Trong thời gian qua, mặc dù các lực lượng chức năng luôn tăng cường công tác phòng chống buôn lậu xăng dầu trên biển, nhưng vì lợi nhuận nên không ít đối tượng đã lợi dụng phạm vi hoạt động trên biển rộng, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nên tình trạng buôn bán lậu xăng dầu vẫn diễn biến phức tạp.
Liên tục phát hiện
Mới đây, vào ngày 14/8, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã bắt quả tang tàu DAIMOND SATU 18 sang mạn trái phép dầu DO cho tàu có số hiệu BV 99977 TS tại vùng biển gần bãi cạn Đông Sơn, thềm lục địa phía đông nam Việt Nam. Theo lời khai ban đầu của quản lý tàu - ông Tạ Văn Tuân (32 tuổi, trú Hải Dương), trên tàu DAIMOND SATU 18 chứa khoảng 50.000 lít dầu DO. Thuyền trưởng Bùi Văn Khải (trú Ninh Giang, Hải Dương) không xuất trình được các loại giấy tờ gì về con tàu, hàng hóa trên tàu và cũng không có giấy phép rời cảng cuối cùng. Tám thuyền viên trên tàu không có đầy đủ giấy tờ tùy thân cũng như bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn. Đáng chú ý, thuyền trưởng Khải không có bằng thuyền trưởng. Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tạm giữ tang vật và phương tiện để tiếp tục điều tra.
Cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 4 kiểm tra tàu vi phạm sang mạn trái phép xăng, dầu trên biển.
Trước đó, liên tiếp các vụ buôn lậu, sang chiết dầu trái phép trên biển đã bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, tiến hành điều tra, xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể, vào ngày 7/8, tại khu vực phao số 0, thuộc vùng biển Hải Phòng, khi các đối tượng đang sang chiết dầu từ tàu vận tải của nước ngoài đã bị lực lượng trinh sát, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 bắt giữ. Tiến hành kiểm tra tàu dầu mang số hiệu QN-5698, trên tàu có 3 thuyền viên, do ông Nguyễn Văn Đình (sinh năm 1982, quê quán xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) làm thuyền trưởng, đang chở khoảng 20 mét khối dầu FO. Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng của tàu QN-5698 không xuất trình được chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số dầu trên. Thuyền trưởng khai nhận, trước đó khoảng 3h ngày 07/8/2015 tàu QN-5698 đã cập mạn tàu vận tải của nước ngoài ở khu vực phao số 0 để nhận dầu. Một vụ việc khác, sáng ngày 3/7, tại vùng biển Cam Ranh (Khánh Hòa), Hải đội 2 phối hợp với Hải Đoàn 48, Bộ Đội biên phòng tuần tra kiểm soát, phát hiện, bắt giữ 1 tàu gỗ mang BKS: KH 94545 do ông Doãn Văn Trung điều khiển vận chuyển 30.000 lít dầu DO không có hoá đơn chứng từ hợp pháp.
Lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn
Như báo Sức khỏe&Đời sống đã từng phản ánh, công tác đấu tranh làm rõ hành vi buôn lậu xăng dầu trên biển gặp rất nhiều khó khăn vì các đối tượng dùng tất cả các thủ đoạn để nhằm che giấu các hành vi nhằm trốn tránh pháp luật. Theo lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam, hàng nghìn vụ vi phạm, buôn lậu và gian lận trên biển đã bị xử lý trong thời gian qua đã cho thấy sự phức tạp trong đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật trên biển. Đặc biệt, buôn lậu xăng dầu trên biển mang lại siêu lợi nhuận nên các đối tượng luôn tìm mọi cách để thực hiện các “phi vụ”. Các đối tượng buôn lậu thường mua xăng dầu ngoài biển, sau đó neo đậu ở khu vực phao số 0 để giao dịch. Chỉ cần một tàu mua, một tàu bán cập mạn với nhau là có thể trở thành một “bến” vận chuyển xăng dầu lậu. Cùng đó, với mặt hàng xăng dầu, rất khó để lực lượng chức năng “bắt tận tay” khi không phân biệt xăng mới mua hay đã có từ trước đó và để chứng minh được hành vi buôn lậu, nếu không bắt quả tang lúc đang bơm hàng. Thiếu tá Đoàn Văn Dũng - Phòng trinh sát, Bộ tư lệnh Cảnh sát Biển cho biết, các đối tượng buôn lậu lợi dụng đêm tối, trời mù, thời tiết phức tạp, ra các vùng biển giáp ranh với nước ngoài để tiến hành mua bán, trao đổi xăng dầu trái với quy định. Và đặc biệt trong thời gian gần đây, các đối tượng vi phạm thường hợp thức hóa hồ sơ trên bờ trước để đối phó với cơ quan chức năng, gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình xử lý vi phạm. Thủ đoạn mà các chủ đầu nậu thường sử dụng là không trực tiếp thực hiện hành vi buôn lậu mà chỉ gián tiếp thông qua thuyền trưởng, người áp tải hàng lợi dụng đêm tối tiến hành mua xăng dầu ngoài biển, sau đó chuẩn bị các bộ hồ sơ để hợp thức hóa, đối phó với các cơ quan chức năng. Hành vi phạm tội của những đối tượng này không chỉ xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến cơ chế, chính sách của Nhà nước về quản lý tiêu thụ xăng dầu, gây lũng đoạn thị trường giá cả trong nước và tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Tình hình buôn lậu xăng dầu trên các vùng biển tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Thực trạng này nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ không chỉ gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước mà nguy hiểm hơn nó còn gây ra sự xáo trộn đối với thị trường xăng dầu, một mặt hàng nhạy cảm của nền kinh tế. Chính vì thế, việc tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý đến cùng các vụ buôn bán lậu xăng dầu bằng các biện pháp mạnh như tịch thu phương tiện và hàng lậu là hết sức cần thiết nhằm răn đe loại tội phạm này.
Hải Phong – Ngọc Đỗ