Trong Dự thảo Luật sửa đổi và bổ sung một số điều Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 Chính phủ mới trình Quốc hội, hôn nhân đồng giới đã không còn bị cấm nhưng vẫn chưa được Nhà nước thừa nhận. Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này nhưng đây được xem là một bước tiến lớn khi những người làm luật đã chính thức thảo luận về quyền và nghĩa vụ của người đồng giới.
Tại hội nghị tham vấn công chúng về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, đại diện Bộ Tư pháp đã khẳng định hôn nhân đồng giới là vấn đề của thực tiễn và luật pháp không được né tránh thực tiễn. Vì vậy, việc dự thảo Luật bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính là một bước phát triển phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay. Đồng thời, việc quy định cụ thể nguyên tắc giải quyết quan hệ chung sống như vợ chồng giữa những người đồng giới về các vấn đề như nhận con nuôi, tài sản sau chung sống đã tạo ra những cơ sở pháp lý ban đầu cho người đồng giới.
Theo TS. Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, đối với những người đồng giới, họ chung sống với nhau theo dự thảo lần này không cấm nữa, pháp luật đã có quy định bảo hộ cho họ. Khi đã có những quy định như thế sẽ có những bước đi thích hợp chứ không giữ cứng như trước đây. Trên thế giới có khoảng 10 quốc gia công nhận hôn nhân đồng giới và chưa có một quốc gia châu Á nào công nhận vấn đề này. Tại Việt Nam, trong bối cảnh xã hội vẫn còn có nhiều ý kiến chưa đồng thuận thì hôn nhân đồng giới vẫn cần một lộ trình dài để được thừa nhận. Thay đổi của dự thảo Luật lần này được xem là một bước đệm phù hợp. Dù chưa được thừa nhận thì quyền lợi của các cá nhân này cũng cần phải được bảo vệ.
Theo đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, các nguyên tắc trong Công ước về nhân quyền phải đảm bảo quyền như nhau giữa tất cả mọi người, vì vậy, những cặp sống chung dù là khác giới hay đồng giới đều phải có quyền được pháp luật bảo vệ. Vấn đề đồng tính và chung sống với nhau, coi nhau là vợ chồng giữa những người cùng giới tính đang là vấn đề thực tiễn và có xu hướng ngày càng gia tăng ở Việt Nam hiện nay đặt ra yêu cầu cho các nhà lập pháp phải đưa ra một cơ chế quản lý phù hợp. Và cần thiết phải có sự lắng nghe, lấy ý kiến từ công chúng, đặc biệt là nhóm người đồng tính, song tính và chuyển giới để họ có thể nói lên tiếng nói của chính mình nhằm tạo sự bình đẳng và ổn định cho sự phát triển của xã hội.