Nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10/2024, hôm nay (29/8), Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo luật này.
Tập trung vào sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến chính sách BHYT thực sự cần thiết, cấp bách
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, sau 15 năm triển khai thực hiện, chính sách BHYT từng bước phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, hướng tới xây dựng hệ thống y tế Việt Nam theo hướng công bằng, hiệu quả, tiếp cận mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật BHYT hiện hành đã có một số quy định không phù hợp với sự phát triển của xã hội, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp, bảo đảm quyền của người dân trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.
Trong khi đó, Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, mô hình bệnh tật thay đổi, gia tăng các bệnh không lây nhiễm. Đặc biệt, nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân ngày càng tăng cao...
Vì thế, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát và hoàn thiện hồ sơ để sửa đổi những vướng mắc, bất cập phát sinh có tính cấp bách đã được tổng kết qua thực tiễn, nhằm tháo gỡ.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng thông tin thêm: Ngày 22/8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và biểu quyết thông qua việc bổ sung Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (dự kiến diễn ra vào tháng 10/2024) theo quy trình tại một kỳ họp.
Sau cuộc họp, Bộ Y tế đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Xã hội và Ủy ban Pháp luật để bổ sung, hoàn thiện các báo cáo; xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung.
Trong đó, tập trung vào các nội dung thực sự cần thiết, cấp bách, đã rõ, có sự đồng thuận cao, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Khám chữa bệnh 2023, Luật BHXH; cũng như tháo gỡ được những bất cập, vướng mắc, khó khăn đã được tổng kết qua thực tiễn, nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi...
Phạm vi quyền lợi của bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT được mở rộng
Thông tin tại hội nghị, ThS Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT Bộ Y tế cho biết, dự Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, cập nhật các đối tượng tham gia BHXH theo Luật BHXH mới. Người lao động ở doanh nghiệp chỉ cần làm việc một tháng là được tham gia BHYT (trước phải ba tháng). Việc bao phủ đầy đủ các đối tượng tham gia BHYT sẽ làm tăng nguồn thu BHYT từ đối tượng mới tham gia, đồng thời, đạt chỉ tiêu BHYT toàn dân là 95% mà Chính phủ giao.
Vụ trưởng Trần Thị Trang cho biết phạm vi quyền lợi của bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT được mở rộng: Một số bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng, bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao, hiện nay người dân vẫn phải lấy giấy chuyển trong năm theo trình tự từ dưới lên cơ sở điều trị ở tuyến trên, nhưng tại dự Luật BHYT sửa đổi, bổ sung sẽ có danh sách các bệnh phải lên tuyến trên điều trị mà không cần giấy chuyển tuyến, vừa thuận tiện cho người dân, vừa tiết kiệm chi phí do không phải khám chữa bệnh trùng lặp ở tuyến dưới và tuyến trên.
Cùng đó, dự Luật BHYT sửa đổi, bổ sung lần này đề xuất quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh và có mức hưởng theo quy định với các bệnh nhân đã được cơ sở khám chữa bệnh chẩn đoán một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo quy định của Bộ Y tế.
Đại diện Vụ BHYT lưu ý: Một số bệnh được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT là người bệnh sẽ được chi trả tối đa chi phí khám, chữa bệnh BHYT trong phạm vi được hưởng, thay cho được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh BHYT trong phạm vi được hưởng như hiện nay, chứ không phải BHYT sẽ chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh của bệnh nhân.
Dự thảo Luật BHYT lần này cho phép chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh BHYT nếu vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật, hoặc cơ sở khám chữa bệnh cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn chuyển người bệnh đã được điều trị ổn định về cấp chuyên môn kỹ thuật thấp hơn, hoặc ngang cấp hoặc trường hợp cần điều trị dài ngày, chuyển người bệnh về cơ sở khám, chữa bệnh BHYT ban đầu quản lý, theo dõi.
Tức là người bệnh đã được chẩn đoán xác định một số bệnh mạn tính, kê đơn ở tuyến trên thì có thể về tuyến dưới điều trị và hưởng thuốc, vật tư y tế như ở tuyến trên, để người dân điều trị ở đâu cũng được hưởng thuốc tốt nhất.
Hiện BHYT chỉ chi trả cho xe cứu thương vận chuyển bệnh nhân từ huyện lên tỉnh, nhưng dự Luật BHYT lần này đề xuất thanh toán BHYT cả việc vận chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh, trong trường hợp cấp cứu hoặc đang điều trị nội trú phải chuyển cơ sở khám chữa bệnh theo yêu cầu chuyên môn và cần vận chuyển bằng xe vận chuyển người bệnh chuyên dùng.
Người bệnh có thể đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở các phòng khám đa khoa, TTYT huyện vẫn được hưởng 100% BHYT, nhằm thu hút người bệnh về tuyến dưới để giảm tải tuyến trên.
Bà Trang thông tin thêm về điểm mới của dự Luật BHYT sửa đổi là phân bổ sử dụng quỹ BHYT hiệu quả với đề xuất điều chỉnh chi phí quản lý quỹ BHYT tối đa 5% hiện nay xuống tối đa 4%, phần còn lại 1% bổ sung vào quỹ khám chữa bệnh BHYT. Như vậy, tổng kinh phí được bổ sung vào quỹ khám chữa bệnh BHYT mỗi năm khoảng 1.100 tỷ đồng sẽ được phân bổ, điều tiết ngay từ đầu năm cho các cơ sở khám chữa bệnh.
“Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHYT được thông qua sẽ góp phần bảo đảm người dân được tham gia BHYT theo nhóm đối tượng phù hợp và bảo đảm quyền lợi BHYT phù hợp với nhu cầu của người dân trong chăm sóc sức khỏe, yêu cầu chuyên môn và khả năng chi trả của quỹ BHYT.
Đồng thời tạo công bằng, thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh BHYT; nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, quan tâm đến chăm sóc sức khỏe ban đầu, góp phần quản lý toàn diện sức khỏe người dân. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT...”- bà Trang nói.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn nhấn mạnh, BHXH Việt Nam luôn xác định rõ công tác kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT không phải để hạn chế quyền lợi người bệnh, mà để kịp thời giám sát, ngăn ngừa các vi phạm, qua đó đảm bảo quyền lợi của người bệnh BHYT phù hợp với các định mức kinh tế kỹ thuật đã được Bộ Y tế xây dựng cho từng dịch vụ.
Cũng theo ông Lê Hùng Sơn, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT hiện hành là cần thiết, nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT. Đồng thời, đảm bảo thống nhất với Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và các luật có liên quan để kịp thời có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025...