Quy hoạch Thủ đô: Bảo đảm quỹ đất cho cơ sở y tế cấp quốc gia do Bộ Y tế quản lý

30-03-2024 13:28 | Thời sự
google news

SKĐS - Hà Nội bảo đảm quỹ đất cho các cơ sở y tế cấp quốc gia do Bộ Y tế quản lý và cơ sở y tế ngành có vị trí không gian đặt trên địa bàn theo Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được phê duyệt.

HĐND TP. Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Báo cáo tóm tắt Quy hoạch Thủ đô 2021-2030 và tầm nhìn 2050 của UBND TP. Hà Nội có đưa ra phương hướng phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Xây dựng Hà Nội thành trung tâm y tế lớn nhất cả nước

Về phương hướng phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, Hà Nội xác định, mục tiêu phát triển đồng bộ, toàn diện lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe theo hướng hiện đại, dự phòng từ sớm, chủ động, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe người dân ở tất cả các tuyến.

Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm y tế lớn của cả nước, tập trung phát triển một số lĩnh vực trình độ công nghệ thế giới; gắn phát triển dịch vụ y tế với du lịch khám, chữa bệnh và nghỉ dưỡng; tăng cường ứng dụng công nghệ số, đẩy mạnh khám chữa bệnh từ xa. Đồng thời kết nối nhanh, hiệu quả dịch vụ khám, chữa bệnh giữa hệ thống y tế thành phố với hệ thống y tế trung ương.

Quy hoạch Thủ đô: Bảo đảm quỹ đất cho cơ sở y tế cấp quốc gia do Bộ Y tế quản lý- Ảnh 1.

Kỳ họp thứ 15 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND TP. Hà Nội ngày 29/3 đã thông qua Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hà Nội cũng xác định, thực hiện đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh; phát triển dịch vụ du lịch khám chữa bệnh, một số lĩnh vực y học chất lượng cao, y học mũi nhọn đáp ứng yêu cầu của nhân dân và thu hút khách quốc tế. Tăng khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh các cấp và hệ thống đánh giá phản hồi của người dân.

Đồng thời tăng cường ứng dụng và thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong quản lý, phòng bệnh, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế.

Đầu tư phát triển các BVĐK và chuyên khoa cấp thành phố trở thành BV tuyến cuối thuộc cấp chăm sóc chuyên sâu. Nâng cấp, cải tạo các BV, cơ sở y tế hiện có, đảm bảo khả năng tiếp cận thuận lợi của người dân đối với các dịch vụ kỹ thuật chăm sóc cơ bản, nhất là tại các khu vực có mật độ dân số đông.

Quy hoạch Thủ đô: Bảo đảm quỹ đất cho cơ sở y tế cấp quốc gia do Bộ Y tế quản lý- Ảnh 2.

Khám, tư vấn sức khỏe cho người dân huyện Ba Vì - Hà Nội.

Huy động nguồn lực xã hội hóa xây mới 2 BVĐK (tại huyện Gia Lâm, huyện Thạch Thất); BV chuyên ngành Lão khoa Hà Nội (huyện Sóc Sơn), BV chuyên ngành Nội tiết Hà Nội (quận Bắc Từ Liêm). Sử dụng ngân sách xây mới BV Mắt thành phố (quận Hà Đông), BV Bệnh Nhiệt đới Hà Nội (huyện Mê Linh), BVĐK (huyện Ứng Hòa), BV Nhi Hà Nội (quận Hà Đông) và BV Thận Hà Nội cơ sở 2 (quận Hà Đông). Di chuyển các cơ sở y tế điều trị các bệnh truyền nhiễm, mức độ lây nhiễm cao ra khỏi nội đô.

Sẵn sàng tiếp nhận loạt BV của các bộ, ngành

Hà Nội cũng xác định, sẵn sàng tiếp nhận một số BV đóng trên địa bàn (BV Xây dựng, BV Nông nghiệp, BV Than khoáng sản, BV Bưu điện, BV Thể thao, BV Dệt may).

Đầu tư phát triển Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội ngang tầm khu vực, kết nối với mạng lưới kiểm soát bệnh tật thế giới và Trung tâm ứng phó với tình trạng y tế khẩn cấp của khu vực hoặc quốc tế đặt tại Việt Nam; phát triển trung tâm điều hành về y tế khi ứng phó với dịch bệnh quốc gia khẩn cấp.

Tập trung nâng cấp Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm TP. Hà Nội trở thành Trung tâm kiểm nghiệm vùng Đồng bằng sông Hồng; phát triển chuyên môn sâu trong lĩnh vực kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Kiện toàn Trung tâm Giám định y khoa thành phố để đảm bảo chức năng chuyên trách về giám định y khoa theo quy định.

Quy hoạch Thủ đô: Bảo đảm quỹ đất cho cơ sở y tế cấp quốc gia do Bộ Y tế quản lý- Ảnh 5.

Nâng cao năng lực, chuyên môn trong công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội.

Phát triển cơ sở đồng bộ về nghiên cứu - đào tạo - khám chữa bệnh chất lượng cao, gồm: Tổ hợp công trình y tế Phú Xuyên là Trung tâm y tế vùng; Tổ hợp công trình y tế Sóc Sơn; Tổ hợp công trình y tế Hòa Lạc; Tổ hợp công trình y tế tại Sơn Tây; Tổ hợp công trình y tế tại Gia Lâm.

Đầu tư hệ thống BV quận/huyện thành BVĐK hoàn chỉnh; nâng cấp các trung tâm y tế quận/huyện đảm bảo đủ năng lực đáp ứng theo quy định. Khuyến khích phát triển cơ sở y tế ngoài công lập cung ứng các dịch vụ chất lượng cao.

Đặc biệt, Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn tới 2050 cũng xác định: Bảo đảm đủ quỹ đất cho các cơ sở y tế cấp quốc gia do Bộ Y tế quản lý và cơ sở y tế ngành có vị trí không gian đặt trên địa bàn TP. Hà Nội theo Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được phê duyệt.

Hà Nội sẽ giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanhHà Nội sẽ giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh

SKĐS - Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới 2050 nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường, giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn