Vùng đất tiềm năng, sôi động của cả nước
Nằm trong tam giác kinh tế sôi động bậc nhất cả nước (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), Hải Phòng có hệ thống giao thông thuận lợi cả đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy. Theo đó, vùng đất này được đánh giá có tiềm năng nổi trội về du lịch biển, sinh thái, nghỉ dưỡng với quần đảo Cát Bà - Vịnh Hạ Long chính thức được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới,...
Đây cũng là địa bàn có một vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh với đảo tiền tiêu Bạch Long Vỹ ở gần giữa Vịnh Bắc Bộ và hệ thống các đảo ven bờ.
Khoảng 10 năm trở về đây, Hải Phòng đã có nhiều đổi thay, bứt phá với hệ thống cảng biển mở rộng, các khu đô thị xanh, hiện đại mọc lên, y tế cơ sở dần được đầu tư cơ sở hạ tầng, giáo dục được quan tâm đặc biệt...
Điều đó được thể hiện qua các con số như: Quy mô nền kinh tế đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023 đạt 10,34%, đứng thứ 5 cả nước; đây là năm thứ 9 liên tục tăng trưởng của thành phố đạt mức hai con số. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kỷ lục 3,5 tỷ USD đứng thứ 2 cả nước.
GRDP bình quân đầu người đạt hơn 7.000 USD/người (cao hơn nhiều so với bình quân chung cả nước). Tỉ lệ lao động qua đào tạo của thành phố năm 2023 ước đạt 86,5%, trong đó tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 38%.
Các chỉ số môi trường đầu tư, kinh doanh của Hải Phòng luôn ổn định, ở top đầu cả nước, trong đó: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thành phố xếp vị trí thứ 3; chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX xếp vị trí thứ 2; chỉ số hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan hành chính SIPAS xếp vị trí thứ 10; chỉ số đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI xếp thứ 15 trong số các địa phương trên cả nước.
Hải Phòng sẽ đổi mới sau quy hoạch được duyệt
Theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đến năm 2030, Hải Phòng trở thành Thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước; trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, trọng tâm là dịch vụ cảng biển, logistics và du lịch biển; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ.
Tỉ trọng đóng góp GRDP của thành phố Hải Phòng vào tổng sản phẩm (GDP) cả nước đến năm 2030 đạt khoảng 6,8%. Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với ba trụ cột phát triển: dịch vụ cảng biển - logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; quy mô dân số khoảng 4,5 triệu người, có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu Châu Á và thế giới.
Để hoàn thành tốt các định hướng, mục tiêu của quy hoạch, thành phố Hải Phòng đưa ra 9 nhóm giải pháp cụ thể nhằm huy động nguồn lực và triển khai thực hiện, giám sát việc thực hiện quy hoạch; trong đó chú trọng các giải pháp về huy động và sử dụng vốn đầu tư; giải pháp phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường, cơ chế, chính sách liên kết phát triển...
Ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng cho biết: "Hội nghị công bố quy hoạch thành phố Hải Phòng sẽ tạo nguồn lực động lực và cơ hội mới để Hải Phòng phát huy hơn nữa vai trò là cực tăng trưởng quan trọng của vùng và của cả nước trong thời gian tới."
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, Quy hoạch thành phố Hải Phòng được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, đặt trong mối tương quan, liên kết với các tỉnh ven biển Bắc Bộ, khu vực đồng bằng Sông Hồng, các tỉnh phía Bắc và kết nối quốc tế; cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 45, thể hiện khát vọng của nhân dân Hải Phòng về một thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu Châu Á và thế giới.
Bản quy hoạch khi được hiện thực hóa sẽ là cơ sở để Hải Phòng chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh: "Thành phố cần ưu tiên triển khai các dự án hạ tầng kết nối liên vùng, cảng biển, logistics, hạ tầng số; phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa lớn,.. Đồng thời, Hải Phòng cần đẩy mạnh khai thác, phát huy hiệu quả những công trình hạ tầng hiện đại đã, đang hoặc sẽ được đầu tư trong thời gian ngắn sắp tới, mở ra không gian phát triển rộng mở, đa chiều, đa cực, đa trung tâm…, từ đó đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng. Đây là bài toán có tính liên vùng."
Mời quý vị xem thêm video dưới đây:
Dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 16/01: Bắc bộ đầu tuần mưa phùn nhẹ, cuối tuần hửng nắng