Hà Nội

Quyết liệt giảm tải bệnh viện, phòng chống dịch bệnh

27-03-2015 21:44 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Những kết quả đạt được trong thời gian qua của ngành y tế trong công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh đã góp phần mang lại niềm tin của cộng đồng đối với ngành y tế.

Những kết quả đạt được trong thời gian qua của ngành y tế trong công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh đã góp phần mang lại niềm tin của cộng đồng đối với ngành y tế. Từ đó cộng đồng hiểu và chia sẻ hơn về những khó khăn, vất vả của ngành y...

Năm 2014, trong điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, ngân sách bị cắt giảm nhiều nhưng ngành y tế vẫn nỗ lực hoàn thành 2 chỉ tiêu Quốc hội giao, đạt 23 giường bệnh trên 1 vạn dân (không kể trạm y tế xã), cao hơn chỉ tiêu giao; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn dưới 15,5%; đồng thời đạt 16/18 chỉ tiêu Chính phủ giao, có 2/18 chỉ tiêu xấp xỉ đạt là: tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi và tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Trong công tác khám chữa bệnh, các chỉ tiêu tổng hợp như số lần khám bệnh, số người bệnh điều trị nội trú, ngoại trú, số ngày điều trị nội, ngoại trú, số phẫu thuật, thủ thuật đều tăng từ 15 - 20% so với năm trước. Nhiều kỹ thuật mới trong y học đã được áp dụng thành công tại Việt Nam và đã trở thành thường quy; một số kỹ thuật chuyên sâu đạt ngang tầm các nước trong khu vực như kỹ thuật ghép tạng, kỹ thuật mổ nội soi, ứng dụng rô-bốt trong phẫu thuật, thụ tinh trong ống nghiệm...

Điều mà dư luận tiếp tục quan tâm là tình trạng quá tải bệnh viện và sự hài lòng của nhân dân về chất lượng dịch vụ y tế và y đức, y nghiệp của y, bác sĩ. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung các nguồn vốn đầu tư để hoàn thành một số dự án, hạng mục quan trọng phục vụ giảm quá tải bệnh viện, tình trạng quá tải tại nhiều bệnh viện về cơ bản đã được giải quyết như Bệnh viện K, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã giảm từ 60 - 70% số giường phải nằm ghép, nay chỉ còn 6 - 7%...; có 58% số bệnh viện tuyến Trung ương, 47% số bệnh viện tuyến tỉnh đã giảm hẳn tình trạng nằm ghép ở một số khoa đông bệnh nhân; 25% số bệnh viện tuyến huyện đã tăng số bệnh nhân và tăng trung bình gần 20% công suất sử dụng giường bệnh. 37,5% số bệnh viện vệ tinh đã giảm khoảng 25% số bệnh nhân chuyển tuyến trên điều trị so với năm trước.

Về công tác y tế dự phòng: Phòng, chống dịch bệnh luôn là vấn đề được ngành y tế đặt lên hàng đầu với phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Năm 2014 cũng là năm thứ 14 ngành y tế tiếp tục bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, bảo đảm các mục tiêu về tiêm chủng mở rộng, đồng thời cũng là năm dịch bệnh trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, một số dịch bệnh mới chưa có vắc-xin phòng ngừa; nguy cơ dịch trong nước như tả, sởi, sốt rét kháng thuốc còn cao, trong khi các yếu tố tác động bất lợi cho sức khỏe chưa được kiểm soát tốt. Bên cạnh đó, tình hình biến đổi khí hậu, lũ lụt xảy ra trong năm cũng là những yếu tố nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Ngành y tế đã chủ động triển khai công tác phòng chống dịch, duy trì giám sát dịch tễ thường xuyên, tăng cường kiểm dịch y tế biên giới, giám sát tại các cửa khẩu nhằm phát hiện các trường hợp dịch bệnh xâm nhập, giảm thiểu các yếu tố lây truyền các dịch bệnh nguy hiểm... nên không để dịch lớn xảy ra. Tỷ lệ mắc và tử vong một số bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm đều giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, ngành y tế hiện cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân như nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng tăng cao, mô hình bệnh tật thay đổi, một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng quay trở lại, các bệnh không truyền nhiễm, tai nạn, thương thích ngày càng tăng, các dịch bệnh mới, bệnh lạ diễn biến khó lường trước; quy mô dân số vẫn tiếp tục gia tăng và cơ cấu dân số đã có sự thay đổi lớn, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số.

Hệ thống các cơ sở cung ứng dịch vụ y tế chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ giường bệnh trên vạn dân còn thấp, phân bố giường bệnh chưa cân đối giữa các vùng miền, số giường bệnh các chuyên khoa như tim mạch, ung bướu, chấn thương, sản nhi... còn thấp so với nhu cầu và cơ cấu bệnh tật. Chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế chưa phù hợp, lương và phụ cấp cho cán bộ y tế chưa cao, chưa tương xứng với thời gian học tập, công sức lao động, môi trường lao động, điều kiện làm việc vất vả, nhất là ở khu vực miền núi, nông thôn.

Ngành y tế đề xuất Chính phủ, Quốc hội tiếp tục quan tâm đầu tư cho công tác y tế, đặc biệt là một số dự án cấp bách như một số bệnh viện tuyến tỉnh, một số huyện mới chia tách, huyện miền núi, khó khăn, chưa có bệnh viện, hoặc rất xuống cấp nhưng chưa có nguồn đầu tư; đầu tư cho các trạm y tế xã để đạt Chuẩn quốc gia về y tế xã; trước mắt là các xã đảo (65 xã), xã miền núi, biên giới, ven biển; đầu tư cho một số dự án y tế biển đảo...

Các địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai Đề án Thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020 tại địa phương; đưa chỉ tiêu tham gia bảo hiểm y tế vào Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2015, bảo đảm đủ ngân sách cho việc mua và hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách xã hội. Bên cạnh bố trí ngân sách địa phương cho Quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh người nghèo, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế trong hoạt động khám chữa bệnh, y tế tư nhân, hoạt động xã hội hóa, việc thực hiện giá dịch vụ y tế, đấu thầu mua thuốc, vật tư, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.

Hoàng Nguyễn

 

 


Ý kiến của bạn