Quyền lực đạo diễn sân khấu

13-10-2012 09:40 | Văn hóa – Giải trí
google news

Ðạo diễn - Họ là ai? Là người đảm trách tất cả các khâu sáng tạo, chuyển tải kịch bản thành vở diễn sân khấu (SK).

(SKDS) - Ðạo diễn - Họ là ai? Là người đảm trách tất cả các khâu sáng tạo, chuyển tải kịch bản thành vở diễn sân khấu (SK).

Xưa - đạo diễn được coi là bác Thơ

Họ - theo lẽ thông thường được qua trường lớp đào tạo hẳn hoi, công việc của họ được coi là một nghề sang trọng. Trong giới họ, có không ít người danh tiếng đi cùng với tri thức. Giá như họ biết “tôn sư trọng đạo”, là cái đạo nghề ấy. Ðằng này, có người trong số họ lại không hành xử như thế, tai tiếng thường đi kèm với việc không chịu học đến nơi đến chốn.

Ðạo diễn có cần học?

Quãng thời gian từ năm 1954 – 1960, một số người được cử sang Trung Quốc học đạo diễn, từ đó hình thành nghề đạo diễn ở Việt Nam với những tên tuổi khởi đầu như Trần Hoạt, Đình Quang, Nguyễn Đình Nghi… Thời của các cụ, mỗi vở diễn làm ra ròng rã hàng tháng, mỗi dịp ra mắt vở mới là một sự kiện.

Sau này, lực lượng đạo diễn xuất hiện ngày càng rầm rộ. Một số người học ở Liên Xô, Bulgari, Tiệp Khắc, Australia…, còn đa số học ở Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, thậm chí có cả những người chả qua trường lớp nào vẫn thành đạo diễn.

Ừ thì đạo diễn là một nghề, nhưng có phải cứ mài đũng quần trên ghế giảng đường mấy năm mới hành nghề được đâu. Thì bên điện ảnh, ca nhạc đấy, mấy cô mấy chàng có nhan sắc một chút, hoa hậu, người mẫu càng sang, thích thì đều có thể trở thành diễn viên điện ảnh, ca sĩ cả đấy thôi. Thế thì chuyện chả học mà vẫn thành đạo diễn SK cũng chẳng có gì lạ. Một anh diễn viên giỏi một ngày kia trở thành đạo diễn - chuyện thường. Chuyện không bình thường là có những anh tác giả, những lãnh đạo đoàn, lãnh đạo Sở Văn hoá hăng máu lên cũng xông ra làm đạo diễn. Mà khổ nỗi, những vở họ dàn dựng, đố ai dám góp ý.

Đã đành làm nghề gì, nhất là sáng tạo nghệ thuật cần phải có tài năng. Nhưng làm cái anh đạo diễn - tổng chỉ huy các khâu sáng tạo cho một vở diễn thì phải có cái nhìn tổng thể, phải tưởng tượng ra được đường dây của vở diễn sẽ như thế nào. Nếu ví kịch bản như nguyên vật liệu thì đạo diễn phải là người xây được cái cầu từ SK tới khán giả. Chất lượng cái cầu tốt hay không phụ thuộc vào nguyên vật liệu tác giả cung cấp, nhưng đạo diễn giỏi là phải biết thêm phụ gia xây cái cầu cho vững để đưa khán giả đến với sàn diễn.

Vẫn biết trong công việc sáng tạo nghệ thuật không ai toàn bích cả, không có đạo diễn nào làm vở nào cũng hay, nhưng lại có đạo diễn làm vở nào cũng dở, không được ai biết đến chứ đừng nói đến việc nhớ tên. Thế mà vẫn cứ tiếp tục làm! Tại sao? Vì anh ta là người giỏi móc ráp, luồn lọt, biết lại quả cho bên A, cho những người đặt bút ký cho phép và cấp kinh phí dựng những vở đó.

