Hà Nội

Quyết định hiến tạng cho y học của con trai nữ bác sĩ đầu tiên hiến giác mạc

01-11-2017 15:15 | Y học 360
google news

SKĐS - Sáng ngày 1/11/2017, Bs. Hoàng Thanh Tùng - con trai Bs. Vũ Thị Thoa – Nữ bác sĩ trước khi ra đi vì căn bệnh ung thư vú đã hiến tặng đôi giác mạc để mang lại ánh áng cho 2 người khác đã tới Trung tâm điều phối tạng Quốc gia đăng ký hiến tạng sau khi chết não. Bs.Tùng thực hiện nghĩa cử này ngay sau khi vừa bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp bác sĩ Nội trú như một sự tiếp nối những điều tốt đẹp mà mẹ của mình đã làm khi còn sống.

Trước đó, câu chuyện về người nữ bác sĩ Vũ thị Thoa hiến tặng giác mạc trước khi qua đời đã khiến cho cộng đồng xã hội rất nể phục. Ngày 30/8/2016, Bác sĩ Vũ thị Thoa - Nữ bác sĩ trưởng khoa Mắt tại BV 19- 8 Bộ Công an đã ra đi sau 20 năm kiên cường chiến đấu với căn bệnh ung thư vú. Dù tâm nguyện của bác sĩ Thoa muốn hiến toàn bộ nội tạng nhưng vì căn bệnh ung thư đã di căn nên không thể làm được điều này, chỉ có thể hiến được đôi giác mạc.

Sáng 1/11, tại trung tâm Điều phối tạng Quốc gia, chàng trai Hoàng Thanh Tùng (SN 1990) - là cong trai của Bác sĩ Vũ thị Thoa đã cầm trên tay tấm thẻ đăng kí hiến tạng của cơ thể cho y học chia sẻ: Dù có ý định đăng ký hiến tạng từ lâu nhưng tới hôm nay, sau khi đã tốt nghiệp bác sĩ nội trú, chuyên khoa Mắt của bệnh viện Mắt Trung ương, Tùng đã quyết định đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời của mình bằng một việc làm có ý nghĩa. Đó cũng là cách để Tùng tri ân với cuộc đời khi mình sinh ra may mắn được khỏe mạnh, được học hành và đã nhận về từ cuộc đời này rất nhiều điều tốt đẹp.

Bs. Hoàng Thanh Tùng - con trai Bs. Vũ Thị Thoa - Nữ bác sĩ trước khi ra đi vì căn bệnh ung thư vú đã hiến tặng đôi giác mạc để mang lại ánh áng cho 2 người khác ký vào đơn hiến tạng

Với bác sĩ trẻ Hoàng Thanh Tùng, hiến tạng sau khi chết não là việc để lại những điều tốt đẹp sau khi mỗi người ra đi. “Ngoài kia, có biết bao số phận bất hạnh, bao con người bị muôn vàn bệnh lý đang phải lao đao trên hành trình đi kiếm tìm những phần tạng phù hợp với cơ thể. Hơn một năm trước, mẹ của tôi cũng từng hiến giác mạc cho y học trước khi mẹ lìa cõi đời này bởi căn bệnh ung thư. Việc làm này của mình cũng là tiếp nối truyền thống tốt đẹp của gia đình, tiếp nối việc làm nhân văn mà mẹ đã làm. Tôi tin, mẹ ở sẽ luôn ủng hộ tôi trong quyết định này”, bác sĩ Tùng chia sẻ.

Bác sĩ Tùng tâm sự: Lâu nay, mọi người vẫn nghĩ: chết phải toàn thây. Nhưng với Tùng quan niệm đó là chưa đầy đủ, và cũng không có tôn giáo nào trên thế giới này lại không ủng hộ chuyện hiến mô tạng. “Ai trong chúng ta từng có người nhà suy tạng, chết mòn chờ đợi nguồn tạng thì sẽ hiểu được giá trị lớn lao của việc hiến mô tạng trong khi đó, ai rồi chết đi cũng sẽ chôn vùi dưới ba tấc đất hay thiêu thành tro bụi vậy cớ sao lại để phí hoài bao nhiêu nguồn sống?”.

Video: Chia sẻ của Bs. Hoàng Thanh Tùng

"Với tôi, sống tốt đẹp, làm phúc với những người gần gũi quanh mình là việc cần làm trước tiên, không cần đâu xa. Hiến tạng khi chết não hoặc sau khi chết là cách trao gửi lại sự sống quý giá, tuyệt vời. Nếu không, do nguồn tạng khan hiếm, vô tình chúng ta sẽ tiếp tay cho những hành vi buôn bán nội tạng" - BS. Tùng tâm sự.

