Từ ngày 15/3/2015, nghị định về việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có hiệu lực. Đây là tín hiệu đáng mừng cho rất nhiều phụ nữ muốn làm mẹ mà trước kia họ vì lý do nào đó còn gặp khó khăn trong việc hệ trọng này. Theo đó, người phụ nữ có thể có con bằng: nhờ người mang thai hộ, bằng thụ tinh trong ống nghiệm, hoặc nếu có chức năng sinh sản bình thường sẽ được hỗ trợ bằng kỹ thuật bơm tinh trùng. Cùng với đó, việc hiến tặng tinh trùng cũng được khuyến khích, với điều kiện: chỉ được hiến 1 lần, chất lượng tinh trùng tốt, người hiến phải khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần…
Như vậy, nghị định trên đã “mở một con đường” hết sức nhân đạo, giúp nhiều phụ nữ có thể có con: một khát vọng muôn đời và chính đáng.
Trên thực tế, mô hình phụ đơn thân nuôi con đã có từ rất lâu. Nhưng thời phong kiến, đó là việc bất đắc dĩ. Thậm chí chỉ cách nay vài ba chục năm, người phụ nữ vì lý do nào đó “không chồng mà chửa” còn bị dị nghị, xa lánh. Nay, cùng với rất nhiều người trong giới ca sĩ nổi tiếng đơn thân nuôi con, trong đó có người là tấm gương của phụ nữ nghị lực, tấm gương về hoạt động xã hội, thiện nguyện, việc phụ nữ đơn thân nuôi con không còn quá xa lạ, được chấp nhận, thông cảm.
Trong xã hội hiện đại, nhiều phụ nữ do chạy theo công việc nên không còn thời gian tìm “một nửa kia” của mình. Hoặc do “duyên phận” không đến nên cũng không lập được gia đình… Những người này vẫn khát khao có con. Có người đã phải tìm giải pháp “xin con” từ một người quen biết, hay người xa lạ. Ngay trong khu phố của tôi đã có chuyện “xin con” như vậy. Chị là một công nhân chăm chỉ, nhan sắc bình thường, không đẹp nhưng không phải xấu đến nỗi đàn ông phải xa lánh. Ấy thế mà do duyên số nên mãi qua tuổi 40 chị vẫn chưa lấy chồng. Mới đây, chị làm nhà riêng. Tết đến mọi người chúc chị: “Có nhà rồi, như có cái ao chỉ mong “cá” lọt vào”. Mới đây, chị chấp nhận sống chung với một người đàn ông, nghe đâu đã có vợ ở ngoài Bắc, không cưới xin, chỉ vì đã lớn tuổi nên muốn nhanh chóng có đứa con.
Nay, nghị định mới ra đời sẽ giúp chị công nhân nói trên và rất nhiều phụ có thể có con mà không cần “buộc đời mình” với người không muốn chút nào.
Tuy nhiên, mở rộng đường để phụ nữ dễ dàng có con hơn cũng đồng nghĩa với việc phải lường trước việc mô hình xã hội: phụ nữ đơn thân nuôi con sẽ trở nên phổ biến hơn, bên cạnh mô hình thông thường và lý tưởng là gia đình có cả mẹ lẫn bố nuôi con. Nói như vậy, tức cần có những chính sách xã hội đi kèm giúp phụ nữ đơn thân nuôi con bớt khó khăn, bên cạnh những chính sách chung đã có, như: chế độ trợ cấp thai sản, ngày nghỉ thai sản… Lường trước như vậy, các chính sách xã hội mới toàn diện hơn, sát thực với cuộc sống phong phú và sinh động hơn.
Thế Phong