“Quy tỳ thang” bổ tâm và tỳ

SKĐS - So với các tạng phủ khác trong lục phủ ngũ tạng thì tâm và tỳ phải luôn làm việc và cũng là tạng dễ bị tổn thương phát sinh ra nhiều bệnh khác nhau.

Bài thuốc  “Qui tỳ thang” của Danh y Nghiêm Dụng Hòa được in trong bộ sách “Tế sinh phương” có tác dụng bổ tâm và tỳ.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cho rằng: Bài “Quy tỳ thang” có đủ các vị thuốc bồi bổ để: dương sinh, âm trưởng, tùy cơ biến hóa, trị được mọi chứng bệnh rất hiệu nghiệm”. Bài Quy tỳ thang là bài thuốc điều trị được nhiều chứng bệnh thuộc 2 tạng tâm và tỳ mà thầy thuốc Đông y nào cũng quan tâm sử dụng.

Bài thuốc gồm: phục linh 8g, đương quy 4g; bạch truật, hoàng kỳ, nhân sâm, long nhãn mỗi vị 10g; hắc táo nhân 4g, viễn chí 4g, mộc hương 2g, cam thảo (chích) 2g, nhục quế 2g.

Trong bài, nhân sâm, bạch truật, chích thảo có tác dụng kiện tỳ ích khí.

Hoàng kỳ phối hợp với nhân sâm để làm mạnh thêm ích khí kiện tỳ.

Hắc táo nhân, viễn chí, nhục quế để dưỡng tâm, an thần.

Mộc hương để lý khí tỉnh tỳ.

Các vị thuốc trong bài thuốc Quy tỳ thang trị các bệnh thuộc tạng tâm và tỳ.

Các vị thuốc trong bài thuốc Quy tỳ thang trị các bệnh thuộc tạng tâm và tỳ.

Bài thuốc bổ cả khí và huyết ở 2 tạng tâm và tỳ nhưng mục đích chính là trị chứng huyết hư. Trong bài chủ yếu dùng nhiều vị thuốc kiện tỳ, bổ khí vì “khí năng nhiếp huyết”, “khí năng sinh huyết” đó là phương pháp trị chứng tỳ hư không thống huyết sinh ra chứng băng huyết, thổ huyết, chảy máu cam. Tỳ là nguồn không ngừng sinh hóa khí huyết để phục hồi khi bị tổn thương. Trong Đông y, tâm chủ huyết dịch, dựa vào huyết dịch để hoạt động, người huyết hư tâm hồi hộp, ít ngủ hay quên.

Toàn bộ bài thuốc có tác dụng: điều trị chứng tâm và tỳ đều hư, hồi hộp, mất ngủ, hay quên, ăn kém, mệt mỏi, kinh nguyệt không đều, rong huyết, xuất huyết dưới da, cơ thể suy nhược, thần kinh suy nhược dẫn đến suy tim.

Sau này, qua quá trình điều trị, Danh y Vương Khẳng Đường gia: đan bì 4g, hắc chi tử 4g, phục thần 12g, đại táo 12g, sinh khương 12g, gọi là bài “Quy tỳ gia vị thang”. Đan bì, chi tử có tác dụng thanh huyết nhiệt, tán huyết ứ điều trị tà nhiệt vào phần dinh (phần huyết). Phục thần có tác dụng bổ tâm an thần để trị chứng tim hồi hộp, hay quên, mất ngủ. Đại táo, sinh khương để bổ trung ích khí dưỡng tỳ hòa vị, trị chứng tỳ vị bị tổn thương, dinh vệ không điều hòa. Bài thuốc có tác dụng điều trị chứng tâm tỳ hư, thần kinh suy nhược, kém ăn, mất ngủ.

Danh y Hoài Bảo Kỳ: tăng nhục quế lên 5g, gia thạch hộc (sao nước muối) 4g, thạch xương bồ 2g để tư âm bổ ích tỳ vị sinh tân dịch, hóa đờm, thông khí và thông các khiếu. Để bổ ích tâm tỳ, hòa trung chỉ thống. Trị chứng do ước muốn không đạt, suy nghĩ nhiều làm tổn thương trung khí đau vùng thượng vị.

Danh y Lý Văn Lượng gia: thần khúc 10g để  hòa lý, hành khí, tiêu thực trị chứng ăn không tiêu, gây tích trệ, đại tiện phân lỏng. Bài thuốc có tác dụng bổ thổ để sinh kim có tác dụng ninh tâm an thần, trị chứng lao hạch, xẹp phổi, ho ra máu.

Danh y Nghiêm Dụng Hòa gia: hổ phách 4g, thần sa 4g. Gọi “Quy tỳ thang điều thần sa hổ phách mạt” có tác dụng trấn tâm an thần. Điều trị chứng phụ nữ lo nghĩ nhiều, tâm thần không yên, mộng du ngủ không sâu giấc mơ thấy ma quỷ.

Hải Thượng Lãn Ông bỏ vị long nhãn, gia sinh địa 12g, thục địa 12g gọi là bài “Dưỡng huyết quy tỳ hoàn” làm thành viên để điều trị chứng khí huyết hao tổn, thần kinh suy nhược, tiêu hóa kém, tim hồi hộp, ngủ kém. Phụ nữ đầu đau, hay choáng váng, do huyết hư kinh nguyệt không đều. Cụ lại bỏ vị bạch truật, long nhãn, mộc hương, sinh khương, đại táo. Gia: bán hạ (chế) 8g, xuyên khung 4g, ngụ vị tử 4g, tăng nhục quế lên 4g, bá tử nhân 10g, phục linh lên 10g. Gọi là bài “Dưỡng tâm thang” để điều trị chứng tâm suy huyết hư, thần khí bất ninh, tim đập nhanh, hay quên, mất ngủ, khi ngủ hay thấy chiêm bao, ra mồ hôi, thần chí mệt mỏi. Cụ cho rằng: “Người thầy thuốc có kiến thức vững vàng, nhuần nhuyễn về y lý và dược lý biết kết hợp bài “Quy tỳ thang” với bài “Bổ trung ích khí” gia giảm ngoài điều trị các bệnh thuộc 2 tạng tâm và tỳ, còn chữa được một số bệnh ở các phủ tạng khác cho cả nam và nữ, người trưởng thành và người cao tuổi thường mắc...


TTND. BS. Nguyễn Xuân Hướng
Ý kiến của bạn