Cùng với nhu cầu giải trí ngày càng cao của công chúng, bên cạnh dòng tranh chính thống mang tính nghệ thuật cao, mảng tranh hí họa cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm. Nắm bắt được nhu cầu quan tâm tới những nhân vật nổi tiếng, nhiều họa sĩ đã có những tác phẩm hí họa buộc công chúng không thể không quan tâm.
Vũ khí nghệ thuật
Có thể nói, hí họa là một thể loại của biếm họa và họa sĩ Việt Nam đã biết sử dụng nó như một vũ khí lợi hại ngay từ khi còn chưa có trong trong từ điển. Khác với nghĩa lớn của biếm họa, bao gồm tranh vui, tranh phê bình, đả kích, tranh ký họa chân dung..., hí họa là một khái niệm sát thực của thể loại biếm họa nói chung, nó đề cao tính vui vẻ, sảng khoái, hài hước, thiên về chân dung, không bao hàm nghĩa phê phán, châm biếm, đả kích như biếm họa. Hí họa cũng được xếp là một loại hình nghệ thuật, đứng độc lập với các thể loại khác của mỹ thuật và đặc biệt không phải ai cũng đủ tay nghề và sự nhạy cảm để vẽ tranh hí họa. Ở nước ngoài, rất nhiều họa sĩ theo đuổi con đường vẽ tranh hí họa và cũng hình thành nên một bộ phận những họa sĩ giỏi chuyên phục vụ cho nhu cầu của tầng lớp cao trong xã hội, trong đó chủ yếu là những nhân vật nổi tiếng và báo chí đòi hỏi tay nghề chuyên môn khá cao ở họ.

Không phải tới bây giờ mảng hí họa của Việt Nam mới manh nha phát triển. Vào thế kỷ trước, chính danh họa Bùi Xuân Phái cũng đã vẽ tranh hí họa cho tờ Trăm Hoa do nhà thơ Nguyễn Bính làm chủ bút. Bức hí họa nổi tiếng nhất của ông trong thời kỳ này được ký tên là: Pha Y, Ly và Vi Vu. Trong đó, nổi tiếng nhất và còn lưu lại được là bức hí họa nói về sự gò bó, trói buộc trong sáng tác của người cầm bút trước tệ chụp mũ. Trước đó, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Gia Trí và sau này là Phan Kế An (Phan Kích), Mai Văn Hiến, Nguyễn Bích đã tiếp nối nguồn cảm hứng này.
Cũng là họa sĩ nổi tiếng ở thế kỷ trước và vẫn còn vang danh tới tận ngày nay với những bức biếm họa - hí họa trứ danh là Chóe (Nguyễn Hải Chí). Thậm chí, vào thời điểm huy hoàng nhất của sự nghiệp, Nhà xuất bản Glade Publications đã tự gom khoảng 200 tác phẩm hí họa của Chóe đăng rải rác tại Sài Gòn, in lại tại Mỹ cuốn The World Of Choe (VietNam’s Numberone Editiorial Cartoonist) và giới thiệu rộng rãi trên thế giới. Từ những hí họa đăng rải rác trên báo chí tại miền Nam đến hí ngạo tung hoành trên hầu hết các tờ báo của xã hội mới, Chóe đã trở thành nhà hí họa bút sắt số 1 Việt Nam.
Quyền năng đặc biệt
Còn nhớ năm 2008, họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa đã tổ chức triển lãm cá nhân hí họa 1 2 (caricature 1 2) tập hợp 43 chân dung văn nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam. Thực ra, cái tên Nguyễn Hữu Khoa không còn lạ lùng với người thường xuyên xem hí họa, anh chính là họa sĩ Còm trên báo Hoa học trò. Nguyễn Hữu Khoa đã lần lượt gây bất ngờ và thích thú cho công chúng với những bức tranh hí họa về Văn Cao, Tô Hoài, Trần Đăng Khoa, Trịnh Công Sơn, Trần Tiến, Thanh Tùng, Đặng Thái Sơn, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Chánh Tín, Thành Lộc cho tới Ngọc Khuê, Diễm Quỳnh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Vĩnh Tiến... Là một người dấn thân lâu và mạnh bạo vào con đường vẽ tranh hí họa, theo Nguyễn Hữu Khoa, lĩnh vực khá mới mẻ này vẫn có rất nhiều “đất” để phát triển trong nước vì có lượng khách hàng rất đông, từ những người nổi tiếng đến người bình dân. Chính họa sĩ người Hà Nội cũng rất có ý thức muốn phát triển loại hình tranh hí họa khi dự định mỗi năm sẽ triển lãm một lần để tạo thành thói quen đón đợi.
Mới đây, nghệ sĩ hài Thúy Nga đã trưng bày và bán các bức hí họa về bản thân để giúp người có hoàn cảnh khó khăn được mổ mắt. Việc Thúy Nga dành một không gian riêng trong liveshow Xin lỗi em chỉ là... diễn ra tại Hà Nội hôm 29/3 để trưng bày một số bức tranh hí họa về bản thân do các họa sĩ thực hiện đã thể hiện sự trân trọng, yêu thích của nữ nghệ sĩ với thể loại tranh này. Và quả thực, những người hâm mộ đã rất thích thú với hình ảnh một Thúy Nga đặc tả và hài hước thông qua những nét vẽ hí họa chân phương. Tổng cộng sau đêm diễn, các khán giả mua ủng hộ Thúy Nga hơn 10 bức tranh với tổng số tiền thu được là hơn 10 triệu đồng. Nữ nghệ sĩ cho biết, chị sẽ dùng số tiền thu được từ việc bán tranh để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn được mổ mắt.
Có thể nói, mảng tranh hí họa đang ngày càng thể hiện được quyền năng và ý nghĩa đối với nghệ thuật cũng như xã hội. Việc phát triển thể loại tranh này một cách chất lượng và đúng hướng sẽ còn hứa hẹn nhiều hơn những thành công cho các họa sĩ thực sự có tư duy và tâm huyết.
Ngữ Nam