Quý tử thích hàng “nóng” - SOS!

13-03-2012 14:23 | Thời sự
google news

Đã xa rồi cái thời dân chơi Hà thành đua đòi mua xe SH, Dylan. Những cậu ấm cô chiêu, quý tử con nhà lắm tiền nhiều vàng giờ chỉ ngồi trên chiếc xe 4 chỗ trị giá vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.

Đã xa rồi cái thời dân chơi Hà thành đua đòi mua xe SH, Dylan. Những cậu ấm cô chiêu, quý tử con nhà lắm tiền nhiều vàng giờ chỉ ngồi trên chiếc xe 4 chỗ trị giá vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Đi xe ôtô mà không có súng ống, không có dao kiếm, thuốc lắc trong người không phải là dân chơi. Chính quan niệm ngớ ngẩn này đã đẩy một bộ phận nam nữ thanh niên Hà thành rơi vào con đường phạm tội.

Lên xe là có “đồ”

22 giờ ngày 11/3, tại ngã tư Giảng Võ - Cát Linh, Hà Nội, tổ công tác đặc biệt Y4/141 do Trung tá Cảnh sát giao thông Vũ Văn Ngoại làm chỉ huy nhận được tin báo từ các trinh sát hình sự về một chiếc ôtô mang biển kiểm soát 14M - 6398 có dấu hiệu nghi vấn. Ngay lập tức, tổ công tác đã tiến hành kiểm tra chiếc xe này. Tổ công tác phát hiện cả một “kho” vũ khí được giấu trên xe. Cụ thể, số vũ khí được tìm thấy bao gồm một thanh kiếm Nhật dài gần 1m được mài sắc; một súng bắn điện; một ống giảm thanh và 96 viên đạn chì. Khai thác nhanh, tài xế khai tên là Hoàng Sỹ Long ở quận Đống Đa, Hà Nội.

 Công an Hà Nội bắt giữ hàng trăm vũ khí quân dụng và vũ khí thô sơ do giới trẻ tàng trữ.
Trước nữa, qua công tác tuần tra kiểm soát tại ngã tư Đại Cồ Việt, tổ công tác đặc biệt Y2 của CATP Hà Nội phát hiện trên xe ôtô BKS 18N - 7721 do một thanh niên điều khiển có tàng trữ một con dao và một loại công cụ hỗ trợ. Hay tổ công tác 141 - Y3 đã phát hiện, bắt giữ hai thanh niên tham gia giao thông tàng trữ ma túy, tang vật thu giữ tại chỗ một gói tài mà. Thậm chí, theo Công an Hà Nội, có những “ông trời con” đã mượn danh có quen biết với các cán bộ cấp cao để đe dọa lại lực lượng làm nhiệm vụ.
 
Khi CSHS, CSGT khống chế Nguyễn Chí Linh (SN 1994) ở Phú Thượng, Tây Hồ về hành vi chống đối còn bị đối tượng này hất hàm thách đố, tự nhận mình là… “cháu” của Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh - Giám đốc CATP. Khi bị khóa tay đưa về trụ sở CA quận Hoàn Kiếm, “cháu ông tướng” này vẫn còn lảm nhảm sẽ gọi điện cho “chú Nhanh” để can thiệp.

 Vì sao?

Theo lý giải của các nhà tâm lý học, ở độ tuổi 18-25, không ít những nam nữ hư hỏng đều là những “quý tử, công chúa” sinh ra, lớn lên trong gia đình có quyền chức và có lắm tiền, nhiều của. Chính sự thiếu giáo dục và kiểm soát của gia đình cộng với sự đua đòi, bản tính thanh niên ham vui là nguyên nhân dẫn đến việc phạm tội. “Tôi dám tin chắc rằng, những người đó khi mang súng, kiếm dắt ở xe, người đều không ý thức được mình phạm tội theo các quy định của pháp luật. Nhiều người còn nghĩ rằng chỉ mang theo cho vui. Bạn nó có, mình cũng phải có”, nhà tâm lý này nói.

Khi bị phát hiện vi phạm pháp luật còn dám xưng danh là “con ông này, cháu bà nọ” làm “to” ở thành phố, bộ này, bộ nọ. Điều này phần nào chứng tỏ việc những “cậu ấm cô chiêu” này đã biết lợi dụng vào mối quan hệ của bố, mẹ mà phạm tội. Khi mà ý nghĩ, đồng tiền có thể làm thay đổi tất cả đã ăn sâu vào trong tiềm thức của những “dân chơi” này thì hậu quả thật không lường.

Việc gia đình, người lớn bao che, bênh vực cho những đứa con, đứa cháu hư hỏng này cũng chính là nguyên nhân tiếp tay trực tiếp cho những hành vi phạm tội tiếp theo. Thay vì nhắc nhở, răn đe, giáo dục con mình, những ông bố, bà mẹ khi thấy con mình bị CSHS, CSGT bắt giữ vì hành vi phạm tội đã lên tiếng chửi bới, la ó, gọi điện nhờ can thiệp. Để xử lý những trường hợp vi phạm này, Đại tá Nguyễn Đức Chung - Phó Giám đốc CA Hà Nội khẳng định: Tất cả những trường hợp vi phạm đều bị xử lý nghiêm. Cơ quan công an tiến hành lập hồ sơ xử lý đối với những đối tượng sử dụng trái phép vũ khí, ma túy và có các hành động chống đối tổ công tác cảnh sát hình sự và lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.

Hổng quá nhiều giá trị truyền thống

Giới trẻ hổng quá nhiều giá trị truyền thống - đó là kết quả của đợt nghiên cứu hiện tượng “Bạo lực hoá trong giới trẻ” do Bộ môn Tâm lý, Đại học Luật Hà Nội vừa thực hiện mới đây. Theo tiến sĩ tâm lý Dương Thị Loan, Phụ trách Bộ môn Tâm lý (Đại học Luật Hà Nội), “những cái đầu nóng” trong giới trẻ, lứa tuổi từ 13 - 17 được coi là giai đoạn khủng hoảng nhân cách; thanh thiếu niên rất dễ có những xử sự hoặc hành vi lệch lạc.
 
Theo bà Loan, một trong những căn nguyên quan trọng chính là việc giới trẻ đang thiếu hụt nghiêm trọng các kiến thức chuẩn mực, mang tính chính thống. “Đây đó vẫn còn có những gia đình, những phụ huynh mải mê kiếm tiền, bỏ rơi sự phát triển nhân cách của con cái. Đây đó vẫn còn có những nhà trường, những giáo viên mải mê dạy thêm, bỏ rơi việc giáo dục, dạy học, dạy làm người cho các học trò của mình” - TS. Loan nói.

Đạt Thành


Ý kiến của bạn