“Quyền được chết” trên cơ sở một luật định chặt chẽ

17-06-2015 07:12 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Nhiều người trong giới văn nghệ sĩ đã biết câu chuyện đau lòng về những năm tháng cuối đời của một nhà thơ nổi tiếng, bị tai biến mạch máu não, gần 10 năm trời ông sống thực vật.

Nhiều người trong giới văn nghệ sĩ đã biết câu chuyện đau lòng về những năm tháng cuối đời của một nhà thơ nổi tiếng, bị tai biến mạch máu não, gần 10 năm trời ông sống thực vật. Nhà hoạt động xã hội, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện thì “may mắn” hơn nhà thơ nọ vì ông có sự chủ động. Từ hơn 40 năm ông bị “khó thở trầm trọng”, đến năm 83 tuổi (1976), biết mình rơi vào tình trạng của bệnh nan y và không muốn làm phiền người thân, bạn bè ông đã viết ra giấy: “Kính gửi các đồng nghiệp ngành y tế... đừng khám nghiệm gì thêm, đừng cho thuốc men, không phẫu thuật, truyền huyết thanh, thở ôxy... Xin để cho tôi ra đi nhẹ nhàng...”. Trong cuốn Đơn tuyến mới xuất bản của tôi viết về một nhân vật thật, là nhà tình báo kiêm giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Ngọc (thuộc Bộ Công an). Năm ông 74 tuổi (2006), biết mình bị ung thư gan giai đoạn cuối, ông vẫn bình tĩnh, sáng suốt, có lần nói vui với bạn bè đến thăm: “Mình bị ung thư, tức là ung dung thư giãn đấy mà!”. Và ông đã kiên cường chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo đến phút cuối cùng, những lúc đau đớn cùng cực vẫn không hé nửa lời kêu rên...

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện làm việc trên giường bệnh (ảnh chụp năm 1997 - Ảnh QĐND).

Những dẫn chứng trên cho thấy mỗi người rơi vào tình cảnh khác nhau, cách xử sự, phản ứng với căn bệnh có khác nhau. Đó là lẽ thường tình trong xã hội, thời nào cũng xảy ra. Như trường hợp nhà thơ kể trên nếu không bị hôn mê sâu, có lẽ ông cũng có cách hành xử như của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện chăng? Song cách nghĩ và hành động của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện và nhà khoa học Nguyễn Đình Ngọc dẫu có vẻ ngược nhau, lại cho thấy sự chủ động của con người trước bệnh tật, sống và chết. Đó đều là cái cách lựa chọn “quyền được chết” như thế nào cho đúng nhất với tính cách của mình.

Gần đây ngành y tế đưa ra công luận bàn thảo về “quyền được chết” đối với một số trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, đầu óc còn tỉnh táo, muốn được “ra đi nhẹ nhàng” (như bác sĩ Nguyễn Khắc Viện). Tôi cũng đồng tình với ý kiến của nhiều người, cho đó là một việc làm nhân đạo, không hề trái với y đức truyền thống “còn nước còn tát”. Song với trường hợp “nghiến răng chịu đựng đến phút cuối cùng” (như của nhà khoa học Nguyễn Đình Ngọc), chỉ làm ta càng thêm cảm phục ý chí và sức chống đỡ kiên cường của con người trước cái chết. Điều đó cũng không ra ngoài sự nhân bản. Vậy nên rất cần có điều luật quy định cụ thể, trên cơ sở tôn trọng tính tự nguyện của người bệnh khi đầu óc họ còn tỉnh táo, sáng suốt. Một khi sự lựa chọn của người bệnh mang tính quyết định, thì điều luật phải thể hiện sao cho thật chặt chẽ, không có kẽ hở cho những toan tính xấu có thể xảy ra trong từng trường hợp cụ thể. Đây là điểm mấu chốt khi luật này ra đời, để mục tiêu cuối cùng vẫn là có được “cái chết nhân đạo”.

Ở nước ta trong thời hiện đại, nhiều vấn đề của y học và pháp luật đã được đặt ra trên cơ sở nhân đạo. Có cái đã được giải quyết, trở thành luật như trong thi hành án tử hình, dùng việc tiêm thuốc độc cho tử tù, thay vì xử bắn trên pháp trường như trước đây. Có cái đã qua mấy kỳ họp Quốc hội vẫn chưa thông qua được như Luật chết não, được quyền sử dụng tạng của người bị tai nạn dùng vào mục đích nhân đạo là cứu chữa bệnh nhân bằng cách ghép tạng. Nếu dự thảo luật về “quyền được chết” sớm thông qua, thì tôi tin là sẽ nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo cử tri cả nước...

Nhà văn Phạm Quang Đẩu

 

 

 


Ý kiến của bạn