Quyết liệt chống nhiễm khuẩn bệnh viện

17-10-2018 12:21 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) đang trở thành thách thức đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Theo ước tính của WHO, ở bất cứ thời điểm nào cũng có hơn 1,4 triệu người bệnh trên thế giới mắc NKBV. Tại Việt Nam, kết quả điều tra NKBV ở 36 BV phía Bắc, tỉ lệ này là 7,9%...

Gánh nặng NKBV

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, tỷ lệ NKBV ở các nước phát triển khác nhau dao động trong khoảng 3,5 - 12%. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh dịch châu Âu báo cáo tỷ lệ hiện nhiễm ở các nước châu Âu trung bình là 7,1%. Số liệu về NKBV tại các quốc gia chậm và đang phát triển thường không đầy đủ và không có sẵn. Tuy nhiên, phân tích gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, các ca NKBV ở các nước đang phát triển thường xảy ra với tần suất cao hơn do hạn chế nguồn lực so với các nước phát triển. Tổn thất tài chính hằng năm do NKBV cũng rất lớn, ước tính khoảng 7 tỷ euro ở châu Âu, khoảng 6,5 tỷ USD ở Mỹ.

NKBV đặc biệt là nhiễm khuẩn huyết liên quan đến chăm sóc y tế là một trong các nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, làm tăng tỷ lệ tử vong, tăng thời gian nằm viện, tăng chi phí điều trị và kháng kháng sinh của vi khuẩn. Đây là một vấn đề ngày càng được mọi hệ thống y tế trên thế giới cũng như ở Việt Nam quan tâm. Theo ước tính của WHO, hiện nay có hơn 1,4 triệu người mắc nhiễm khuẩn liên quan tới NKBV. Tại Việt Nam, kết quả điều tra NKBV tại 36 bệnh viện phía Bắc, tỉ lệ này là 7,9%.

Cũng theo WHO, mỗi năm có 30 triệu người lớn, 3 triệu trẻ sơ sinh và 1,2 triệu trẻ nhỏ mắc nhiễm khuẩn huyết trên toàn thế giới. Trong đó, có 6 triệu người lớn và 500.000 trẻ sơ sinh tử vong vì nhiễm khuẩn huyết. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, nhiễm khuẩn huyết liên quan đến chăm sóc y tế đều có thể phòng ngừa được nếu nhân viên y tế thực hiện tốt các quy trình vô khuẩn BV và đơn giản nhất là tuân thủ vệ sinh tay khi chăm sóc người bệnh.

Trong các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh tay luôn được coi là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất. Ảnh: TM

Trong các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh tay luôn được coi là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất. Ảnh: TM

“Vắc-xin” tự chế đơn giản có thể cứu hàng triệu người

Theo các chuyên gia y tế, kiểm soát NKBV là việc áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự lan truyền các tác nhân gây nhiễm khuẩn trong thực hành khám, chữa bệnh, là nội dung quan trọng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh tại các cơ sở y tế. Trong các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh tay luôn được coi là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng nhấn mạnh, vệ sinh tay được coi là liều vắc-xin tự chế rất đơn giản, dễ thực hiện, hiệu quả về chi phí cũng như có thể cứu sống hàng triệu người. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chỉ một động tác vệ sinh tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy làm tử vong hàng triệu người mỗi năm trên thế giới.

Liên tiếp trong mấy ngày gần đây, hàng loạt các BV tuyến TW đã đồng loạt phát động ngày hội rửa tay và các phong trào rửa tay sạch trong BV. Theo TS. Nguyễn Tiến Quang - Phụ trách công tác Kiểm soát nhiễm khuẩn BV K cho biết, BV K là BV chuyên khoa đầu ngành về điều trị các bệnh ung bướu, với đặc điểm các bệnh nhân đa số là người bệnh ung thư được điều trị với các phương pháp như hóa trị, xạ trị gây suy giảm miễn dịch nên việc phòng ngừa NKBV rất quan trọng. Theo đó, các thông điệp phòng chống NKBV mà BV K sẽ thực hiện là: “Bảo vệ sự sống - Hãy vệ sinh tay”; “Hãy trao nhau yêu thương, đừng trao nhau vi khuẩn”; “Chăm sóc sạch là chăm sóc an toàn”; “Vệ sinh tay là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất trong phòng ngừa NKBV”. Bên cạnh đó, để công tác phòng chống nhiễm khuẩn thiết thực, BV đã đưa nội dung thực hiện vệ sinh tay, kiểm soát NKBV và một trong các tiêu chí quan trọng trong công tác thi đua, khen thưởng của BV và các đơn vị.

Còn tại BV TW Quân đội 108, GS.TS. Mai Hồng Bàng - Giám đốc BV cho biết, song hành cùng với phát triển kỹ thuật chuyên môn, trang bị các máy mọc thiết bị hiện đại, BV TW Quân đội 108 đã và đang tăng cường phát triển toàn diện công tác Kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm hướng tới mục tiêu không còn NKBV tại BV. Chính vì vậy, hoạt động tăng cường vệ sinh tay là một hoạt động vô cùng quan trọng, cần được đưa lên như là một hoạt động chuyên môn và tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Đồng thời, BV đã  kêu gọi nhân viên y tế phải chú ý đến việc rửa tay thường xuyên hơn nữa bằng dung dịch sát trùng, nếu không có những dung dịch này thì nhất thiết phải rửa bằng xà phòng thường.

Rửa tay với xà phòng giảm nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm

Đó là một trong những thông điệp của Lễ mít-tinh Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng do Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan vừa tổ chức tại Hà Nội. Thông tin cho biết, bàn tay không được vệ sinh sạch sẽ là nơi có thể chứa nhiều nhất các mầm bệnh gây tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp như viêm phổi. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc ước tính rằng mỗi năm trên thế giới có 1,1 triệu trẻ em tử vong do tiêu chảy và 1,2 triệu trẻ em mất đi sự sống do các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Tại Việt Nam, các bệnh truyền nhiễm gây dịch có tỷ lệ mắc trên 100.000 dân cao nhất là cúm, tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, lỵ, quai bị, thủy đậu. Như vậy, có khoảng gần một nửa các bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc cao nhất là những bệnh liên quan tới nước sạch, vệ sinh môi trường và đặc biệt là các hành vi vệ sinh cá nhân.

Rửa tay với xà phòng ở các thời điểm quan trọng như trước bữa ăn hoặc sau khi đi vệ sinh có thể ngăn chặn sự lan truyền mầm bệnh. Rửa tay với xà phòng làm giảm tới 50% các trường hợp mắc tiêu chảy, 25% các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ em dưới 5 tuổi... Rửa tay với xà phòng và sử dụng nước ăn uống sạch làm giảm 15% các trường hợp suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nhóm trẻ này.

Trong những năm tới, Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng sẽ tiếp tục là một trong những sự kiện tiêu biểu cho những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân và sức khỏe cộng đồng, góp phần chung tay với toàn nhân loại trên hành trình tiến đến Mục tiêu phát triển bền vững về sức khỏe (SDG 3), đặc biệt là mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em.

Xuân Thủy


Thái Bình
Ý kiến của bạn