Quy hoạch vùng trồng để bảo tồn dược liệu đặc hữu của Việt Nam

31-10-2023 18:48 | Y học cổ truyền

SKĐS - Để bảo tồn các loài dược liệu quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, cần quy hoạch vùng trồng gắn với điều kiện tự nhiên phù hợp, hình thành chuỗi giá trị gia tăng để đảm bảo sinh kế.

‘Chìa khóa’ nâng tầm cho dược liệu Việt Nam‘Chìa khóa’ nâng tầm cho dược liệu Việt Nam

SKĐS - Nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững, từng bước vươn ra thị trường quốc tế, lĩnh vực dược phẩm đã đầu tư xây dựng để được chứng nhận vùng trồng dược liệu đạt chuẩn GACP-WHO.

Cần bảo tồn tại chỗ theo vùng trồng

Việt Nam là một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới về cả động vật, thực vật và sinh vật biển.  Với nguồn tài nguyên động, thực vật đa dạng, Việt Nam cũng có tên  trong bản đồ dược liệu thế giới. Nhiều loại cây thuốc đặc hữu, có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao.

Phát triển vùng cây dược liệu được xem là một trong những giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, bảo tồn những nguồn dược liệu quý nói riêng, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, một số đơn vị đã chế biến dược liệu thành các sản phẩm, góp phần tạo đầu ra và thu nhập ổn định cho người trồng cây dược liệu và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp.

Quy hoạch vùng trồng để bảo tồn dược liệu đặc hữu của Việt Nam - Ảnh 2.

Bảo tồn tại chỗ tài nguyên dược liệu.

PGS.TS Trần Văn Ơn, nguyên Trưởng Bộ môn thực vật, Trường Đại học Dược Hà Nội cho biết, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 50 - 60 nghìn tấn các loại dược liệu khác nhau, sử dụng vào việc chế biến vị thuốc y học cổ truyền, nguyên liệu ngành công nghiệp dược hoặc xuất khẩu. Song, nguồn dược liệu tự cung cấp trong nước chỉ chiếm khoảng 20 – 25%, còn lại là nhập khẩu và nhập lậu từ Trung Quốc.

Nguyên nhân chủ yếu do sản xuất cây dược liệu vẫn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, các hình thức hợp tác (HTX, tổ sản xuất, doanh nghiệp…) hầu như chưa phát huy hết vai trò và hiệu quả; thiếu nguồn giống tốt, thiếu công nghệ trồng trọt và phân bón thích hợp với từng loại cây thuốc; thiếu công nghệ sơ chế/chế biến sau thu hoạch. Đồng thời, cơ chế chính sách hỗ trợ còn chưa phù hợp.

Chính vì vậy, việc bảo tồn, phát triển các vùng dược liệu bền vững sẽ góp phần giảm dần mức độ phụ thuộc vào thị trường nguyên liệu bên ngoài. Hơn nữa cũng bảo tồn được các nguồn dược liệu quý ở nước ta, cung cấp dược liệu cho y tế và cộng đồng cũng như nâng cao thu nhập cho người dân.

PGS.TS Trần Văn Ơn cho rằng, dược liệu làm thuốc của nước ta chưa phát triển tương xứng với tiềm năng là bởi chưa có một quy hoạch tổng thể cũng như chính sách phù hợp. Do vậy, để phát triển bền vững cần phải có sự liên kết của Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, thiết lập được chuỗi liên kết giá trị dược liệu phát triển từ vùng trồng để tạo sự phát triển bền vững dược liệu làm thuốc của nước ta. Đồng thời, cần xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển dược liệu và nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ cho dược liệu sản xuất trong nước.

Xây dựng vườn bảo tồn cây thuốc cấp quốc gia

Thời gian qua, Viện Dược liệu được Bộ Y tế giao làm đầu mối xây dựng và triển khai kế hoạch xác định hệ thống vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia, theo quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Viện Dược liệu đã rà soát, đánh giá, thu thập dữ liệu về hệ thống các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên tại các vùng sinh thái trên cả nước và đã xác định một số địa điểm có tiềm năng để có thể lựa chọn xây dựng vườn tại các vùng sinh thái trọng điểm như: Tây Bắc; Đông Bắc; Trung du Bắc Bộ; Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ; Bắc Trung Bộ.

Trong đó, tại vùng Đông Nam Bộ được đề xuất xây dựng vườn bảo tồn tại Khu Bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai. Đến nay, tỉnh Đồng Nai là một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất việc điều tra, đánh giá tiềm năng nguồn dược liệu; thu thập, bảo tồn các nguồn gien đặc hữu quý hiếm, có giá trị; đánh giá các điều kiện tự nhiên và đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát triển nguồn gien cây thuốc… Từ đó, làm cơ sở xây dựng vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia tại địa phương.

Theo PGS, TS Phạm Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Tài nguyên dược liệu (Viện Dược liệu), về tiềm năng xây dựng vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia tại tỉnh Đồng Nai, có thể thấy, vị trí địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh Đồng Nai có nhiều điểm tương đối đặc trưng và đại diện cho vùng Đông Nam Bộ. Đồng Nai là một trong số ít địa phương còn giữ được diện tích rừng tự nhiên rộng lớn.

Nơi đây được các tổ chức khoa học trong, ngoài nước đánh giá là khu vực quan trọng và rất tiềm năng về giá trị tài nguyên đa dạng sinh học. Trong đó, Khu Bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai có cơ sở hạ tầng và giao thông thuận lợi, gắn liền với nhiều địa điểm có ý nghĩa lịch sử và du lịch của vùng Đông Nam Bộ. Khu Bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai là một trong những khu rừng đặc dụng có diện tích tự nhiên lớn nhất Việt Nam, với hơn 100.303ha, hệ sinh thái rừng đặc trưng của vùng Đông Nam Bộ, tồn tại nhiều loài động vật hoang dã.

Nếu vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia được xây dựng tại đây sẽ tạo thành quần thể có tiềm năng khai thác phục vụ cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học gắn với du lịch sinh thái trong tương lai.

Bước đầu, tại Khu bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai, các nhà khoa học ghi nhận 1.877 loài động vật, 121 loài bò sát và lưỡng cư với 27 loài quý hiếm, 134 loài cá và 1.189 loài côn trùng. Trong đó, có 86 loài nằm trong danh sách các loài nguy cấp, quý, hiếm, 72 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Đây còn là địa điểm có nguồn tài nguyên thực vật rất đa dạng, phong phú với nhiều loài cây thuốc có giá trị và đặc trưng cho vùng Đông Nam Bộ.

Việc hình thành các vườn cây thuốc quốc gia đại diện cho các vùng sinh thái là hoạt động cụ thể nhằm triển khai quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu của Việt Nam, đồng thời bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế-xã hội.

Tiềm năng phát triển dược liệu dưới tán rừng ở Điện BiênTiềm năng phát triển dược liệu dưới tán rừng ở Điện Biên

SKĐS - Việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng không chỉ góp phần bảo tồn nguồn gen các loại cây thuốc quý, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân mà còn tạo ra vùng nguyên liệu bền vững cho ngành Y học cổ truyền.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bảo tồn nguồn gen đặc hữu, bản địa, có giá trị dược liệu | SKĐS


PV
Ý kiến của bạn