Rất nhiều người đến với Tây Bắc không chỉ bởi vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ, thơ mộng mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này mà còn bởi sự đặc sắc của đời sống văn hóa các dân tộc. Cho nên, có những người đã bỏ nhiều thời gian và tiền của để “săn” những vẻ đẹp của cảnh và người ấy. Ðôi khi, thành quả của họ chỉ là… những nụ cười sơn nữ.
1. Chắc chắn là như vậy. Ngay cả tôi, một người thích mạo hiểm, trèo đèo, lội suối, “phượt” vùng Tây Bắc cũng bị cuốn hút bởi những nụ cười sơn nữ. Nó mê hoặc, quyến rũ, lại có vẻ hoang hoải của núi rừng, như bông hoa trên núi cao. Nụ cười ấy xua tan những mệt nhọc của cuộc sống (đôi khi) được coi là cùng cực và tạo sự lạc quan cho chính chủ nhân của nó, lan tỏa đến với những thành viên trong gia đình, nội tộc. Nụ cười ấy lại lan tỏa ra không gian núi rừng, ra những tán lá, những cuống hoa. Nụ cười làm sáng cả triền dốc, làm mê mị cả phiên chợ, khiến cả mùa xuân về đậu lại trên khuôn mặt thiếu nữ.
Điệu khèn trên mây.
Phải nói, có những thiếu nữ đẹp như thiên thần, với nụ cười thật tươi xuất hiện ở chợ phiên, trong hội xuân. Thậm chí, xuất hiện ở trên nương, hẻm núi hoặc khuất lấp dưới những túp nhà sàn chênh chếch xứ núi. Ấy thế mà nhiều du khách đã tìm đến, các tay “phượt” lăm lăm máy ảnh chớp hình. Sơn nữ đẹp có sức hút lạ kỳ, dù họ có khép nép, kín kẽ và nhút nhát thế nào thì ở bản đó, xóm đó, xã đó cũng có người này mách người kia. Rồi lại đến tai dân “phượt”, đến tai các nhà báo. Dân sinh viên vốn hạn hẹp về kinh tế cũng có rất nhiều người hăng hái khám phá vùng cao, “săn” vẻ đẹp sơn nữ. Nhà báo nào đến vùng cao cũng thích chụp ảnh đẹp, đặc biệt là lưu tâm chụp ảnh sơn nữ. Nhà báo Phạm Ngọc Dương cũng có bộ sưu tập hàng chục cô gái Tây Bắc đẹp tuyệt vời với nụ cười tươi đấy thôi. Anh Đỗ Doãn Hoàng cũng đâu có “kém miếng”! Rồi anh Tráng Xuân Cường, Nguyễn Thế Lượng, Phạm Ngọc Bằng… Các anh là nhà báo vùng cao, đã chớp được hàng trăm khoảnh khắc sơn nữ với nụ cười thật tự nhiên và thoải mái đấy thôi. Tôi không thể nhớ hết những chuyến đi Tây Bắc và bao nhiêu lần đưa máy lên chụp hình sơn nữ. Nụ cười của họ ăm ắp trong máy tính của tôi, trên các trang báo tôi viết. Và cũng phải khẳng định, chính vẻ đẹp sơn nữ với những nụ cười tỏa sáng của họ đã góp phần làm đẹp các trang báo, kể cả những trang báo Xuân. Trong một chuyến đi Sa Pa, chúng tôi gồm ba nhà báo, khi vào thăm một bản văn hóa, bất ngờ gặp một thiếu nữ ngồi dệt vải có khuôn mặt tuyệt đẹp. Cả ba chúng tôi cùng đưa máy ảnh lên chụp ở những góc khác nhau. Thật vui là năm đó, ở ba tờ báo Xuân khác nhau đều đăng ảnh của thiếu nữ đó. Mãi sau này, anh bạn tôi không thôi thốt lên: “Cô gái đó có vẻ đẹp và nụ cười thật… bàng hoàng”!
2. Thiên nhiên đã ban cho Tây Bắc rất nhiều con suối đẹp, hiền hòa. Chính những con suối chảy âm thầm, nuôi dưỡng những bản làng này đã chưng cất thêm sự đa dạng của văn hóa vùng cao. Suối còn là nơi trai gái tụ tập, tắm giặt, là nơi hò hẹn của tình yêu lứa đôi. Bởi thế, đã có những con “suối tình” thơ mộng, chứng kiến biết bao lời thì thào tỏ tình của chàng trai với cô gái, từ đó họ yêu nhau, thành vợ thành chồng. Và cũng chính nơi dòng nước miệt mài chảy đó, nụ cười của các thiếu nữ tỏa rạng. Có những “bến tắm” mà mỗi ngày hàng chục cô gái ra “tắm tiên”. Ở đó, họ tự do thoải mái đùa nước, giỡn nhau và thỏa thích cười. Nhiều cụ già vùng cao bảo rằng: Xưa, mỗi bản, làng Tây Bắc đều có “bến tắm” riêng dành cho phụ nữ mà không có người đàn ông nào dám “bén mảng” tới.
