lực lượng điều tiết giao thông tránh ùn tắc trong giờ cao điểm, yêu cầu tất cả các xe tải trọng tải từ 1,5 tấn trở lên chỉ được đi vào TP từ vành đai 3 trở vào từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Công an thành phố và thanh tra chuyên ngành cần tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm tất cả các xe chở vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng không đúng quy chuẩn, không phủ bạt che chắn, để rơi vãi ra đường gây mất an toàn, vệ sinh môi trường; tăng cường kiểm tra, phát hiện để xử lý các dự án, cơ sở sản xuất, công trình xây dựng không che chắn, gây vương vãi vật liệu, bụi bẩn, gây ô nhiễm môi trường, xử lý nghiêm theo quy định.
Bên cạnh đó, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, người dân tham gia cung cấp video, hình ảnh các phương tiện chở quá tải, không che chắn gây phát tán bụi, phế thải tới các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm theo quy định.
Chỉ thị cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không đốt rác thải tự phát, đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch vụ mùa. Các hộ gia đình trong sinh hoạt và sản xuất kinh doanh không sử dụng bếp than tổ ong hoặc các nhiên liệu than cấp thấp...
Cần “triệt” nguyên nhân tận gốc
Ô nhiễm không khí không phải là vấn đề mới, nhưng lại rất “nóng” khi chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở Hà Nội luôn ở mức xấu kéo dài trong 2 tháng trở lại đây khiến người dân hết sức lo ngại.
Tại cuộc họp mới đây giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các bộ, ngành và thành phố Hà Nội để bàn giải pháp kiểm soát chất lượng môi trường không khí, báo cáo của TP.Hà Nội cho thấy nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí chủ yếu là do gia tăng nhanh các phương tiện giao thông với hàng triệu phương tiện tham gia giao thông, trong khi đó tiêu chuẩn về khí thải đối với ô tô và xe máy của Việt Nam đều thấp hơn so với các nước châu Âu, nên khí phát thải từ phương tiện đã gây ô nhiễm trực tiếp ra môi trường. Ngoài ra, các công trình xây dựng lớn tại thủ đô cũng khá nhiều. Hà Nội còn tình trạng đốt rơm rạ (theo mùa), cùng với việc xử lý rác thải, đốt chất thải ở ngoại thành... đã phần nào gây ra ô nhiễm.
Cuộc họp đưa ra giải pháp để cải thiện chất lượng không khí một cách bền vững, về lâu dài, TP. Hà Nội cần phải đẩy nhanh lộ trình đối với việc quản lý các phương tiện giao thông, đưa vào các quy chuẩn về khí thải cao hơn theo quyết định số 985a/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Đồng thời phải có cơ chế cho các phương tiện sử dụng năng lượng điện và khí sạch. Cần quản lý chặt công nghệ tái chế rác thải xây dựng, có lộ trình bài bản để kiểm soát các hoạt động giao thông trên địa bàn, trong đó có xe ở ngoài mang bụi đất ra vào nội đô. Đồng thời phải xem xét lại công tác quy hoạch, trồng cây xanh, giữ hồ ao, tạo hệ sinh thái để cân bằng môi trường trước sức ép của gia tăng dân số.