 Đã rất nhiều năm ngồi chơi xơi nước, đạo diễn Tuấn Hải mới được làm vở tham gia LHSK kịch 2012. (Cảnh trong vở Biển và bờ- đạo diễn Tuấn Hải)

Quyền lực đạo diễn

Làng SK có dạo nhiều đạo diễn nổi lên như cồn bởi sự uyên thâm trí tuệ và bởi phong cách nghề nghiệp. Nhiều vở diễn của họ làm ra cách đây vài chục năm khi nhắc đến người trong nghề vẫn nể trọng.     

Lại có thời kỳ làng SK xuất hiện cụm từ mới: đạo diễn ăn khách. Cả một thời gian dài tên tuổi của họ gần như hiện diện trên danh mục biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật trong toàn quốc. Tính sơ sơ, sự hành nghề của những đạo diễn ăn khách như NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng, NSND Xuân Huyền cũng lên tới con số 300 - 400 vở dàn dựng.

Bây giờ thì đạo diễn mới, đạo diễn trẻ xuất hiện nhiều hơn, từ nhiều nguồn khác nhau. Chắc chắn là làm đạo diễn vui, nhiều thú vị nên người ta mới đổ xô đi làm đạo diễn nhiều như vậy!

Chả gì thì quyền uy đạo diễn cũng lớn lắm chứ. Có những lúc đạo diễn được coi là chúa tể, tự cho mình cái quyền tối thượng là tha hồ xoay chuyển kịch bản. Vở diễn được coi là của đạo diễn, kịch bản của tác giả chỉ được coi là chiếc cầu bắc qua lạch nước cho đạo diễn bước qua, cho nên họ đã tự ý thêm bớt xoay chuyển, khiến cho không ít vở lên sàn diễn, tác giả chẳng còn nhận ra “đứa con tinh thần” mà mình đã từng thai nghén ấp ủ. Trong những vở diễn như thế, diễn viên chỉ là con rối để đạo diễn chuyển tải ý đồ của mình, thậm chí phải thể hiện những đối thoại nhạt nhẽo mà đạo diễn cho ra đời một cách tùy hứng ngay trên sàn tập.

Chẳng biết từ khi nào làng SK xuất hiện chức danh chỉ đạo nghệ thuật. Hiểu theo nghĩa đen thì chức danh này có nghĩa là tổng chỉ huy nghệ thuật của đơn vị và đứng trên cả đạo diễn. Nhưng thật oái oăm, ở các đoàn công lập của chúng ta từ lâu đã có một luật bất thành văn, đó là cứ hễ là giám đốc các nhà hát, trưởng đơn vị nghệ thuật thì nghiễm nhiên là chỉ đạo nghệ thuật. Vì thế mà họ đâu có tài và uy để chỉ đạo những đạo diễn gạo cội, ăn khách coi họ chỉ là học trò hoặc đàn em? Vai vế này chỉ được làm đúng chức phận của nó khi đạo diễn là lãnh đạo nhà hát và mời một vị quan chức làm chỉ đạo nghệ thuật. Bởi người ta chỉ cần cái uy, cái danh của vị nọ để dễ bề ra vở. Có lẽ hiểu như vậy nên nhiều đạo diễn đành làm theo ý của những người có quyền sinh, quyền sát kia cho vở diễn được “xuôi chèo, mát mái”.

Bữa trước, trong một cuộc tọa đàm, một đạo diễn trẻ nói đạo diễn chả có quyền lực gì, có chăng là có quyền lực nghệ thuật, tức là có quyền yêu cầu diễn viên diễn theo chỉ đạo của mình. Chả sai, nhưng đấy là những đạo diễn chưa thành sao hoặc còn ít có cơ hội hành nghề, còn nếu đã là đắt show thì “hãy đợi đấy!”.

Đạo diễn ăn khách - quyền lực đã đành, nhưng những đạo diễn là lãnh đạo đơn vị nghệ thuật uy quyền cũng lắm. Có đạo diễn trẻ than thở: Một năm nhà hát làm 3 vở thì sếp làm 3, dựng 4 vở thì sếp cũng làm 4, mà có dựng 5 vở thì sếp cũng dựng cả 5. Vậy nên mấy đạo diễn trẻ của đơn vị suốt cả một thập kỷ đành phải ngồi chơi xơi nước.

