Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) kế hoạch năm 2020 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 86/2019/QH14 ngày 12/11/2019 là 470.600 tỷ đồng.
Đến nay đã có 52/53 các bộ, cơ quan Trung ương và 63/63 địa phương có phương án phân bổ vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 cho các đơn vị trực thuộc và UBND cấp dưới, tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, phân bổ vốn đầu tư công quy định tại Luật Đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội về NSNN năm 2020.
Tuy vậy, mới có 35 bộ, cơ quan Trung ương và 22 địa phương giao chi tiết hết 100% kế hoạch vốn cho các dự án; 6 Bộ, cơ quan Trung ương và 17 địa phương giao chi tiết trên 90% cho các dự án; còn lại 12 bộ, cơ quan Trung ương và 24 địa phương giao chi tiết dưới 90% cho các dự án.
Mặc dù các cấp, các ngành và địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, số vốn giải ngân tăng so với cùng kỳ năm 2019 song tỷ lệgiải ngân 6 tháng đầu năm vẫn thấp so với yêu cầu. Có 3 Bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%; 33 Bộ, cơ quan Trung ương và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó, có 7 Bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%.
Tình hình giải ngân một số dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia như: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần là 3.437 tỷ đồng/8.970 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 38,3%; dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong 6 tháng đầu năm 2020, dự án giải ngân là 689,923 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đến nay là 1.827,391 tỷ đồng, đạt 10,1% kế hoạch được giao. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đã giao của Dự án đạt mức rất thấp, nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã tồn tại cố hữu từ lâu như: công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu... thêm một số nguyên nhân khác làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đó là những hưởng từ dịch COVID-19. Bên cạnh đó còn do các nguyên nhân chủ quan và khách quan khác...
Cần nhanh chóng giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án. (ảnh minh hoạ)
Trong những tháng còn lại, thúc đẩy và giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 là mục tiêu lớn, nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2020.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Cần chủ động ban hành kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu..., đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án; kế hoạch giải ngân và cam kết của chủ đầu tư đối với tiến độ giải ngân của từng dự án, trường hợp giải ngân không đạt tiến độ, xem xét điều chuyển vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; xem xét điều chuyển chủ đầu tư dự án theo thẩm quyền. Ngoài ra, các đơn vị thường xuyên tương tác kịp thời tháo gỡ khó khăn trong phát sinh trong các khâu.
Cần chỉ đạo chủ đầu tư đẩy mạnh tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả trong quá trình thực hiện.
Bộ Tài chính cần đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để rút ngắn thời gian, hạn chế tồn đọng hồ sơ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương kiểm tra, rà soát tiến độ giải ngân của các dự án từ tháng 7/2020 để kịp thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong tổng mức vốn ngân sách Trung ương năm 2020 đã được Quốc hội quyết định.