Tại Phiên đối thoại "Phụ nữ và các vấn đề an sinh xã hội, bình đẳng giới" trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Phụ nữ Việt Nam tổ chức hôm qua- 15/10, đã có rất nhiều ý kiến tập trung vào các nội dung như hỗ trợ tầm soát một số bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ.
Tại đầu cầu tỉnh Hưng Yên, bà Trần Thị Huyền Thương, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Trung Nghĩa đặt câu hỏi: Các bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ có mối liên quan với chức năng sinh sản, duy trì nòi giống của người phụ nữ. Khả năng chi trả điều trị của các gia đình và phụ nữ mắc ung thư còn gặp rất nhiều khó khăn. Nếu được khám, tầm soát sớm, có thể sẽ giúp quá trình điều trị cũng như giảm thiểu các chi phí cho bệnh nhân ung thư.
Tuy nhiên, các chi phí sàng lọc sớm một số bệnh ung thư liên quan đến phụ nữ (như ung thư vú, ung thư cổ tử cung...) không thuộc phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế (BHYT). Vì vậy, đề nghị Chính phủ đưa chi phí tầm soát một số bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ vào danh mục chi trả của BHYT, góp phần bảo đảm mục tiêu về công tác y tế dự phòng.
Trả lời vấn đề này, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, nếu có sức khoẻ tốt thì chúng ta mới đạt được các mục tiêu phát triển về phụ nữ, sức khoẻ là vốn quý nhất của con người. Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm tới vấn đề chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân với nhiều chính sách được ban hành tập trung cho mục tiêu này. Trong đó có nhiều chính sách ưu tiên chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ và trẻ em gái.
Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội cũng đã rất quan tâm đến chính sách y tế dự phòng, dành ít nhất 30% chính sách về y tế cho lĩnh vực này và phòng bệnh vẫn là mục tiêu cần phải tập trung. Khi chúng ta thực hiện công tác phòng bệnh tốt thì những chi phí liên quan đến khám, chữa bệnh điều trị sẽ rẻ hơn rất nhiều, đồng thời có giải pháp ngay từ đầu.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, cách đây 2 tháng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 104/NQ-CP liên quan đến việc bổ sung tiêm chủng mở rộng và xác định từ năm 2026 sẽ có vaccine tiêm phòng ung thư cổ tử cung miễn phí cho trẻ em gái. Nguồn ngân sách để thực hiện việc này rất lớn, thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ của Chính phủ dành cho việc chăm sóc phụ nữ và trẻ em gái.
Triển khai Nghị quyết của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương đã dành nguồn lực đầu tư nhiều hơn cho y tế dự phòng. Thời gian qua, chi hội phụ nữ các cấp cũng tập trung trong việc khám, sàng lọc ung thư cho phụ nữ.
Bên cạnh đó, BHYT sẽ chi trả cho khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, chăm sóc thai sản định kỳ và sinh con. Để mở rộng hơn nữa phạm vi của BHYT, hiện nay Chính phủ đang giao cho Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi Luật BHYT để mở rộng hơn phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT, trong đó hướng tới sàng lọc bệnh, tăng cường đối tượng, mở rộng phạm vi, hướng tới mục tiêu như chị Trần Thị Huyền Thương đề nghị.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng cho hay, Bộ Y tế đang xây dựng nội dung Luật Phòng bệnh. Khi các luật được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý để quan tâm tốt hơn việc nâng cao chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Theo Nghị quyết về lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021-2030 ban hành ngày 15/8, Chính phủ đồng ý với lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 - 2030 của Bộ Y tế.
Cụ thể, đưa vaccine phòng bệnh do virus Rota từ năm 2022, vaccine phòng bệnh do phế cầu từ năm 2025, vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung từ năm 2026 và vaccine phòng bệnh cúm mùa từ năm 2030. Phạm vi và số đối tượng thụ hưởng theo đề xuất của Bộ Y tế.
Trong trường hợp huy động được nguồn viện trợ, hỗ trợ trong nước hoặc được bổ sung ngân sách nhà nước, Bộ Y tế quyết định việc có thể thực hiện lộ trình này sớm hơn.
Chính phủ cũng đồng ý cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có khả năng cân đối ngân sách địa phương mua vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung nếu có thể tiếp cận với mức giá ưu đãi cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao khác ngoài Tiêm chủng mở rộng ngay từ giai đoạn 2022 - 2025 nhằm khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng phòng bệnh.
Cũng theo nghị quyết này, ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí mua vaccine theo lộ trình. Ngân sách địa phương bố trí kinh phí tổ chức triển khai tiêm chủng tại địa phương.
Ngoài ra, nguồn kinh phí còn gồm nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác, nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vaccine tự nguyện chi trả.