Thật đẹp biết bao với hình ảnh thiếu nữ thoải mái khi thiếu nữ lội xuống dòng nước trong vắt, chiếc váy xòe dần được nâng lên theo nhịp chân bước. Nước dâng lên đến đâu, chiếc váy được vén dần lên đến đó cho đến khi toàn bộ cơ thể đều được dòng suối nhẹ nhàng bao bọc lấy thì váy được cuộn chặt trên đỉnh đầu. Với thiếu nữ dân tộc Thái, tục “tắm tiên” có lẽ kỳ công, kín đáo hơn cả. Họ coi việc “tắm tiên” là một nghệ thuật mà mỗi người đều phải học ngay từ tuổi dậy thì, biết khép nép làm duyên.
Bình thường, người thiếu nữ Thái mặc chiếc áo coóng may sát người giúp khoe tấm lưng thon và vun đầy vòm ngực, giúp khuôn ngực của các cô lúc nào cũng được đẩy lên cao, căng tròn và gợi cảm. Chiếc xà tích quấn quanh eo lưng như một chiếc thắt lưng bằng vải, làm cho cô gái nào cũng có bờ eo thon thả. Thiếu nữ Thái mặc váy bó ngay từ khi còn bé, để đôi chân chỉ được bước từng bước nhỏ, dịu dàng. Đã quen với những nhịp bước trong chiếc váy gò bó nên dù có mặc loại trang phục khác, họ vẫn bước những bước nhỏ dịu dàng.
Những nụ cười sơn nữ.
3. Nhiều văn nghệ sĩ “tức cảnh sinh tình” trước vẻ đẹp và những nụ cười sơn nữ. Sơn nữ đã khiến trái tim những gã đàn ông sắt đá nhất cũng phải rung rinh, làm cho nhiều người đàn ông khô cứng phải cầm bút làm thơ. Cả chục bài hát, hàng trăm bức họa và hàng vạn bức ảnh về sơn nữ đã được sinh ra. Chúng ta có bài Tình ca Tây Bắc mà nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh đã gửi gắm những âm điệu dạt dào, tràn đầy niềm vui: “…Rừng rừng hoa với chim ca vui tưng bừng/ Suối nước trong xanh soi bóng em và bóng anh…”. Bài thơ Em tắm của Bạc Văn Ùi, dân tộc Thái, được bình chọn là một trong 100 bài thơ hay nhất của thế kỷ hai mươi cũng ca ngợi vẻ đẹp hài hòa, gắn kết của sơn nữ và con suối: “Tay của em lấm lem/ Tay của than của bụi/ Tay của rừng của núi/ Tay của đất của nương/ Em tắm xong lại sạch/ Vẫn ngát thơm hoa rừng/ Da của em trắng ngần/ Là của anh tất cả”…
Sẽ còn rất nhiều tác phẩm nghệ thuật được sinh ra bởi sự rung cảm của các nghệ sĩ khi đến thăm vùng Tây Bắc những năm tháng bình yên sau này. Khi xuân đến, hoa núi nở thì cũng là lúc các dân tộc vùng Tây Bắc đón năm mới. Họ sẽ đi chơi xuân, tham gia chợ phiên. Các sơn nữ sẽ chuẩn bị những bộ váy đẹp nhất để xuống chợ sắm đồ, đi chơi xuân... Ngoài những bộ trang phục truyền thống độc đáo, đẹp mắt, họ trở nên đẹp hơn với nụ cười lúc nào cũng tươi nở.
Ngày nay, cái “alô” (điện thoại di động) đã trở nên phổ biến, phủ sóng các vùng núi cao, sơn nữ đi chợ, đi làm còn dắt theo để làm duyên, để “mình nói mà anh ấy ở nhà cũng nghe thấy”. Cái “alô” cũng khiến các thiếu nữ vui hơn, tươi hơn, cười nhiều hơn.
Không riêng gì tôi, rất nhiều người đặt chân đến Tây Bắc đều thấy ngỡ ngàng, đều bị quyến rũ bởi những nụ cười. Những nụ cười như một món “đặc sản” mà những người vùng cao này đã tận dụng, thắp lên trong cuộc sống của họ, để những ngày vất vả trôi mau, để họ đủ sức vượt qua những khó khăn khác trong cuộc sống, rồi làm nên những mùa xuân đẹp nơi núi rừng. Khi hồi hộp trong không khí đón xuân, tôi nghe như các thiếu nữ, như xuân Tây Bắc đang mời gọi. Hình như xuân đang chảy tràn, nhảy nhót, cười vang...