Quyết liệt chặn “vòi” nhũng nhiễu, vòi vĩnh, chung chi

22-06-2019 09:22 | Thời sự
google news

SKĐS - Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong một số lĩnh vực như hải quan, thuế, quản lý thị trường... và ngay cả trong chính lực lượng chức năng của thanh tra một số địa phương và bộ, ngành.

Đồng thời, dư luận xã hội cũng bức xúc về sự thiếu minh bạch, thiếu kiểm soát, nguy cơ tiềm ẩn tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ của một số lĩnh vực nhạy cảm khác như điều tra, thi hành án, kiểm toán, tổ chức nội vụ...

Gần đây nhất, dư luận xôn xao về vụ việc Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc lập biên bản, tạm giữ về hành vi “vòi tiền” trong quá trình thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Cụ thể vụ việc, Công an tỉnh Vĩnh Phúc thông báo ngày 12/6 đã bắt quả tang, khám xét nơi làm việc tại UBND huyện Vĩnh Tường của bà Nguyễn Thị Kim Anh (44 tuổi, Phó trưởng Phòng Phòng chống tham nhũng - Thanh tra Bộ Xây dựng) và ông Đặng Hải Anh (38 tuổi, chuyên viên thanh tra Phòng Thanh tra Xây dựng 2, Thanh tra Bộ Xây dựng). Cơ quan điều tra cáo buộc, bà Kim Anh và ông Hải Anh đã “vòi vĩnh” tiền tại địa phương, nhận hối lộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch được phê duyệt, công tác cấp phép xây dựng, quản lý sau cấp phép và quản lý đầu tư tại một số dự án ở huyện Vĩnh Tường. Ngày 18/6, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 trong 5 thành viên của đoàn thanh tra về tội nhận hối lộ. 3 người nói trên gồm: Trưởng đoàn Nguyễn Thị Kim Anh, ông Đặng Hải Anh và bà Nguyễn Thùy Linh (25 tuổi, cán bộ Phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra).

Đây không phải lần đầu tiên hành vi sách nhiễu, ăn chặn tiền của dân, của doanh nghiệp (DN) bị phanh phui, mà những việc thế này vẫn xảy ra thường xuyên và kín đáo hơn, nên dư luận và báo chí chưa có đủ chứng cứ bắt quả tang để lôi ra ánh sáng. Tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gợi ý, lót tay, gây phiền hà cho người dân và DN trong giải quyết công việc vẫn còn diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành. Mỗi vụ việc bị phanh phui là thêm một lần niềm tin của dân về cán bộ công quyền bị xói mòn.

Trước vụ việc trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cơ quan chức năng điều tra làm rõ vụ việc báo chí phản ánh Thanh tra Bộ Xây dựng “vòi tiền” trong quá trình thanh tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 1/8/2019... Ngay sau đó, ngày 17/6, Thủ tướng đã ký Công điện số 724/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. Trong Công điện gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nêu rõ, hiện nay, trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ cá nhân, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, sơ hở của chính sách, pháp luật... để sách nhiễu, gây phiền hà, thậm chí tiêu cực, tham nhũng khi thực hiện hoạt động công vụ, gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trước tình hình nêu trên, để chủ động phòng ngừa vi phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thủ trưởng các cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai ngay các biện pháp, trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh:

Quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc.

Người đứng đầu bộ, ngành, địa phương phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng; nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại đơn vị, cơ quan mình thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước.

Từng cơ quan, đơn vị phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc; tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 - 4. Triển khai rộng rãi hệ thống ghi âm, ghi hình, camera trực tuyến tại các địa điểm có tiếp xúc trực tiếp với người dân, DN và có bộ phận thường trực để theo dõi, giám sát thường xuyên.

Công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm.

Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật; định kỳ luân chuyển, thay đổi vị trí công tác đối với những vị trí nhạy cảm, phức tạp theo đúng quy định; đồng thời, lựa chọn, bố trí người có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ để đảm nhiệm các vị trí nhạy cảm, nhất là đối với các trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra viên...

Hy vọng, cùng với sự giám sát của nhân dân, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, tình trạng tham nhũng, sách nhiễu, vòi vĩnh của một số bộ phận công chức sẽ bị hạn chế và dần lấy lại niềm tin trong nhân dân.


Trung Hiếu
Ý kiến của bạn