Nghị quyết về Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Bình thống nhất thông qua với 10 nội dung chủ yếu.
Đối với nội dung phạm vi, ranh giới Quy hoạch tỉnh Thái Bình bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Thái Bình và phần không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Về mục tiêu đến năm 2030, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng, đưa Thái Bình trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng... Phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2030 sẽ vươn lên nhóm phát triển khá và đến năm 2050 là tỉnh phát triển trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Quy hoạch tỉnh Thái Bình tiếp tục thực hiện các đột phá phát triển theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, đồng thời, tập trung vào 3 khâu then chốt, như tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông đầu mối trong tỉnh với các trung tâm kinh tế của vùng Duyên hải Bắc Bộ; xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh; đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch và chế biến phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.
Tỉnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thái Bình phát triển kinh tế hướng biển tạo sự phát triển đột phá ở lĩnh vực cảng biển, năng lượng, dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng, sinh thái biển. Đồng thời, mở rộng không gian lấn biển tạo quỹ đất cho các hoạt động chức năng, hình thành không gian công nghiệp - đô thị - dịch vụ đồng bộ, cảnh quan sinh thái ven biển hấp dẫn.
Đối với phương án phát triển mạng lưới giao thông, theo quy hoạch Thái Bình, trên địa bàn tỉnh hình thành 3 tuyến cao tốc, gồm: Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08); đường Vành đai 5 - Hà Nội (CT.39) và tuyến CT.16 phục vụ kết nối Khu kinh tế Thái Bình - Khu đô thị Trà Giang - thành phố Thái Bình với tuyến Vành đai 5 - Hà Nội và vùng kinh tế phía Nam Thủ đô.
Các tuyến Quốc lộ: 10, 37, 37B, 39 và 39B thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Hệ thống 5 tuyến tỉnh lộ quan trọng, xác định là trục động lực phát triển, kết nối thành phố Thái Bình với các cửa ngõ quan trọng của tỉnh (ĐT.467; ĐT.468; ĐT.454; ĐT.469; ĐT.464); 9 tuyến quy hoạch mới phục vụ kết nối nội tỉnh và 15 tuyến nâng cấp, cải tạo.
Tỉnh Thái Bình từng bước triển khai đầu tư, xây dựng một số cảng quan trọng trên sông Hồng, sông Trà Lý, sông Luộc, sông Hóa. Bổ sung công năng các cảng chuyên dùng hiện có thành cảng tổng hợp. Từng bước đầu tư xây dựng Cảng biển Thái Bình theo Quy hoạch tổng thể. Tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và đơn vị liên quan triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình.
Sau năm 2030, tỉnh sẽ đề xuất hình thành khu cụm cảng hàng không lưỡng dụng phục vụ du lịch, cứu hộ cứu nạn, an ninh quốc phòng khu vực biên giới biển tỉnh Thái Bình...
Đối với phương án xây dựng vùng liên huyện, Thái Bình quy hoạch 3 vùng liên huyện, gồm: Vùng trọng điểm gồm thành phố Thái Bình và các huyện Vũ Thư, Đông Hưng, Kiến Xương; Vùng động lực chủ đạo gồm các huyện Thái Thụy, Tiên Hải; Vùng kinh tế ngoại biên gồm các huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ. Tỉnh quy hoạch 8 vùng huyện bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển tổng thể của tỉnh, gồm: Vùng thành phố Thái Bình; Vùng huyện Vũ Thư; Vùng huyện Đông Hưng; Vùng huyện Kiến Xương; Vùng huyện Thái Thụy; Vùng huyện Tiên Hải; Vùng huyện Quỳnh Phụ; Vùng huyện Hưng Hà...
Quy hoạch tỉnh Thái Bình mở rộng theo hướng "lấn biển"
Thái Bình là một tỉnh "đất chật, người đông", quy mô diện tích khá nhỏ (chiếm 0,48% diện tích cả nước), xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, về dân số, Thái Bình xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; chiếm 1,9% dân số cả nước và có mật độ dân số gấp 4 lần trung bình cả nước.
Vì vậy, mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh Thái Bình thông qua hoạt động "lấn biển" là giải pháp được đưa ra trong dự thảo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo phân tích, Thái Bình nằm trong hành lang kinh tế phía đông, mặt tiền hướng ra biển của vùng Đồng bằng sông Hồng, với chuỗi liên kết các hoạt động kinh tế gắn biển như: công nghiệp chế tạo, năng lượng, dịch vụ vận tải biển, du lịch, thủy sản, khai thác tài nguyên biển... Là tỉnh đi sau, chịu tác động lan tỏa của các trung tâm kinh tế biển mạnh là Quảng Ninh, Hải Phòng, cùng với quá trình tăng cường nâng cấp hạ tầng kết nối ven biển, Thái Bình có nhiều dư địa để khai thác trong vai trò là một trung tâm mới thu hút các hoạt động công nghiệp, dịch vụ mới, hỗ trợ và kết nối các hoạt động chung của toàn vùng hướng mạnh vào các hoạt động kinh tế biển.
Hiện tại, tỉnh Thái Bình có khoảng 16.637 ha đất mặt nước ven biển. Với đặc điểm địa hình, địa chất vùng ven biển Thái Bình, phần diện tích này rất thuận lợi để có thể khai thác lấn biển, mở rộng không gian phát triển thực hiện các dự án đô thị, du lịch, thương mại, công nghiệp.
Dự kiến, trong thời kỳ quy hoạch tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ khai thác đưa 2.550 ha đất mặt nước ven biển vào sử dụng cho mục đích xây dựng các dự án trong khu kinh tế biển Thái Bình: Khu công nghiệp Thái Thượng, Khu công nghiệp Hoàng Long; Khu du lịch Cồn Đen, Khu du lịch sinh thái Cồn Vành - Cồn Thủ...