Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân
Hiện nay ở nước ta, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đang gặp phải những thách thức không nhỏ liên quan tới sự gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và kỳ vọng về chất lượng dịch vụ y tế; sự thay đổi mô hình bệnh tật với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm; tốc độ già hóa dân số; mối đe dọa ngày càng tăng của các bệnh dịch mới nổi; tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và công nghiệp hóa cùng xu hướng chi phí y tế ngày càng tăng cao...
Xét chung trên bối cảnh toàn cầu, người ta nói nhân loại đang bước vào kỷ nguyên VUCA, với các đặc tính Biến động), Không chắc chắn, Phức tạp và Mơ hồ. Điều này đòi hỏi, Hệ thống Y tế phải có nền tảng bền vững về cấu trúc, nhân lực, kỹ thuật và tài chính. Đồng thời cần linh hoạt, sáng tạo và liên tục đổi mới nhằm tăng cường khả năng thích ứng và sức chống chịu với những thách thức mới.
Theo PGS.TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế được phê duyệt có ý nghĩa rất quan trọng, tạo định hướng chiến lược, cơ sở pháp lý cũng như động lực để ngành Y tế phát triển mạng lưới cơ sở y tế nhằm hướng tới các mục tiêu mong muốn về y tế trong tình hình mới… Cùng với đó, giúp các địa phương có cơ sở tham chiếu cũng như có những hướng dẫn mang tính nguyên tắc để phát triển mạng lưới cơ sở y tế trên địa bàn, vốn là một cấu phần quan trọng trong Quy hoạch chung của các tỉnh/thành phố trực thuộc TW cũng như Quy hoạch Vùng.
Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có hai thuộc tính cơ bản, có là tính Kế thừa và Phát triển. Theo đó Chiến lược được xây dựng dựa trên sự kế thừa những định hướng lâu dài mang tính nền tảng như định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, đồng thời bổ sung những định hướng phát triển mới phù hợp với yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Đảm bảo phát triển mạng lưới cơ sở y tế để làm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân và đủ năng lực đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong từng thời kỳ, đồng thời từng bước tiệm cận hệ thống y tế của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế cũng xác định các chỉ tiêu phấn đấu rất cao về quy mô giường bệnh và nhân lực y tế chủ chốt, theo đó tới năm 2050 các chỉ số này của Việt Nam sẽ đạt mức bình quân của nhóm nước công nghiệp phát triển hàng đầu các nước thuộc Tổ chức OECD.
Định hướng mới trong phát triển mạng lưới cơ sở y tế
Định hướng trong phát triển mạng lưới cơ sở y tế theo hướng công bằng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế thông qua phát triển năng lực chuyên môn kỹ thuật cấp chăm sóc chuyên sâu (trong đó một số bệnh viện được phát triển bệnh viện chuyên sâu kỹ thuật cao, hiện đại, ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và quốc tế);
Gia tăng tổng nguồn cung các dịch vụ chăm sóc chuyên sâu tuyến cuối, bao gồm cả tổng cung và cung dịch vụ chuyên sâu tuyến cuối của một số chuyên khoa ưu tiên như ung bướu, tim mạch, sản/sản - nhi, lão khoa, phục hồi chức năng, y học cổ truyền, truyền nhiễm; Cải thiện sự phân bổ trên không gian địa lý của các bệnh viện cung ứng dịch vụ chăm sóc chuyên sâu tuyến cuối nhằm cải thiện khả năng tiếp cận địa lý (nâng cấp một số bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh để đảm nhận chức năng vùng, phát triển mạng lưới cơ sở vệ tinh của các bệnh viện tuyến TW, xây mới một số bệnh viện tuyến TW tại khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long..)…
Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế cũng đưa ra các định hướng đối với mạng lưới cơ sở y tế cấp địa phương, định hướng phát triển y tế tư nhân để phấn đấu đạt tỷ lệ giường bệnh tư nhân chiếm 15% vào năm 2030 và 25% vào năm 2050.
Để triển khai, Bộ Y tế cũng cần nhiều giải pháp. Cụ thể, về cơ chế chính sách, cần rà soát, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực y tế, tạo cơ sở pháp lý thực hiện quy hoạch. Rà soát chính sách đầu tư cho các cơ sở y tế tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, khu vực đặc biệt khó khăn; hỗ trợ, tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận bình đẳng các dịch vụ y tế có chất lượng.
Nghiên cứu đề xuất chính sách đầu tư và tài chính phù hợp cho các cơ sở y tế đủ điều kiện đảm nhận vai trò hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật. Rà soát chính sách, pháp luật về xã hội hóa, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng, bền vững, hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người bệnh và cộng đồng.
Về tổ chức và phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục rà soát, sắp xếp, chuyển đổi, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp y tế; điều chỉnh chức năng nhiệm vụ phù hợp bảo đảm đáp ứng yêu cầu tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả… Rà soát, xây dựng các chính sách ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực ưu tiên và các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo; đổi mới chính sách thu hút nhân lực y tế, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, có đủ năng lực thực hiện các kỹ thuật cao cho các bệnh viện cấp tỉnh đảm nhận chức năng vùng...
Với việc huy động và phân bổ vốn đầu tư, cần huy động và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư từ các nguồn: ngân sách nhà nước; nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam; quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của cơ sở y tế; nguồn đầu tư tư nhân; các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Ưu tiên đầu tư công phát triển cơ sở hạ tầng đối với mạng lưới cơ sở y tế tại các khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo và các lĩnh vực hạn chế về nguồn thu.
Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế được đẩy mạnh dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu lớn và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y khoa, đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ mới trong dự phòng và khám bệnh, chữa bệnh, trong nghiên cứu, phát triển và sản xuất thuốc, vaccine, thiết bị y tế. Nâng cao tiềm lực, tập trung ưu tiên phát triển công nghệ có khả năng ứng dụng cao, đặc biệt là y tế số, trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ sinh học, dược học, điện tử y sinh. Thiết lập nền tảng hệ sinh thái y tế số quốc gia phục vụ công tác lập kế hoạch, quản lý điều hành hệ thống y tế.
Đẩy mạnh liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị sự nghiệp y tế công lập theo các lĩnh vực, đặc biệt xây dựng hệ thống kết nối giữa dự phòng và khám bệnh, chữa bệnh, trong vùng, giữa các vùng và cả nước, thực hiện kết hợp quân dân y trong chăm sóc sức khỏe. Tăng cường kết nối, hỗ trợ giữa y tế nhà nước và y tế tư nhân, có cơ chế khuyến khích, huy động và tăng cường vai trò của y tế tư nhân không chỉ trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ y tế mà cả các nhiệm vụ sự nghiệp y tế khác.
Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan và hiệu quả công tác phối hợp liên ngành, đẩy mạnh hoạt động đa ngành trong chăm sóc sức khỏe. Xây dựng các kế hoạch hành động liên ngành trong chăm sóc sức khỏe nói chung và đặc biệt trong chuẩn bị và ứng phó với dịch bệnh, tình huống khẩn cấp. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ ngành y tế, doanh nghiệp, người dân về triển khai thực hiện các chính sách, định hướng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế nói riêng.