Thông tin tại cuộc họp cho thấy, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng nói chung và trong lĩnh vực y tế nói riêng diễn biến phức tạp. Do đó, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc ở TW và địa phương phối hợp để kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm trong việc kinh doanh, buôn bán hàng gian, hàng giả trong lĩnh vực y tế…
Xử phạt 26 tỷ đồng vi phạm về an toàn thực phẩm
Theo ông Trần Hùng - Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, thời gian qua, việc đấu tranh ngăn chặn buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng của ngành y tế thời gian qua đã có những kết quả tích cực. Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho biết, gần đây, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng nói chung và trong lĩnh vực y tế nói riêng diễn biến phức tạp; đặc biệt đối với nhóm mặt hàng mỹ phẩm, hương liệu thực phẩm, thực phẩm chức năng có xu hướng gia tăng hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng.
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa tiêu thụ trên thị trường. Ảnh: TM
“Lĩnh vực hàng gian, hàng giả, hàng nhái nhiều nhất được phát hiện là mỹ phẩm và thực phẩm chức năng với thủ đoạn ngày càng tinh vi và quy mô lớn. Việc quảng cáo quá phạm vi chuyên môn để đánh lừa người tiêu dùng. 2 nơi tập trung lượng hàng gian, hàng giả nhiều nhất cả nước hiện nay là Hà Nội và TP.HCM”, ông Trần Hùng chia sẻ.
Về phía ngành y tế, ông Lê Văn Giang - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2016, các đoàn liên ngành TW và 63 tỉnh thành đã kiểm tra 345.106 cơ sở, phát hiện 56.978 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm (chiếm 16,51%). Ngoài xử phạt hơn 26 tỷ đồng, 145 cơ sở còn bị đình chỉ hoạt động, 133 loại thực phẩm bị đình chỉ lưu hành, 606 cơ sở có nhãn phải khắc phục. Hàng nghìn loại thực phẩm bị tiêu hủy do không đảm bảo chất lượng ATTP như không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng...
Hàng giả, hàng nhái lĩnh vực y tế đe dọa sức khỏe người dân
Theo PGS.TS. Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban chỉ đạo 389 Bộ Y tế, việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng nói chung và trong lĩnh vực y tế nói riêng đã và đang tác động, ảnh hưởng xấu tới môi trường sản xuất kinh doanh và vi phạm quyền, lợi ích của người tiêu dùng; đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Trước tình hình này, Bộ Y tế kiên quyết đấu tranh các hành vi vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại.
Nhằm tăng cường công tác phối hợp đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực y tế từ nay đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và phối hợp với các ban, ngành liên quan tập trung nguồn lực triển khai công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong các lĩnh vực thực phẩm và thực phẩm chức năng; dược và mỹ phẩm và nguyên liệu liên quan đến dược liệu, đồng thời thường xuyên đẩy mạnh công tác kiểm tra trong dịp Tết về các lĩnh vực như an toàn thực phẩm, dược mỹ phẩm... đảm bảo cho người dân đón Tết Nguyên đán an toàn
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn yêu cầu các đơn vị trong ngành y tế phối hợp để kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm trong kinh doanh, buôn bán hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực y tế, đồng thời tăng cường tuyên truyền các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh buôn bán phải tuân thủ quy định của pháp luật, người dân lựa chọn thông thái.