Không mở rộng diện tích của các bệnh viện hiện có
Tại Kỳ họp thứ 15 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND TP. Hà Nội vừa diễn ra đã thông qua Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong nghị quyết này, một số quy định liên quan tới quy hoạch đối với lĩnh vực y tế tương đồng so với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Nhiều chuyên gia nhận định, cùng với Nghị quyết do HĐND đã thông qua và tới đây, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV dự kiến sẽ thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo bước đột phá đối với quy hoạch đô thị, giải quyết nhiều vấn đề cấp bách, mang tính đột phá cho đô thị tại Hà Nội.
Cụ thể, tại Điều 18 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trong khu vực nội đô lịch sử, không mở rộng diện tích sử dụng đất của các bệnh viện hiện có; không mở rộng, xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có trụ sở chính hoặc địa điểm đào tạo ở khu vực nội đô lịch sử trước thời điểm luật này có hiệu lực thi hành thì không được đặt địa điểm đào tạo trong khu vực nội đô lịch sử.
Đặc biệt, tại khoản 2, Điều 18 quy định: "Cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị trong đô thị trung tâm không phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô phải thực hiện việc di dời. Cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng quá tải hoặc thâm dụng lao động; cơ sở y tế có nguy cơ truyền nhiễm, lây nhiễm cao phải thực hiện việc di dời ra khỏi đô thị trung tâm.
Việc thực hiện di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường".
Về thẩm quyền quyết định di dời tại khoản 2 Điều này được quy định như sau: Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục, biện pháp và lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức trung ương; HĐND TP. Hà Nội quyết định danh mục, biện pháp và lộ trình di dời các cơ sở không thuộc quy định tại điểm a khoản này.
Không bố trí nhà ở sau khi di dời
Đặc biệt, tại khoản 4 quy định, quỹ đất sau di dời quy định tại khoản 2 Điều này tại khu vực nội đô lịch sử được sử dụng để xây dựng không gian công cộng, tăng tỷ lệ đất cây xanh sử dụng công cộng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, không bố trí chức năng ở.
Quỹ đất sau di dời quy định tại khoản 2 Điều này tại khu vực khác ở đô thị trung tâm được ưu tiên sử dụng để xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội, bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo phân loại đô thị.
Khi đầu tư xây dựng mới trục đường bộ, đường sắt đô thị hoặc mở rộng trục đường bộ hiện có theo quy hoạch trên địa bàn Thủ đô, cơ quan lập quy hoạch phải xác định vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để thực hiện tái thiết đô thị, tái định cư tại chỗ, phát triển nhà ở, thương mại, dịch vụ.
UBND TP. Hà Nội có trách nhiệm báo cáo HĐND thành phố xem xét, quyết định vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để thực hiện tái thiết đô thị, tái định cư tại chỗ, phát triển nhà ở, thương mại, dịch vụ trước khi quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được phê duyệt.
Khi triển khai dự án phát triển đường bộ, đường sắt đô thị theo quy hoạch đã được phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền của TP. Hà Nội đồng thời tổ chức thu hồi đất vùng phụ cận để sử dụng theo quy hoạch. Việc thu hồi đất trong trường hợp này được áp dụng như trường hợp thu hồi đất trong cùng dự án.
Dự án luật cũng quy định, UBND TP. Hà Nội phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về đê điều. HĐND TP. Hà Nội quy định trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng các công trình ở bãi sông, bãi nổi.