Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 27/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết: Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế được phê duyệt vào lúc này có ý nghĩa rất quan trọng, tạo định hướng chiến lược, cơ sở pháp lý cũng như động lực để ngành Y tế phát triển mạng lưới cơ sở y tế nhằm hướng tới các mục tiêu mong muốn về y tế trong tình hình mới theo tinh thần, định hướng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần XIII, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như định hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh các vùng kinh tế - xã hội 6 vùng theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế khi được phê duyệt cũng giúp các địa phương có cơ sở tham chiếu cũng như có những hướng dẫn mang tính nguyên tắc để phát triển mạng lưới cơ sở y tế trên địa bàn, vốn là một cấu phần quan trọng trong Quy hoạch chung của các tỉnh/thành phố trực thuộc TW cũng như Quy hoạch Vùng.
Một điều đặc biệt, PGS.TS Phan Lê Thu Hằng cho biết đó là Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế được phê duyệt đúng ngày Thầy thuốc Việt Nam - 27/2, phản ánh sự tin tưởng và kỳ vọng về sự phát triển mạnh mẽ của sự nghiệp y tế nước nhà mà Đảng và Nhà nước trao gửi cho ngành y tế.
Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS Phan Lê Thu Hằng sẽ làm rõ hơn về Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đảm bảo phát triển mạng lưới cơ sở y tế đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đồng thời từng bước tiệm cận hệ thống y tế các nước tiên tiến
- Xin bà cho biết vị trí của Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế trong tổng thể hệ thống quy hoạch hiện nay?
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Nói một cách ngắn gọn nhất, hệ thống quy hoạch hiện nay bao gồm 3 nhóm quy hoạch chính, bao gồm: Thứ nhất, các Quy hoạch có tính chất tổng thể Quốc gia (Quy hoạch tổng thể Quốc gia, Quy hoạch Không gian biển Quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia); Thứ hai, các Quy hoạch Ngành quốc gia, và thứ ba, các Quy hoạch của địa phương (Quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh/thành phồ trực thuộc TW).
Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế được xác định thuộc nhóm Quy hoạch Ngành quốc gia. Do đó, Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế có một số đặc điểm cơ bản sau đây:
Về thời kỳ quy hoạch: thời kỳ quy hoạch là giai đoạn 2021-2030 và có tầm nhìn dài hạn (đến năm 2050).
Về nội dung quy hoạch: nội dung chủ yếu của Quy hoạch là xác định phương hướng phát triển, phân bố, tổ chức không gian, nguồn lực cho các cơ sở y tế mang tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh.
Về phạm vi ranh giới quy hoạch: có phạm vi trên toàn quốc.
Về đối tượng quy hoạch: bao gồm 05 cơ sở y tế cấp vùng, liên tỉnh và liên ngành thuộc các lĩnh vực: khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; Giám định y khoa, giám định pháp y và giám định pháp y tâm thần; Y tế dự phòng, y tế công cộng; Kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn về thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, vaccine và sinh phẩm y tế, thiết bị y tế, sản xuất dược phẩm, vaccine, sinh phẩm y tế và thiết bị y tế; lĩnh vực dân số - sức khỏe sinh sản.
Như vậy, Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế không bao gồm các đơn vị quản lý nhà nước về y tế (Vụ, Cục, Tổng cục, Chi cục…) cũng như không bao gồm các cơ sở y tế địa phương (vốn thuộc phạm vi quy hoạch tỉnh). Thay vào đó, Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế đưa ra những định hướng mang tính nguyên tắc để hướng dẫn các địa phương đưa hợp phần mạng lưới cơ sở y tế địa phương vào quy hoạch tổng thể của tỉnh.
- Bà có thể cho biết Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế được xây dựng dựa trên những quan điểm cơ bản gì?
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế được xây dựng trên cơ sở 6 quan điểm phát triển cơ bản sau đây:
Thứ nhất, đó là sự phù hợp với những định hướng lớn mang tính quốc gia, bao gồm định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch cấp quốc gia khác có liên quan.
Thứ hai, đó là yêu cầu bảo đảm cung ứng dịch vụ toàn diện, lồng ghép, liên tục với sự tiếp cận thuận lợi và khả năng bảo vệ tài chính. Cùng với đó là yêu cầu bảo đảm an ninh y tế, ứng phó với biến đổi khí hậu và các tình huống khẩn cấp.
Thứ ba, phát triển mạng lưới cơ sở y tế gắn liền với đổi mới tổ chức bộ máy và phương thức quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Phát triển mạng lưới cơ sở y tế bảo đảm tính cân đối, đồng bộ, kết nối hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế cấp quốc gia với mạng lưới cơ sở y tế địa phương.
Thứ tư, phát triển mạng lưới cơ sở y tế theo hướng kết hợp hài hòa giữa y tế cơ sở và y tế chuyên sâu; giữa y học cổ truyền với y học hiện đại; giữa y tế lực lượng vũ trang và dân y gắn với xây dựng tiềm lực y tế quốc phòng, an ninh.
Thứ năm, huy động tối đa nguồn lực đầu tư để phát triển mạng lưới cơ sở y tế theo quy hoạch, đi đôi với sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư.
Thứ sáu, bảo đảm tính công bằng, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các khu vực, vùng, miền, hướng tới mục tiêu mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng.
- Vậy mục tiêu phát triển được xác định trong Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế có gì đáng chú ý thưa bà?
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Có thể nói Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế xác định sự kiên định trong việc theo đuổi mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, đảm bảo phát triển mạng lưới cơ sở y tế để làm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân và đủ năng lực đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong từng thời kỳ, đồng thời từng bước tiệm cận hệ thống y tế của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế cũng xác định các chỉ tiêu phấn đấu rất cao về quy mô giường bệnh và nhân lực y tế chủ chốt, theo đó tới năm 2050 các chỉ số này của Việt Nam sẽ đạt mức bình quân của nhóm nước công nghiệp phát triển hàng đầu (các nước thuộc Tổ chức OECD).
Xây mới một số bệnh viện tuyến TW tại khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long; Hình thành Cơ quan Kiểm soát Bệnh tật Trung ương
- Bà cho biết những định hướng mới trong phát triển mạng lưới cơ sở y tế trong thời gian tới là gì, thưa bà?
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Trước hết, đối với lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh: Định hướng trong phát triển mạng lưới cơ sở y tế theo hướng công bằng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế thông qua phát triển năng lực chuyên môn kỹ thuật cấp chăm sóc chuyên sâu (trong đó một số bệnh viện được phát triển bệnh viện chuyên sâu kỹ thuật cao, hiện đại, ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và quốc tế);
Gia tăng tổng nguồn cung các dịch vụ chăm sóc chuyên sâu tuyến cuối, bao gồm cả tổng cung và cung dịch vụ chuyên sâu tuyến cuối của một số chuyên khoa ưu tiên như ung bướu, tim mạch, sản/sản - nhi, lão khoa, phục hồi chức năng, y học cổ truyền, truyền nhiễm;
Cải thiện sự phân bổ trên không gian địa lý của các bệnh viện cung ứng dịch vụ chăm sóc chuyên sâu tuyến cuối nhằm cải thiện khả năng tiếp cận địa lý (nâng cấp một số bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh để đảm nhận chức năng vùng, phát triển mạng lưới cơ sở vệ tinh của các bệnh viện tuyến TW, xây mới một số bệnh viện tuyến TW tại khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long..);
Đảm bảo vai trò ứng phó cấp vùng khi có dịch bệnh, thảm hoạ.
Đối với lĩnh vực y tế dự phòng, y tế công cộng: Hình thành Cơ quan Kiểm soát Bệnh tật Trung ương (với hệ thống phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 4) và 03 Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật khu vực (với hệ thống phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 3) gắn với các Viện Vệ sinh dịch tễ và Pasteur hiện có để đảm nhận vai trò kết nối và hỗ trợ các trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh.
Đảm bảo vai trò kết nối trong nước và quốc tế; hỗ trợ các CDC tỉnh nhằm bảo đảm đủ năng lực dự báo, giám sát và phát hiện sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả các dịch bệnh và kiểm soát các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.
Phát triển các trung tâm thử nghiệm lâm sàng hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế
Đối với lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn: Phát triển năng lực chuyên môn kỹ thuật ở cả cấp quốc gia và cấp vùng thông qua năng cao năng lực các Viện chuyên ngành quốc gia (phát triển hệ thống phòng thí nghiệm tham chiếu, phát triển trung tâm kiểm định và hiệu chuẩn thiết bị y tế, nâng cấp trung tâm đánh giá tương đương sinh học…); phát triển 06 Trung tâm Kiểm nghiệm vùng tại 06 vùng kinh tế - xã hội, nâng cấp các Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học đảm nhận chức năng vùng.
Hình thành đơn vị quốc gia về chuyển giao công nghệ vaccine tại Hà Nội nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ trong sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế trên phạm vi toàn quốc.
