Tỷ lệ vô sinh nam ngày càng tăng
Năm 2013, nghiên cứu của Rolland đã báo cáo về sự sụt giảm số lượng tinh trùng của nam giới là 32% tính từ năm 1989 so với năm 2005.
Trong nghiên cứu của Sengupta năm 2017 có dẫn chứng của Rolland, tác giả đã phân tích tổng hợp các nghiên cứu từ năm 1980 đến năm 2015 về số lượng tinh trùng của nam giới ở các nước trên thế giới: châu Mỹ, châu Úc, châu Âu, châu Á, châu Phi.
Chức năng sinh sản của nam giới trên thế giới đang cần báo động? Tỷ lệ vô sinh ngày càng tăng, số trẻ em ra đời từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm trên thế giới ngày càng nhiều trong đó nguyên nhân vô sinh nam, do suy giảm tinh trùng đóng góp hơn 40%.
Đó là lời cảnh báo từ các nghiên cứu dựa trên 138 bài báo chọn lọc đã được công bố (từ năm 1980 đến năm 2015) về nguy cơ trong tương lai, con người khó có thể sinh sản bằng con đường tự nhiên như các ông cha của chúng ta.
Các số liệu nghiên cứu phản ánh cụ thể như thế nào?
Nghiên cứu của Rolland dựa trên chọn lọc 138 bài báo đã công bố, nghiên cứu đã lựa chọn các báo cáo có phân loại độ tuổi, các vùng địa lý khác nhau, các số liệu đủ lớn để kết quả phân tích có sự khác biệt.
Phân tích tương quan và hồi quy các dữ liệu được thực hiện bằng StatSoft (2011). Hệ số tương quan được coi là có ý nghĩa nếu p <0,05 hoặc <0,001 (Fisher & Yates, 1974).
Kết quả thống kê cho thấy:
Số lượng tinh trùng giảm trung bình khoảng 57% trên toàn thế giới từ năm 1980 đến năm 2015 (91,65 triệu/ ml xuống còn 39,34 triệu / ml (r = −.313, p = .0002).
Theo khu vực địa lý, số lượng tinh trùng trong các báo cáo ở Bắc Mỹ giảm 36,49%, châu Âu giảm 39%, châu Á giảm 47,12% và châu Phi giảm 72,58%, Nam Mỹ giảm 4,22% và duy nhất ở Úc không thấy sụt giảm.
Các nguy cơ được cảnh báo trong nghiên cứu
Có nhiều yếu tố nội sinh và ngoại sinh gây tổn hại tinh trùng cũng như khả năng sản xuất tinh trùng, trong đó sử dụng hóa chất không được kiểm soát và các thói quen sinh hoạt không khoa học đang âm thầm gây tác hại cho việc sản xuất tinh trùng và di truyền các đột biến gen gây vô sinh nam cho thế hệ sau.
Môi trường và thói quen sinh hoạt tác động đến sản xuất tinh trùng
Trong số hàng ngàn hóa chất mà chúng ta tiếp xúc từ môi trường sinh hoạt hoặc môi trường nghề nghiệp, bệnh lý ung thư thường được nghiên cứu nhiều vì ảnh hưởng trực tiếp và rõ ràng trong thời gian ngắn. Ngược lại, rất ít hóa chất được nghiên cứu để đánh giá về độc tính đối với hệ sinh sản.
Tuy nhiên, tỷ lệ vô sinh ngày càng tăng ở các nước công nghiệp phát triển cũng là các nước sử dụng nhiều hóa chất gây rối loạn nội tiết sinh sản đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu.
Điện thoại, sóng Wifi, tăng nhiệt độ tinh hoàn, stress, rượu, bia, thuốc lá đều là những yếu tố có ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng...
Sinh hoạt tình dục không an toàn, viêm nhiễm đường sinh dục gây tắc ống dẫn tinh và giảm chất lượng tinh trùng.
Nhiều bệnh lý di truyền, đột biến gen, các bệnh hệ thống, bệnh mạn tính cũng làm mất khả năng sinh tinh.
Các chất gây phá vỡ trục điều hòa nội tiết dưới đồi tuyến yên EDCs ?
Các chất hóa học gây phá vỡ cân bằng nội tiết (EDCs) đang được sử dụng rất nhiều quanh chúng ta, ảnh hưởng của nó tới sức khỏe sinh sản vẫn đang còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên trong nghiên cứu này cho thấy xu hướng giảm số lượng tinh trùng ở nam giới cao tuổi từ năm 1980 đến năm 2015 xuất hiện nhiều hơn có thể là bằng chứng do có sự tiếp xúc liên tục của các chất EDC được tích lũy theo thời gian.
Các chất EDC có thể gây ra các ảnh hưởng bất lợi đối với từng cơ quan do tác động trực tiếp lên hệ thống nội tiết thông qua các hoạt động estrogen hoặc kháng androgen, có khả năng cản trở sự phát triển của tinh hoàn ở thai nhi và các chức năng của tinh hoàn sau khi sinh.
Béo phì gây suy giảm chất lượng tinh trùng
WHO (2014) cũng báo cáo tỷ lệ béo phì (BMI ≥30 kg / m2) đã tăng đáng kể trên toàn thế giới vào năm 2014. Mỹ là nơi có số nam giới béo phì cao cũng phản ánh số lượng tinh trùng suy giảm nhiều.
Tình trạng béo phì trên toàn thế giới đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1980 và cũng đồng thời số lượng tinh trùng đã giảm hơn một nửa. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan chặt chẽ giữa béo phì và suy giảm chất lượng tinh trùng.
Cảnh báo tình trạng sụt giảm chất lượng tinh trùng
Kết quả nghiên cứu là một báo cáo khoa học công phu có hệ thống về đánh giá chỉ số nồng độ tinh trùng cũng như các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản nam giới từ khắp nơi trên thế giới trong 35 năm.
Trước thực trạng trên, các nhà khoa học cần phải tiến hành nghiên cứu nhiều hơn nữa để tìm ra nguyên nhân để từ đó đưa ra các biện pháp nhằm khắc phục mối đe dọa vô sinh ngày càng tăng cho các thế hệ tiếp theo.
Đừng để cho công nghệ "Hỗ trợ sinh sản" trở thành thiết yếu và can thiệp vào từng gia đình trong việc duy trì nòi giống của chúng ta.
Hiểu về bệnh lý vô sinh nam.