Quyết định “Dời đô” của Lý Công Uẩn

28-09-2010 13:57 | Văn hóa – Giải trí
google news

Việc một vị vua đứng đầu thiên hạ nhận thức được hành động của mình lại có sự ủng hộ của vị thiền sư nổi tiếng như chỗ dựa tinh thần tưởng chuyện dời đô có thể xảy ra ngay, vậy mà kéo được... hơn 2 tiếng trên sàn diễn đầy hấp dẫn.

Chuyện đức vua Lý Thái Tổ dời đô ai cũng biết và lý do chuyển kinh đô từ Hoa Lư đến thành Đại La thì trong Chiếu dời đô, cụ Lý cũng đã phân tích cái thế đất "rồng cuộn hổ ngồi, lưng tựa núi, mặt nhìn sông..." hẳn ai cũng rõ. Thế nhưng từ chuyện ai cũng biết, cũng rõ ấy, Dời đô của Nhà hát Kịch Quân đội đã tạo dấu ấn và sự hấp dẫn riêng qua cách khai thác quyết định dời đô trong nội tâm nhân vật Lý Công Uẩn.

Nhà viết kịch Lê Duy Hạnh khi xây dựng kịch bản không đi tìm xung đột đối kháng tốt - xấu, mới - cũ như một đường dây chạy suốt mà tập trung khai thác xung đột giữa nhận thức và hành động ngay trong nhân vật chính. Ngay từ đầu kịch, Lý Công Uẩn đã nhận thấy vị trí đắc địa của Đại La rồi khi gặp công chúa Phất Ngân càng vững tin hơn khi chủ ý của mình trùng với chủ ý của thầy Vạn Hạnh. Việc một vị vua đứng đầu thiên hạ nhận thức được hành động của mình lại có sự ủng hộ của vị thiền sư nổi tiếng như chỗ dựa tinh thần tưởng chuyện dời đô có thể xảy ra ngay, vậy mà kéo được... hơn 2 tiếng trên sàn diễn đầy hấp dẫn. Ấy là sự tìm tòi sáng tạo trong khai thác chiều sâu nhân vật để bật ra được hình tượng người anh hùng Lý Công Uẩn.

Cảnh trong vở Dời đô 3.

Yếu tố cản trở chuyện dời đô không mạnh nhưng phẩm chất của Lý Công Uẩn được bộc lộ qua vở diễn lại mạnh qua nội tâm nhân vật. Dường như tư tưởng dân chủ có từ thời này qua lăng kính của tập thể sáng tạo khi để ông biến ý tưởng dời đô của mình thành nhận thức của các quan trong triều, đặc biệt là quan hệ vua - tôi, con rể - bố vợ với nhân vật Lê Hoài Vương. Ông không độc đoán tự quyết bởi dẫu là vua tài giỏi đến mấy, quyền lực đến mấy cũng khó có thể làm thay nghĩ hộ thiên hạ chăng?

Xây dựng mối quan hệ nhân vật giữa vua với tổng trấn Đại La cũng là một sáng tạo trong kịch bản gắn lịch sử với hiện đại. Các đời vua trước chọn Hoa Lư làm kinh đô không sai nhưng đấy là kinh đô của thời can qua. Khi đất nước thái bình thì việc dời đô ra Đại La mang tư tưởng mở rộng bang giao, buôn bán, xây dựng xã tắc phồn thịnh. Trong việc mở rộng cửa bang giao buôn bán ấy xuất hiện chuyện buôn lậu với nước ngoài như gió độc, cỏ dại vào nhà, vào vườn khi cửa rộng mở. Lớp kịch "đả long bào" dường như không phải là chuyện vua chịu tội thay con của quan trong triều (nếu vậy là vô lý) mà sâu hơn phải chăng là nhân vật Lý Công Uẩn nhận ra cái lỗi của mình khi bên cạnh kế sách hay chưa lường hết những phát sinh tiêu cực từ đường lối đúng mà ngăn chặn.

Đạo diễn Lê Hùng rất xuất sắc trong dàn dựng kịch bản này. Thành công của anh là tạo ra được không khí kịch. Trước hết là không khí lễ hội với sự tham gia của dàn diễn viên phụ trợ. Lớp kịch các nhà sư vây quanh cuộc gặp của Lý Công Uẩn - công chúa Phất Ngân đầy biểu cảm tạo ra vẻ đẹp riêng, song vẫn giữ được hồn cốt kịch bản. Những lớp kịch khác như lớp "đả long bào", chọn Đại La trên bản đồ cũng đầy xúc động và tạo được cảm giác thẩm mỹ. Sự sáng tạo dàn diễn viên phụ trợ kết hợp với trống khiến vở diễn sinh động hơn, song vẫn đảm bảo tính hợp lý khi ngàn năm trước, đạo Phật là quốc đạo ở nước ta.

So với vở diễn khác cùng kịch bản này, Dời đô của Nhà hát Kịch Quân đội gọn gàng và mạch lạc, chặt chẽ, rõ ý hơn.

Từ một đoàn kịch có bề dày truyền thống 55 năm thành Nhà hát Kịch Quân đội, tập thể những người lính - nghệ sĩ ở đây đã phát triển hướng tìm tòi mới theo kịp những đòi hỏi của cuộc sống. Nếu như trước đây, trên sàn diễn quân đội chủ yếu là bóng dáng những người lính trong chiến tranh vệ quốc hoặc vừa ra khỏi cuộc chiến tranh thì vở trình làng của Nhà hát là một bất ngờ với đề tài lịch sử. Kịch lịch sử nhưng không minh họa lịch sử mà từ sự kiện lịch sử, tập thể sáng tạo vở diễn đã gợi được cho người xem thêm những ngẫm ngợi về hôm nay qua bài học xưa. Không có hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ với đề tài chiến tranh cách mạng quen thuộc nhưng xem Dời đô, khán giả vẫn nhận ra cốt cách truyền thống của Đoàn kịch Quân đội trước đây với một thái độ rất rõ ràng của người lính - nghệ sĩ cách mạng.

Lưu Thủy


Ý kiến của bạn