Phát triển các trung tâm thử nghiệm lâm sàng hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế trực thuộc một số bệnh viện trung ương và viện nghiên cứu chuyên ngành phục vụ nghiên cứu và thử nghiệm thuốc, vaccine; trung tâm nghiên cứu nguồn gen và giống dược liệu quốc gia.
Phát triển ngành sản xuất thuốc, vaccine, thiết bị y tế trong nước đồng bộ, hiện đại, nâng cao năng lực sản xuất tiến tới tự chủ nguồn cung ứng thuốc, vaccine, thiết bị y tế trong nước.
Đối với lĩnh vực giám định y khoa, giám định pháp y và giám định pháp y tâm thần: Nâng cao năng lực và cơ sở vật chất của các đơn vị giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần hiện có. Xây dựng mới 01 cơ sở giám định pháp y khu vực tại TP Hồ Chí Minh; 02 cơ sở giám định pháp y tâm thần khu vực tại Nghệ An và TP Hồ Chí Minh.
Phát triển các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu về hỗ trợ sinh sản, tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh, tật trước sinh, sơ sinh
Đối với lĩnh vực dân số - sức khỏe sinh sản: Phát triển các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu về hỗ trợ sinh sản, tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh, tật trước sinh, sơ sinh gắn với các bệnh viện chuyên khoa sản/sản - nhi, bệnh viện có chuyên khoa sản/sản - nhi.
Phát triển 06 trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh khu vực hiện có tại các vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Hình thành 02 trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh cấp vùng tại vùng trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên.
Phát triển các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi gắn với các bệnh viện lão khoa, bệnh viện có chuyên khoa lão. Hình thành bệnh viện lão khoa tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Về mạng lưới cơ sở y tế cấp địa phương, y tế tư nhân: Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế cũng đưa ra các định hướng đối với mạng lưới cơ sở y tế cấp địa phương, định hướng phát triển y tế tư nhân để phấn đấu đạt tỷ lệ giường bệnh tư nhân chiếm 15% vào năm 2030 và 25% vào năm 2050.
Hình thành 02 khu phức hợp y tế chuyên sâu khi có đủ điều kiện tại 2 miền Nam - Bắc
- Thưa bà, về định hướng dài hạn, Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế có đề cặp tới sự hình thành 02 khu phức hợp y tế chuyên sâu khi có đủ điều kiện tại 2 miền Nam - Bắc. Bà có thể cho biết rõ thêm về định hướng này?
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Khu phức hợp y tế được nhiều chuyên gia xem là mô hình có thể giúp tạo cú hích cho hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển kỹ thuật cao của toàn Ngành Y tế, phù hợp với mục tiêu kiến tạo một hệ thống y tế hiện đại, tiên tiến cũng như quan điểm coi y tế là một ngành dịch vụ có khả năng đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế.
Khu phức hợp y tế được xem phù hợp nhất với các cơ sở y tế có hệ thống phòng xét nghiệm lớn và phức tạp (như các cơ sở quan trọng của hệ thống y tế dự phòng, y tế công cộng kiểm nghiệm, kiểm định, ngân hàng máu, ngân hàng tế bào gốc…); các trung tâm nghiên cứu và phát triển y sinh học công nghệ cao; các cơ sở đào tạo nhân lực y tế lớn; các cơ sở khám chữa bệnh (bệnh viện và phòng khám) kỹ thuật cao; các cơ sở nghiên cứu sản xuất dược phẩm, chế phẩm sinh học và trang thiết bị y tế công nghệ cao…
Lợi thế của mô hình này bao gồm: tạo không gian cho sự hợp tác, chia sẻ hạ tầng kỹ thuật y tế dùng chung giữa các cơ sở y tế, đặc biệt là giũa các hệ thống labo; tạo không gian liên kết giữa nghiên cứu, phát triển, đào tạo nhân lực và thiết kế sản xuất các sản phẩm y dược công nghệ cao;
Thuận lợi cho đầu tư và vận hành một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật chung cho các cơ sở trong khu phức hợp (hệ thống cấp thoát nước, hệ thống xử lý chất thải y tế, hệ thống điện, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống an ninh, hệ thống giao thông nội bộ…);
Thuận lợi cho việc thiết kế đề án đầu tư trọng điểm (đòi hỏi nguồn vốn đầu tư tập trung với quy mô lớn); và phần nào đó thuận lợi cho công tác chuẩn bị đầu tư vì chỉ cần đảm bảo mặt bằng một lần tại một vị trí, thay vì cần giải quyết công tác đảm bảo mặt bằng nhiều lần tại nhiều địa điểm khác nhau...
- Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Phan Lê Thu Hằng!