Hà Nội

Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế, đảm bảo sức khỏe người dân

01-08-2024 15:32 | Thành tựu y khoa
google news

SKĐS - Củng cố mạng lưới y tế phù hợp đặc thù vùng biển, đảo, quan tâm đến y tế cơ sở, đặc biệt các xã vùng dân tộc thiểu số. Đó là những hoạt động ý nghĩa, thiết thực của các tỉnh khi triển khai hoạt động quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở trong đó, Bình Thuận và Thái Nguyên là hai địa phương tiêu biểu.

Bình Thuận: Củng cố mạng lưới y tế phù hợp đặc thù vùng biển, đảo

Nhằm củng cố, tăng cường năng lực, chất lượng và khả năng cung ứng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe quân và dân khu vực biển, đảo; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển y tế biển, đảo tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Theo Kế hoạch, Bình Thuận hướng tới củng cố mạng lưới y tế đủ năng lực cả về số lượng và chất lượng, phù hợp với đặc thù hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân vùng biển, đảo. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường năng lực cấp cứu, vận chuyển, khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh và các bệnh tật đặc thù vùng biển, đảo.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế, đảm bảo sức khỏe người dân- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu 70% trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố, cơ sở y tế quân đội có biển được đầu tư, nâng cấp, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ trên khu vực biển, đảo; 70% tàu cá khai thác hải sản xa bờ được trang bị tủ thuốc và dụng cụ y tế theo quy định; 80% người dân vùng biển, đảo được tuyên truyền, phổ biến kiến thức, huấn luyện kỹ năng dự phòng bảo vệ sức khỏe, kỹ năng tự sơ cấp cứu và vận chuyển người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu vùng biển, đảo. Đến năm 2030, Bình Thuận phấn đấu các mục tiêu trên đều đạt 100%.

Để đạt được mục tiêu trên, Bình Thuận tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác y tế biển, đảo. Cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên đưa nội dung phát triển y tế biển, đảo vào Nghị quyết lãnh đạo của Đảng bộ, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và có chính sách ưu tiên đầu tư cho phát triển y tế biển, đảo.

Tỉnh tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, kiện toàn biên chế, tổ chức, nhân lực cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố, cơ sở y tế của bộ đội biên phòng có biển đủ năng lực khám dự phòng, phòng, chống dịch bệnh khu vực biển, đảo. Đồng thời, tỉnh tiếp tục đầu tư đồng bộ các nguồn lực cho Trung tâm Y tế Quân dân y Phú Quý để bảo đảm triển khai thực hiện trên 90% kỹ thuật ngoại khoa của bệnh viện hạng 3; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố, bảo đảm đủ năng lực cấp cứu, thu dung, điều trị phù hợp đặc thù cho các cơ sở y tế vùng ven biển.

Bên cạnh đó, để phát triển nguồn nhân lực y tế cho khu vực biển, đảo, Bình Thuận đảm bảo định mức biên chế tại các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố có biển; các trạm y tế thuộc huyện đảo Phú Quý, đội cơ động cấp cứu, làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho vùng biển, đảo. Tỉnh thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ thu hút, đào tạo đối với viên chức ngành y tế được bố trí công tác trên biển, đảo; tỉnh tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân khu vực biển, đảo.

Bình Thuận hiện có 7/10 huyện, thị xã, thành phố có biển gồm: huyện đảo Phú Quý, Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết. Xác định chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng cư dân đang sinh sống và làm việc ở vùng ven biển và trên biển, đảo là nhiệm vụ có ý nghĩa hàng đầu trong chiến lược phát triển biển, đảo, Bình Thuận chú trọng đến công tác phát triển y tế biển, đảo. Các cơ sở khám chữa bệnh tại các huyện đảo, xã đảo và ven bờ từng bước được cải thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, giúp người dân có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng hơn. Nhiều nạn nhân bị tai nạn, bị bệnh hiểm nghèo đã được cứu sống kịp thời.

Thái Nguyên: Quan tâm đến y tế cơ sở, đặc biệt các xã vùng dân tộc thiểu số

Đến thời điểm tổng kết của năm 2023, toàn tỉnh có 24 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế (4 trung tâm, 8 bệnh viện tuyến tỉnh; 3 bệnh viện đa khoa huyện, 6 trung tâm y tế cấp huyện thực hiện chức năng y tế dự phòng và khám chữa bệnh; 3 trung tâm y tế cấp huyện chỉ thực hiện chức năng y tế dự phòng) và 177 trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, ngành Y tế Thái Nguyên luôn quan tâm củng cố hệ thống y tế. Theo đó, Ngành đặc biệt quan tâm đến y tế cơ sở, nhất là các xã vùng dân tộc thiểu số, xã ATK, xã đặc biệt khó khăn.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế, đảm bảo sức khỏe người dân- Ảnh 2.

Cán bộ Trạm Y tế xã Thanh Định (Định Hóa) ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn.

Ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế, nói: Trên địa bàn tỉnh hiện có 157 trạm y tế được đầu tư xây dựng nhà làm việc 2 tầng kiên cố, đảm bảo thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tỷ lệ trạm y tế tuyến xã có bác sĩ làm việc đạt gần 88%, trung bình mỗi trạm có 6 cán bộ y tế; trên 95% thôn, xóm, tổ dân phố có nhân viên y tế thôn bản hoạt động. Đáng nói, y tế cơ sở đã tích cực ứng dụng các phần mềm quản lý y tế, quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, thống kê báo cáo.

Y tế tuyến huyện, tỉnh, thời gian qua tiếp tục được quan tâm, đầu tư xây dựng, nâng cấp đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh và quy mô giường bệnh. Cụ thể là các dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp và mua sắm trang thiết bị cho 4 bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế tuyến huyện, tỉnh, với tổng mức đầu tư 163 tỷ đồng; đầu tư xây dựng, nâng cấp Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Sức khỏe tâm thần tỉnh với kinh phí trên 130 tỷ đồng...Ông Hoàng Hải cho biết thêm: Từ việc củng cố hệ thống y tế, chất lượng dịch vụ y tế được cải thiện, công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng được chú trọng.


Thanh Loan
Ý kiến của bạn