Quyền im lặng - Lời giải cho án oan sai?

14-11-2013 14:00 | Thời sự
google news

Việc ông Nguyễn Thanh Chấn (ngụ tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang) vừa được trả tự do sau hơn 10 năm thụ án gây chấn động dư luận thời điểm này và trước đó nữa, không ít án oan chỉ được cởi bỏ khi hung thủ thực sự ra đầu thú hoặc tình cờ lộ diện!?

Việc ông Nguyễn Thanh Chấn (ngụ tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang) vừa được trả tự do sau hơn 10 năm thụ án gây chấn động dư luận thời điểm này và trước đó nữa, không ít án oan chỉ được cởi bỏ khi hung thủ thực sự ra đầu thú hoặc tình cờ lộ diện!?  Điều đó cho thấy còn tồn tại những lỗ hổng trong quá trình tố tụng. Giải bài toán giảm án oan sai đã nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực tư pháp.

Bi kịch án oan

Trước vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, dư luận từng ghi nhận nhiều vụ án oan có nguyên nhân từ việc cơ quan tiến hành tố tụng “ẩu” trong quá trình tác nghiệp. Vụ ông Bùi Minh Hải là cán bộ thống kê xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai bị tòa các cấp đã tuyên phạt mức án tù chung thân với tội danh “Giết người, cướp của, hiếp dâm”: Nguyên do cũng từ chiếc đồng hồ Seike của ông do vô tình rớt tại hiện trường của một vụ giết người. Gia đình ông Hải kêu oan vì có nhiều nhân chứng xác định thời điểm xảy ra vụ án, ông này đang đi nhậu cùng bạn bè. Thời gian ông chờ xử phúc thẩm, trên địa bàn huyện Nhơn Trạch tiếp tục xảy ra vụ án giết người hiếp dâm mà nạn nhân là một bé gái. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng bắt giữ thủ phạm Nguyễn Văn Tèo. Người này còn thừa nhận là hung thủ gây ra vụ giết người, cướp của, hãm hiếp nạn nhân khiến ông Hải bị án oan. Ngay sau đó, VKSND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định trả tự do cho ông Hải, tòa xác định là vô tội. Bi kịch hơn, trong một vụ án khác, ông Trần Văn Chiến (quê Tiền Giang) đã phải ngậm đắng nuốt cay chấp hành bản án chung thân về tội “Giết người”. Sau hơn 16 năm ngồi tù, ông được tại ngoại. 2 năm sau ngày ông Chiến ra tù, Trần Văn U, kẻ phạm tội ác của gần 20 năm trước mới xuất hiện và bị bắt. Khi đó, án của ông mới được minh oan!?

Quyền im lặng - Lời giải cho án oan sai? 1
 Ông Nguyễn Thanh Chấn - người chịu án oan suốt 10 năm.

Nên áp dụng “quyền im lặng”

Có thể thấy, những vụ án trên là do cơ quan tiến hành tố tụng “cố gắng” hoàn tất kết thúc vụ án “bằng mọi giá” nên đã vi phạm quy định về quá trình tố tụng. Trong khi đó, Luật Tố tụng hình sự còn nhiều kẽ hở. Cụ thể hiện nay, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 chưa có điều khoản cụ thể nào quy định về nguyên tắc “suy đoán vô tội”. Bản chất của nguyên tắc “suy đoán vô tội” phải được hiểu: Khi chứng cứ buộc tội không đầy đủ, không vững chắc hoặc chỉ ở mức độ 50/50 thì Cơ quan Tiến hành Tố tụng phải suy đoán theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo. Từ chỗ đang suy đoán có tội, nếu không đủ chứng cứ thì phải trở thành suy đoán vô tội, thậm chí có ý kiến còn cho rằng, ngoài việc quy định nguyên tắc “suy đoán vô tội” thì nên quy định về “quyền được im lặng” của bị can, bị cáo... Cùng với đó, vai trò của luật sư trong quá trình tố tụng là rất hạn chế.

Xung quanh vấn đề này, đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP.HCM) - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trao đổi: Vụ việc ông Chấn hay một số vụ khác có luật sư, nhưng không tham gia vụ án từ đầu. Thời điểm đó, Bộ luật Tố tụng hình sự mới chưa có hiệu lực pháp luật thì người ta cho luật sư tham gia từ khi khởi tố bị can. Đối với trường hợp ông Chấn là trường hợp chỉ định, cử luật sư bào chữa ngay từ đầu điều tra chứ không phải như Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2004 là từ khi tạm giữ bị can. Cái sai này không chỉ có cơ quan điều tra mà Viện Kiểm sát cũng phải chịu trách nhiệm luận tội. Không chỉ tòa án sơ thẩm mà cả tòa án phúc thẩm Tòa án tối cao. Nếu Tòa án tối cao kết luận đúng ông Chấn bị oan thật thì tòa án phúc thẩm là cơ quan sau cùng làm người ta bị oan phải chịu trách nhiệm bồi thường và đứng ra xin lỗi đúng theo trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Bà Lê Thị Thu Ba - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương có quan điểm: Một trong những kết quả đáng kể của cải cách tư pháp chính là vai trò của luật sư ngày càng được khẳng định hơn, thẩm quyền của luật sư từng bước được mở rộng. Nếu trước đây luật sư chỉ tham gia tố tụng từ khi truy tố bị can ra tòa thì nay, khi thực hiện cải cách tư pháp, Bộ luật Tố tụng Hình sự (2003) cho phép luật sư được tham gia từ giai đoạn đầu của quá trình tố tụng, tức khi khởi tố bị can hoặc khi bắt khẩn cấp, bắt trong trường hợp bị truy nã, luật sư đã được quyền tham gia. Tuy nhiên hiện nay, loại án bắt buộc có luật sư tham gia chỉ là án có khung hình phạt cao nhất 20 năm, chung thân hoặc tử hình hay án có người chưa thành niên phạm tội. Sắp tới, nên quy định bắt buộc có luật sư tham gia đối với loại án có khung hình phạt từ 15 năm trở lên. Trước câu hỏi liệu trong cải cách tư pháp lần này, chúng ta có nên thực hiện “quyền giữ im lặng”, bà Lê Thị Thu Ba cho rằng: “Quyền giữ im lặng” - theo đó cho phép người bị tạm giữ, bị can được quyền im lặng để chờ luật sư của mình, khi chưa có luật sư tham gia thì họ có quyền chưa phải trả lời cơ quan điều tra, mục đích là để bảo đảm tối đa quyền con người, trong trường hợp họ bị tình nghi phạm tội. Theo tôi, tố tụng hình sự của chúng ta cũng phải tiến tới như vậy khi có đủ điều kiện, nghĩa là quy định về quyền được giữ im lặng của bị can, bị cáo một cách phù hợp.   

Tuệ Minh


Ý kiến của bạn