LTS: Ngày 18/8/2008, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 29/2/2008/QĐ-BYT về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế nhằm tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa thầy thuốc và bệnh nhân; nâng cao kỹ năng giao tiếp, tư vấn của người thầy thuốc, góp phần nâng cao chất lượng khám và điều trị... Từ số báo này, báo Sức khỏe & Đời sống mở Diễn đàn “Kỹ năng ứng xử” để động viên, cổ vũ kịp thời những thầy thuốc, những bệnh nhân ứng xử nhân ái, bao dung; phê phán những hành vi xấu, góp phần xây dựng mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân ngày càng tốt đẹp hơn. Trân trọng mời quý bạn đọc trong và ngoài nước, các bệnh nhân, thầy thuốc trong cả nước tham gia viết bài cho chuyên mục này. Bài xin gửi về: Diễn đàn “Kỹ năng ứng xử” báo Sức khỏe & Đời sống 138A Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội.
Cần xây dựng giữ gìn quan hệ tốt đẹp giữa bệnh nhân và thầy thuốc. Ảnh: ĐY |
Có một bà ngoài 70 tuổi, trước là nhân viên Viện Da liễu nay về nghỉ hưu làm thêm việc trông xe. Bà ghi số cẩn thận trên từng xe, hướng dẫn cho người gửi để xe thế nào. Khi ra về bà lại chỉ đường: ông đến cột điện rẽ phải là ra đường lớn; chị đến tường xanh cách đây 50m là rẽ trái...
Ngày 18/10, bệnh viện mở hội nghị quốc tế. Có một chiếc xe màu đen đến gần cửa dừng lại. Anh bảo vệ bên đường quát: Này anh kia, không được đỗ xe ở đó - Anh bảo vệ bên này đường không nói gì. Người đàn ông xuống xe bước vào cổng chào tôi. Tôi giới thiệu với anh bảo vệ cạnh đó đây là đồng chí lãnh đạo trên Vụ xuống họp, anh hướng dẫn nên để xe ở đâu.
- Bác cứ để xe đó, chúng cháu có người trông.
Một bà già hỏi cô áo trắng: Cô ơi, phòng khám mắt ở đâu? - Thế bà không nhìn biển hướng dẫn à mà phải hỏi? Rồi chị bỏ đi. Anh xe ôm nhìn theo ái ngại cho người già kém mắt. Những ví dụ thực tế trên cho thấy Bộ Y tế đưa ra Quy tắc ứng xử là rất cần thiết.
Quy tắc ứng xử của Bộ Y tế nêu rõ là: Nhân viên phải thế nào? Là lãnh đạo phải thế nào? Đã là con người ai cũng có hai mặt. Các cụ nói: dạy con từ thuở còn thơ - Các gia đình bố mẹ nề nếp thì lúc con đi làm đa số cũng giữ được truyền thống gia đình. Các bác sĩ đều biết thần kinh trung ương điều khiển mọi hoạt động của cơ thể. Khi thần kinh yếu, các cơ quan hoạt động lộn xộn và cơ thể sinh bệnh.
Báo chí và truyền hình có nêu: Bệnh viện quá tải - đời sống thấp nên thái độ ứng xử có điều này điều nọ. Nhưng tại sao mọi người chỉ nêu ngành y phải có đức? Trong khi đó có người ngành khác đánh bạc 3 lần hết 14 tỷ mà chưa đủ bằng chứng là tham nhũng. Nếu một bệnh viện có 14 tỷ sẽ cứu được mấy ngàn người. Tại sao ngành điện đòi tăng giá ngang tầm thế giới; Sữa và nhiều mặt hàng ta đắt hơn thế giới?
Giá dầu thế giới trong 3 tháng giảm hơn 50% (từ hơn 140 USD/thùng xuống còn hơn 60/USD thùng) của ta dầu giảm cho dân bằng 1/16 mà vẫn đòi bù lỗ.
Ngành ngân hàng, đời sống cao hơn ngành y bao nhiêu lần nhưng vẫn xin cứu trợ. Trong khi giá dịch vụ châm cứu của ta chỉ bằng 1/3 của thế giới, một bác sĩ lỡ quên gạc trong bụng bệnh nhân bị kỷ luật đeo đẳng 20 năm. Vedan làm ô nhiễm sông 14 năm, bao nhiêu người mắc bệnh? Hậu quả ấy ngành y gánh, ấy thế mà UBND tỉnh bảo chưa đủ chứng cứ để xử lý. Sữa nhiễm melamin, Trung Quốc cho 12 người ra tòa. Sau đại hội Olympic Phó thị trưởng Bắc Kinh xử tù vì tham nhũng...
Trang đầu cuốn sách Đại học (Tứ Thư) có ghi: “Đạo học lớn cốt để phát huy đức sáng, đức tốt đẹp của con người, đổi mới khiến lòng dân bỏ cũ theo mới, bỏ ác theo thiện... có đạo đức hoàn thiện nhất mới kiên định trí hướng. Trí hướng kiên định tâm mới yên. Tâm yên lòng mới ổn - suy nghĩ mọi việc mới chu toàn - mới giải quyết công việc thỏa đáng”.
Chương 4: Bang Kỳ Kinh thi có câu: ''Ôi Văn Vương, đức hạnh của người sâu xa biết mấy, to lớn biết mấy... Làm Vua thì hết lòng thực hiện đức nhân - Làm bề tôi hết lòng thực hiện đức kính. Làm con hết lòng thực hiện đức Hiếu. Làm cha hết lòng thực hiện đức từ - cùng người trong nước quan hệ với nhau thì hết mình thực hiện đức tín”.
Như vậy các bộ, ngành cũng cần có quy định về Đức và quy tắc ứng xử như ngành y mới công bằng, đất nước mới văn minh theo Nghị quyết của Đảng.
PGS.TS. Dương Trọng Hiếu