Hà Nội

Quyền được chết

26-04-2015 21:23 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong bản góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đang được trình lãnh đạo Bộ Y tế cho ý kiến, Vụ Pháp chế đề xuất bổ sung quyền được chết...

Trong bản góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đang được trình lãnh đạo Bộ Y tế cho ý kiến, Vụ Pháp chế đề xuất bổ sung quyền được chết, hay quyền an tử, cái chết nhân đạo đang được dư luận quan tâm với những ý kiến trái chiều.

Ý kiến phản đối với lý  do con người phải được chết tự nhiên và công việc thầy thuốc là “còn nước còn tát” nên bác sĩ nào dám giúp người bệnh thực hiện quyền được chết, cho dù nếu như Bộ luật trên có điều này và được thông qua. Ý kiến đồng tình nhìn vào thực tế nỗi đau của bệnh nhân trong trường hợp không thể cứu được và “Quyền được chết” như một giải pháp giải thoát nỗi đau đớn tột cùng của con người.

Không phải vô lý mà trên nhiều báo có mục thăm dò với kết quả 85% đồng tình và 10% không đồng tình. Trước hết, cái chết không tự nhiên, có khả năng sống mà vì lý  do nào đó lại “muốn chết” là “tự tử” và thầy thuốc không thể giúp người khác tự tử là tất nhiên. Chắc chắn 100% người dân phản đối điều này.

Thế nhưng khi sự sống trong con người đã hết, chỉ còn đời sống thực vật hoặc bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, cái chết được thấy trước không thể thay đổi và chắc chắn tắt hy vọng sống lại là chuyện khác. Trong thời gian “chờ chết”, bệnh nhân (BN) đau đớn tột cùng về thể xác, sang chấn đến tận cùng về tinh thần, muốn được chết để thoát đau đớn đã nhờ bác sĩ giúp ra đi một cách êm ái, thanh thản là không thiếu. “Nước” không còn làm sao “tát” được và càng tát càng làm bệnh nhân (BN) đau đớn thêm, người nhà BN càng đau đớn hơn khi chứng kiến người thân quằn quại trước khi ra đi.

Trên thực tế, dù chưa có đề xuất trên nhưng “quyền được chết” từ lâu đã có trong đời sống qua hình thức “xin về chờ chết” hoặc khái niệm “bệnh viện bó tay”, “bệnh viện trả về”. Nếu ở BV có thể tồn tại thêm (chứ không phải  “sống” thêm) và về nhà là “đi” sớm hơn chẳng phải là sự lựa chọn “quyền được chết” sao? Không ai “rút ống thở” khi BN đang nằm trên giường bệnh nhưng tự nguyện về nhà chả phải là rút ống thở sao? Đã có những bệnh nhân vì quá đau đớn trong sự sống không thể cứu vãn hoặc quá thương gia đình vì mình mà khuynh gia bại sản, nợ nần chồng chất, dù ai cũng biết “tiền hết người chết” nhưng không có quyền được chết đã phải nhảy lầu, vào nhà vệ sinh đập đầu, thắt cổ tự tử rất thảm thương. Quyền được chết không phải là tự tử và phân biệt khác với tự tử để có quyền này phải là thầy thuốc có chuyên môn. Với hiểu biết, kinh nghiệm nghề nghiệp và lương tâm, trách nhiệm của mình, thầy thuốc biết trường hợp nào có thể chiến đấu với thần chết để giành lấy sự sống cho BN và trường hợp nào không thể chiến thắng số phận. Họ sẽ tư vấn cho BN và gia đình BN. Ở góc độ khác, BN và người nhà BN cũng hiểu tình trạng bệnh tật và khả năng vượt qua bệnh tật, đau đớn, khó khăn của mình để có quyết định. Xin đừng hiểu thầy thuốc giúp BN “quyền được chết” là tiêm thuốc độc vào BN như tiêm vào kẻ chịu án tử hình đang nguyên vẹn sự sống. Với BN đang tồn tại thực vật hoặc đau đớn vì ung thư giai đoạn cuối, chỉ cần dừng biện pháp duy trì sự tồn tại và tiêm mũi tiêm an thần để BN nhẹ nhàng thanh thản ra đi lại là hành động nhân đạo. Ngay với kẻ có tội bị án  tử hình chịu xử bắn tại pháp trường nhưng chưa thể chết ngay, phải quằn quại trong đau đớn dù chỉ trong ít phút đã được ân huệ bằng “phát súng nhân đạo” để chấm dứt đau đớn đó thôi. Huống là bệnh nhân không thể tỉnh táo hoặc đau đớn quằn quại chờ cái chết trong thời gian dài sao không được quyền có được một cái chết nhẹ nhàng, thanh thản.

Trên thế giới đã có những quốc gia cho phép thực hiện cái chết nhân đạo như Hà Lan, 4 bang của Mỹ, Bỉ, vài bang của Thụy Sĩ. Vấn đề không phải là theo quốc gia nào hoặc chờ “quyền được chết” thành phổ biến mà là theo ý người dân của chính đất nước mình.

Lê Quý Hiền

 

 


Ý kiến của bạn