Lại cũng có một số đơn vị nghệ thuật, cả trung ương và địa phương, người trong nghề vẫn truyền nhau câu nói, hầu như lãnh đạo đơn vị nghệ thuật là đạo diễn thì sẽ như thanh long đao chắn ở cửa nhà hát, đạo diễn ngoài vào cũng khó, mà cơ hội của những đạo diễn trẻ trong đơn vị càng nhọc nhằn hơn. Thế nên mới có chuyện: người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra. Vậy là khi được trao quyền quá lớn, các lãnh đạo đơn vị đã trở thành các tác giả, hoạ sĩ kiêm đạo diễn độc tôn của đơn vị rồi tự duyệt nhuận bút cho mình. Đôi khi để “đổ bê tông phòng ngự” trước dư luận, họ đã mời lãnh đạo Sở, Thành phố viết kịch bản, thậm chí mời luôn họ dàn dựng. Vậy là chính cơ chế đã không cho các đạo diễn trẻ cơ hội làm việc bởi biết đâu khi được nhận làm vở, một đạo diễn trẻ có tài có thể làm lu mờ vị đạo diễn –lãnh đạo kia, kéo được đám đông về với mình và được thể hiện tài năng của mình trước bạn bè, đồng nghiệp?

Đã bao năm nay người ta đã gióng lên hồi chuông SK thiếu đạo diễn, nhưng quân có được thi thố đâu mà tìm ra tài năng. Lãnh đạo mà là đạo diễn coi như đạo diễn trẻ hết cửa. Đã có không ít đơn vị nghệ thuật không hề có niềm tin vào đạo diễn trẻ mà chỉ tín nhiệm, chấp nhận một vị đạo diễn gạo cội nên vở nào, dịp liên hoan nào cũng chầu chực mời bằng được, dù vị ấy làm không hết việc và tuyên bố chỉ đến với nhà hát được 5 ngày, vẫn trả cát-sê cao ngất. Nhưng cơ chế bao cấp, mỗi dịp dựng vở tham gia liên hoan là một dịp giải ngân, đơn vị muốn được cấp tiền phải có những cái tên “khủng” để lãnh đạo Sở duyệt.
 
Thế nên có ông đạo diễn làm vở không kịp thở, vở nọ lặp lại mảng miếng vở kia, có đợt liên hoan, hứng trọn cả vở hay nhất và vở dở nhất. Là đạo diễn lừng danh, lẽ ra anh phải biết tập trung sáng tạo cho từng mảng miếng, cho từng vở diễn, anh phải biết chối bỏ sự dễ dãi, cẩu thả. Nhưng tiền Nhà nước cấp, vở diễn sau đó có xếp kho thì cũng không ai phải chịu trách nhiệm. Đã có đơn vị nghệ thuật nào khi làm 1-2 vở không biểu diễn được mà bị truy thu đâu. Nhất là hiện nay, 12 nhà hát của Bộ VH-TT&DL không phải trình lên Cục Nghệ thuật biểu diễn kịch bản văn học nữa, thế là các đoàn cứ làm, tự tung tự tác, tự hạch toán kinh doanh. Chỉ khổ cho người nghệ sĩ, tình yêu dành cho nghệ thuật không được đền đáp bởi con đường vở diễn đi từ SK đến nhà kho là con đường dễ đi và ngắn nhất.

Vậy đạo diễn trẻ không được hành nghề thì lỗi tại ai? Có phải tại lãnh đạo đơn vị sợ mất ghế, không dám mạnh dạn giao vở cho đạo diễn trẻ? Cơ chế này đã kéo nhau lại và làm thui chột tài năng của họ. Bởi vì nếu có cơ hội được thử sức, chắc chắn không ít đạo diễn trẻ có thể dư sức sáng tạo ra những vở diễn đình đám khiến bạn bè đồng nghiệp phải “tâm phục khẩu phục” và thắc mắc: “Tài thế mà sao bây giờ mới được làm?!..”.            

  Tố Lan


Ý kiến của bạn