Quy trình lọc ảo để xác định điểm chuẩn đại học năm 2023 diễn ra thế nào?

13-08-2023 09:25 | Thời sự
google news

SKĐS - Bộ GD&ĐT tiến hành công tác lọc ảo nguyện vọng xét tuyển đại học 2023 trên toàn quốc trong 9 ngày. Ngoài ra, hai nhóm lọc ảo của các trường phía Bắc và phía Nam cũng sẽ chạy song song để xác định điểm chuẩn của các trường đại học năm 2023.

Thí sinh bồn chồn, suốt ruột ‘ngóng’ điểm chuẩn đại học năm 2023Thí sinh bồn chồn, suốt ruột ‘ngóng’ điểm chuẩn đại học năm 2023

SKĐS - Chỉ còn hơn một tuần nữa, các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Trong thời điểm chờ các trường công bố điểm chuẩn, nhiều thí sinh đang cảm thấy hồi hộp, lo lắng. Chuyên gia khuyên gì?

Quy trình lọc ảo là hoạt động sử dụng phần mềm để lọc bỏ những thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn vào trường khác ra khỏi danh sách trúng tuyển dự kiến mà trường gửi lên hệ thống. Điều này đảm bảo, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển duy nhất một nguyện vọng.

Lọc ảo cho tất cả các phương thức xét tuyển như thế nào?

Theo kế hoạch tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, công tác lọc ảo nguyện vọng xét tuyển đại học 2023 sẽ diễn ra trong 9 ngày, bắt đầu từ 12/8 đến 17h ngày 20/8. Bộ GD&ĐT sẽ chạy hệ thống lọc ảo cho tất cả phương thức xét tuyển, xử lý nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung để xác định nguyện vọng cao nhất trong số nguyện vọng mà thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển.

Việc lọc ảo nguyện vọng xét tuyển của thí sinh sẽ được thực hiện 6 lần trên hệ thống và kết thúc vào chiều 20/8.

Hệ thống lọc ảo sẽ hoạt động như sau: Tất cả các thí sinh dù đăng ký xét tuyển theo phương thức nào cũng sẽ đăng ký trực tuyến lên cổng thông tin chung của Bộ GD&ĐT trong thời gian quy định. Thí sinh sẽ tải các giấy tờ cần thiết lên phần mềm, các trường sẽ chịu trách nhiệm đối sánh, kiểm chứng các giấy tờ này khi thí sinh nhập học nếu đỗ.

Quy trình lọc ảo để xác định điểm chuẩn đại học năm 2023 diễn ra như thế nào? - Ảnh 2.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

Các nguyện vọng được xếp theo thứ tự từ một đến hết, trong đó nguyện vọng 1 là cao nhất. Mỗi thí sinh được cấp một mã số định danh, số này chính là thẻ căn cước công dân của thí sinh. Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Công an để liên kết dữ liệu tuyển sinh với dữ liệu dân số để thực hiện tốt nhất việc quản lý.

Kết thúc thời gian đăng ký, các trường sẽ tải xuống từ phần mềm dữ liệu thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường mình, tự chạy phần mềm xét tuyển riêng của trường và cập nhật kết quả thí sinh trúng tuyển trở lại phần mềm chung của Bộ để chạy lọc ảo trên toàn hệ thống. Theo đó, mỗi thí sinh sẽ chỉ đỗ một nguyện vọng ở một phương thức xét tuyển vào một trường theo nguyên tắc ưu tiên nguyện vọng cao hơn.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các trường phải triệt để tuân thủ: danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức vào trường là danh sách thí sinh được hệ thống xử lý nguyện vọng xét tuyển gửi lại trường lần cuối (trên cơ sở danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển do trường tải lên hệ thống), không được điều chỉnh danh sách trúng tuyển chính thức này.

Theo PGS. TS Lê Đình Nam - Phó Trưởng phòng Tuyển sinh, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, năm nay nhóm tuyển lọc ảo miền Bắc giữ ổn định số trường tham gia là 58. Nhóm trường phía Bắc tiến hành lọc ảo 6 lần.

Ông Dương Tôn Thái Dương - Phó Trưởng Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM thông tin, nhóm lọc ảo miền Nam năm nay có 86 trường tham gia, với 10 lần lọc ảo. Trong đó, ngày đầu và ngày cuối cùng mỗi ngày 1 lần, 4 ngày còn lại lọc ảo 2 lần trước và sau khi Bộ GD&ĐT tiến hành lọc ảo.

Các trường đại học không được bắt thí sinh phải nhập học trước ngày 22/8

Bộ GD&ĐT sẽ trả kết quả lọc ảo nguyện vọng xét tuyển đại học 2023 về cho các trường để sắp xếp, cân đối và chuẩn bị cho việc công bố điểm chuẩn trước 17h ngày 22/8.

Với thí sinh trúng tuyển thuộc đối tượng xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT từ ngày 5/7 đến 17h ngày 15/8, thí sinh xác nhận nhập học trên hệ thống.

Bộ GD&ĐT cũng đã yêu cầu các trường đại học không được bắt thí sinh phải nhập học trước ngày 22/8, kể cả với các chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài. Đồng thời cũng không được kết thúc xác nhận nhập học hoặc kết thúc nhập học trước 17h ngày 6/9 (kể cả đối với các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài).

Theo số liệu công bố của Bộ GD&ĐT, tính đến hết đợt 1 đăng ký xét tuyển nguyện vọng có tổng số hơn 660.000 thí sinh hoàn thành nhập nguyện vọng lên hệ thống. Năm nay tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển đại học 66% trong tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, tăng khoảng 2% so với năm ngoái - 64,07%.

Tổng số nguyện vọng được các thí sinh đăng ký là hơn 3,4 triệu, trung bình mỗi thí sinh đăng ký hơn 5 nguyện vọng xét tuyển vào đại học đợt 1. Năm nay có khoảng 292.000 em không đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học đợt 1 năm nay.

Trước thông tin Chính phủ yêu cầu không tăng học phí, phụ huynh và sinh viên nói gì?Trước thông tin Chính phủ yêu cầu không tăng học phí, phụ huynh và sinh viên nói gì?

SKĐS - 1 tháng nữa sẽ tới ngày khai giảng năm học mới. Thông tin Chính phủ yêu cầu không tăng học phí năm học 2023-2024 khiến không ít sinh viên, phụ huynh phấn khởi vì được giảm nhẹ gánh nặng sau thời gian lo lắng học phí năm tới tăng cao.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn