Quyền sở hữu trí tuệ và sản xuất thuốc phiên bản giá rẻ

01-03-2011 14:10 | Thời sự
google news

Hiện nay, việc sản xuất thuốc phiên bản giá rẻ và đàm phán hay yêu cầu các công ty nước ngoài sản xuất kinh doanh trên đất nước mình phải hạ giá thuốc khi còn giữ độc quyền không còn là hiện tượng cá biệt. Việc làm này bị các hãng độc quyền và chính phủ của họ phản ứng nhưng cuối cùng các nước làm như vậy đã thắng.

Sản xuất thuốc phiên bản  giá rẻ có vi phạm quyền SHTT?

Theo qui định của WHO, chính quyền của một quốc gia được phép công bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia” và cấp “giấy phép bắt buộc” cho việc sản xuất hoặc buôn bán thuốc phiên bản giá rẻ của thuốc có bản quyền mà không cần sự cho phép của công ty nước ngoài giữ bản quyền. Ngoài ra, mỗi quốc gia có một luật SHTT riêng không  mâu thuẫn với qui định về quyền SHTT chung nhưng có các qui định làm chỗ dựa để điều chỉnh việc vận dụng quyền SHTT chung vào điều kiện nước mình. Ở nước ta, tiết 3, điều 7 luật bổ sung và sửa đổi luật SHTT ban hành năm 2009 có qui định rõ: “Trong trường hợp nhằm bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh, dân sinh và các lợi ích  khác của nhà nước, xã hội quy định tại Luật này, Nhà nước có quyền cấm hoặc hạn chế chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền của mình hoặc buộc chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng một hoặc một số quyền của mình với những điều kiện phù hợp…”.

Hiện nay, việc sản xuất thuốc phiên bản giá rẻ và đàm phán hay yêu cầu các công ty nước ngoài sản xuất kinh doanh trên đất nước mình phải hạ giá thuốc khi còn giữ độc quyền không còn là hiện tượng cá biệt. Việc làm này bị các hãng độc quyền và chính phủ của họ phản ứng nhưng cuối cùng các nước làm như vậy đã thắng. Năm 2008, hải quan một số nước EU (Hà Lan, Đức) thu giữ nhiều kiện hàng thuốc phiên bản giá rẻ (gồm thuốc AIDS, thuốc tâm thần phân liệt, thuốc chữa Alzheimer, thuốc cao huyết áp) của Brazil, Ấn Độ chuyển cho các nước nghèo, lấy cớ là chống hàng giả. Hai nước này kiện lại vì cho rằng làm thế là trái với qui định của WTO, trái với tuyên bố Doha về hiệp định TRIPS. Kết quả: tháng  5/2010 WHO  lên tiếng bảo vệ Brazil, Ấn Độ và  yêu cầu các nước thuộc EU không tái diễn việc này. Hơn thế, tháng 6/2010 WHO thông qua quyết định  tách riêng biệt hai lĩnh vực quyền  SHTT và chống nạn thuốc giả và  qui định thuốc phiên bản giá rẻ  cũng sẽ nhận được sự bảo vệ chống lại nạn hàng giả như các thuốc còn bảo hộ độc quyền.  Các tổ chức nhân đạo,  nhân quyền cũng ủng hộ các nước này. Chẳng hạn, tổ chức quốc tế Oxfarm nhận định Thái Lan hoàn toàn có quyền hợp pháp trong việc áp dụng “giấy phép bắt buộc”. Vậy nên, năm 2008, một số công ty dược đa quốc gia đồng ý giảm giá thuốc và đề nghị Thái Lan ngừng sản xuất thuốc phiên bản giá rẻ AIDS, ung thư  nhưng Chính phủ Thái Lan tuyên bố  không từ bỏ các mục tiêu này vì nó phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cố nhiên chính phủ một nước có thực hiện việc cấp “giấy phép bắt buộc” hay không , ở  phạm vi mức độ nào… là  tùy thuộc vào pháp luật, mối quan hệ của nước đó với các hãng độc quyền và chính phủ của họ, quan trọng hơn phụ thuộc vào chính thực lực sản xuất kinh doanh của nước đó. Ở nước ta, thẩm quyền này thuộc Cơ quan quản lý quyền  SHTT của Nhà nước  và thuộc Bộ  chuyên ngành, chúng ta không lạm bàn.
 
Thuốc phiên bản giá rẻ là mơ ước của nhiều người nghèo.
Thông tin về pegnano ( Công ty  Nanogen)  và Pegasys ( Hãng Roche)

Việc hãng Roche kiện Công ty Nanogen vi phạm bản quyền cần đợi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Ở đây, chỉ nêu hai thông tin (về luật pháp và về kỹ thuật) liên quan  để suy nghĩ  khi tìm hiểu về quyền SHTT và sản xuất thuốc phiên bản giá rẻ.

Thứ nhất, tỷ lệ viêm gan siêu vi  C ở nước ta cao, theo ước tính năm 2000 là 2%, năm 2005 là 9-14% dân số. Giá thuốc chữa viêm gan C pegasys 01 lọ (180mcg) là 4.325.000đồng,  01 lọ (135 mcg) là 3.315.000 đồng. Theo liệu trình chuẩn, mỗi tuần phải tiêm 01 lọ, kéo dài 12 tháng, thì riêng thuốc pegasys hết khoảng 200 triệu đồng (chưa kể  thuốc uống bắt buộc phải dùng là ribavirin). Lương công nhân viên chức, thu nhập đầu người ở nông thôn còn thấp hơn nên người bệnh khó tiếp cận với thuốc. Xét trên khía cạnh dân sinh và nhân đạo nếu cần thiết Bộ Y tế nước ta vẫn có quyền cho cá nhân hay tổ chức sản xuất thuốc phiên bản giá rẻ  như bộ y tế các nước khác  đã  làm.

Thứ hai, nguyên liệu interferol alpha - 2 đã hết hạn bảo hộ độc quyền từ lâu. Quá trình gắn kết chuỗi polymer Polyethyleneglycol (PEG) vào các phân tử protein trị liệu đã được áp dụng rộng rài từ 1970. Về mặt SHTT công thức pegasys  của Roche chỉ được bảo hộ độc quyền phần PEG gắn vào interferon apha-2 mà thôi. Theo công ty Nanogen, phần PEG của họ khác với phần PEG của Roche, do vậy, công thức phân tử của  pegnano khác hẳn với pegasys. Đương nhiên cơ quan khoa học sẽ kiểm tra, nhưng nếu đúng như công ty Nanogen trình bày thì việc sản xuất pegnano không vi phạm bản quyền của Roche.

Gác ra ngoài  việc chờ đợi phân xử, cần hoan nghênh công ty Nanogen mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ sinh học, sản xuất ra các sản phẩm sinh học có giá trị, giá thành rẻ đáp ứng nhu cầu của người bệnh có thu nhập thấp.      

  DSCKII.  Bùi Văn Uy


Ý kiến của bạn