Quyền lợi của cư dân ra sao khi bị thu hồi sổ hồng tại các chung cư?

19-07-2019 07:24 | Thời sự

SKĐS - Việc Sở TN&MT Hà Nội đã ra quyết định thu hồi và hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng) tại loạt dự án do Tập đoàn Mường Thanh đầu tư xây dựng mà sở này đã cấp cho căn hộ trước đó, vì liên quan đến việc nâng tầng và chuyển đổi công năng sai quy định.

Đồng nghĩa với việc dù bỏ ra một đống tiền nhưng người dân lại mua căn hộ không giấy tờ, vi phạm pháp luật. Với họ như vậy có công bằng không, ai sẽ bảo vệ quyền lợi của các cư dân nơi đây?

Vô trách nhiệm, thiếu nhất quán!

Việc ký quyết định thu hồi, hủy sổ hồng là theo đề nghị của Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội. Tại các quyết định thu hồi và hủy sổ hồng đối với những trường hợp đã cấp ở các tòa nhà chung cư trên, Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) TP. Hà Nội nêu rõ lý do: trong quá trình Sở TN&MT thẩm định hồ sơ và cấp sổ có sai sót, không đúng quy định của pháp luật về đất đai.

Về vấn đề này, lãnh đạo phòng đăng ký đất đai Hà Nội (Sở TN&MT) xác nhận thông tin trên và cho biết nếu trường hợp nào không nộp lại sổ hồng đã cấp bị thu hồi thì vẫn bị vô hiệu và không còn giá trị. Nếu như ngay từ đầu Sở TN&MT Hà Nội và các cơ quan chức năng có liên quan, cùng với chính quyền sở tại làm đúng với quy định của pháp luật thì sẽ không phát sinh những hậu quả đáng tiếc như bây giờ.

Theo luật sư Phạm Huy Tuyến - Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, lẽ ra những sai phạm cần phải được xử lý ngay trong quá trình thực hiện dự án. Nhưng ở đây có sự làm ngơ, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, đã để vi phạm xảy ra trong thời gian dài sau đó mới đặt ra cái vấn đề giải quyết lại sai phạm đó, gây khó khăn cho người dân.

Quyền lợi của cư dân ra sao khi bị thu hồi sổ hồng tại các chung cư?Phải chăng có ai đang chống lưng cho Tập đoàn Mường Thanh?

Cũng theo luật sư Tuyến, việc cấp sổ đỏ rồi lại thu hồi sổ đỏ của người dân trong trường hợp trên cho thấy sự lúng túng, thiếu nhất quán của Sở TN&MT TP. Hà Nội trong việc đánh giá nhìn nhận cũng như là khắc phục giải quyết hiện tượng bất cập này. Để khắc phục và đảm bảo quyền lợi của người dân không còn cách nào khác đó là buộc phải điều chỉnh lại quy hoạch tại khu vực này để hợp thức hóa việc cấp sổ đỏ cho người dân - luật sư Tuyến chia sẻ.

Quyền lợi của người dân sẽ ra sao?

Về vấn đề này, luật sư Phạm Huy Tuyến cho biết, trong trường hợp này, người dân có thể chứng minh được việc bị lừa dối, vi phạm của cơ quan có thẩm quyền. Hoàn toàn có quyền đề nghị bồi thường theo cơ chế bồi thường ngoài hợp đồng hoặc Luật Bồi thường Nhà nước trong lĩnh vực hành chính. Nhìn từ góc độ pháp lý, người dân không bao giờ phải lo việc bị mất quyền lợi. Vì người dân bỏ tiền ra mua nhà rồi bị Sở TN&MT TP. Hà Nội thu hồi giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà nên hợp đồng giữa chủ đầu tư với cư dân là vô hiệu. Do đó, có hai phương án khả thi để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Phương án thứ nhất, các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Tức là chủ đầu tư phải hoàn trả lại tiền cho người mua nhà. Phương án thứ hai, chủ đầu tư phải trả cho người mua nhà một căn hộ có giá trị tương đương tại tòa nhà họ đã mua. Hoặc chủ đầu tư có thể bố trí cho khách hàng một căn hộ ở tòa khác nếu khách hàng chấp nhận phương án giải quyết đó của chủ đầu tư.

Bài học là cần phải hết sức tỉnh táo trước khi ký kết hợp đồng, đọc kỹ, hiểu rõ rồi hãy ký. Bởi khi sự đã rồi người dân sẽ không thể đổ lỗi cho việc không có đủ thông tin khi ký kết. Đây là một bài học cảnh tỉnh trong công tác quản lý đô thị, quản lý đất đai trên cả nước, hy vọng trong thời gian tới chúng ta không còn phải chứng kiến những sự việc như trên - luật sư Tuyến chia sẻ.

Ai đứng sau những sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh?

Câu hỏi được đặt ra là vì sao những sai phạm nghiêm trọng đó lại ngang nhiên tồn tại giữa Thủ đô mà không bị xử lý? Tại kết luận của Thanh tra TP. Hà Nội khẳng định: “Các vi phạm diễn ra trong thời gian dài nhưng không bị phát hiện, xử lý, ngoài trách nhiệm của doanh nghiệp, còn có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, của chính quyền sở tại nơi có dự án đã thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra, buông lỏng quản lý, không có biện pháp xử lý”.

Với tất cả sai phạm như nêu trên, Thanh tra TP. Hà Nội đã kiến nghị xử lý trách nhiệm Giám đốc 3 Sở Quy hoạch kiến trúc, TN&MT, Xây dựng; Chủ tịch 2 quận Hoàng Mai và Hà Đông; 2 Chủ tịch phường Hoàng Liệt và Kiến Hưng. Tuy nhiên, cho đến nay các vị này vẫn chưa ai bị xử lý.

Tại kết luận thanh tra công bố ngày 28/2/2017, Thanh tra Chính phủ từng kiến nghị chuyển cơ quan điều tra vi phạm của Mường Thanh tại dự án Đại Thanh, huyện Thanh Trì. Kết luận thanh tra nêu rõ dự án “có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng của cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND TP. Hà Nội”; “Các bên tham gia dự án đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nhà nước như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản...”; “Đến thời điểm thanh tra, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện hết nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, có dấu hiệu thất thoát ngân sách Nhà nước”...

Với nhiều sai phạm trong việc thực hiện các dự án và việc cơ quan thanh tra cũng đã từng kiến nghị xem xét trách nhiệm của các cá nhân và cơ quan có liên nhưng tất cả đều rơi vào im lặng, phải chăng có thế lực nào đang chống lưng cho Tập đoàn Mường Thanh?


Lâm Viên
Ý kiến của bạn