Khi được hỏi về quyết định này là của cá nhân Tùng hay đã có sự bàn bạc với gia đình, Tùng chia sẻ, thời điểm hiện tại, Tùng vẫn chưa nói cho bất kỳ một ai trong gia đình biết về chuyện mình đi hiến mô tạng. Nhưng chàng bác sĩ trẻ tin rằng, gia đình sẽ không ai ngăn cản vì khi quyết định hiến giác mạc của mẹ Tùng cho y học, cả gia đình ai cũng ủng hộ.

Tới thời điểm này, Tùng và gia đình vẫn chưa được gặp lại những người đã nhận giác mạc từ mẹ. Tùng và gia đình muốn mọi việc diễn ra tự nhiên nhất, bởi Tùng tôn trọng tính thượng tôn của pháp luật.

Ths. BS Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia trao tấm thẻ hiến tạng cho Bs. Hoàng Thanh Tùng

“Mình làm việc thiện không nhất thiết phải để người khác biết hay nhớ tới mình, hay mang ân huệ. Nếu qua một kênh nào đó, họ biết tới gia đình tôi, chúng tôi vẫn luôn đón nhận những tình cảm mà họ dành cho mình. Còn bản thân tôi vẫn luôn giữ liên lạc với bác sĩ điều trị cho người nhận giác mạc từ mẹ. Đó là kênh gián tiếp để tôi biết, giác mạc của mẹ hiện tại vẫn rất tốt trên cơ thể người khác”, Tùng tâm sự.

Tùng kể lại cảm xúc khi lần đầu được bác sĩ cho xem hình ảnh giác mạc của mẹ trong đôi mắt người khác, rất đẹp, rất tốt, suy nghĩ đầu tiên trong Tùng chính là cảm giác như mẹ vẫn còn sống. Chàng trai trẻ ấy rất hạnh phúc. “Bắt gặp hình ảnh người thân trên cơ thể người khác, đâu đó mọi người cũng có phút chạnh lòng, xúc động vì đang sống hạnh phúc mà phải chia lìa người thân. Nhưng sau khi nhìn lại, tôi thấy hạnh phúc vì mẹ vẫn tồn tại trên đời, hạnh phúc vì mẹ và gia đình đã làm được việc làm ý nghĩa, giúp đỡ được nhiều người khác”, Tùng trao đổi thêm.

Hiến giác mạc được thực hiện như thế nào?

Chia sẻ tại buổi đăng ký hiến tạng của bác sĩ trẻ Hoàng Thanh Tùng, Ths. BS Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia cho biết: Bất kỳ ai cũng có thể đăng ký hiến tạng sau khi chết và chết não. Hiến tạng khi chết não là khi chẳng may gặp tai nạn hay bệnh tật (xuất huyết não).... Khi ấy, tim vẫn đập nhưng chỉ hoạt động được rất ít giờ đồng hồ và cần có sự hỗ trợ của máy móc. Sự hoạt động này không thể kéo dãi mãi mãi như hình thức sống thực vật mà sau khoảng ngắn thời gian ngắn vài tiếng đồng hồ hoặc vài ngày, do não đã chết và phân hủy, toàn bộ hoạt động của nội tạng cũng sẽ ngừng.

Hiến giác mạc chỉ thực hiện sau khi mất. Một người mất do tuổi cao hay bất kể lý do gì kể cả bệnh nan y như ung thư, người có thị lực kém (cận, viễn, loạn, đục thuỷ tinh thể...) hay đã từng phẫu thuật về mắt mà giác mạc vẫn còn tốt thì vẫn có thể hiến tặng giác mạc đem lại ánh sáng cho 2 người mù khác.

Giác mạc hiến tặng được lấy trong khoảng từ 6-8 giờ sau khi người hiến qua đời. Việc thu nhận giác mạc được tiến hành nhanh chóng (khoảng 25-30 phút). Kỹ thuật viên chỉ tách lấy lớp giác mạc mỏng phía trước lòng đen nên hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến khuôn mặt người hiến.

Hiện có 2 địa chỉ chính thức được phép đăng ký và phát hành thẻ hiến tạng tại Việt Nam để đáp ứng nguyện vọng đăng ký hiến tạng cứu người khi qua đời của người dân gồm:

1. Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Địa chỉ: 201B Nguyễn Chí Thanh Quận 5 TPHCM
Điện thoại: (84- 8) 3855 4137 xin số 1184 hoặc 1284
(84- 8) 3956 0139
Điện thoại 24/24: 0913 677 016
Email: dieuphoigheptangbvcr@gmail.com
https://www.choray.vn

2. Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người
Địa chỉ: 40 Tràng Thi – Hà Nội
Điện thoại: 84 4 39386692
Điện thoại 24/24: 0915 060 550
Email: gheptang@vncchot.vn
https://www.facebook.com/dieuphoigheptangvietnam


Thanh Loan
Ý kiến của bạn