Quy định về quản lý và xử phạt mua bán ngoại tệ: Nhiều bất cập

09-11-2018 15:47 | Thời sự
google news

SKĐS - Sau quyết định gây ồn ào khi xử phạt 90 triệu đồng với người thợ điện đổi 100 USD ở tiệm vàng, ngày 5/11, lãnh đạo tỉnh Cần Thơ đã miễn tiền phạt, căn cứ đơn đề nghị của người này. Cũng nhờ sự việc này cho thấy những bất cập trong quy định xử phạt hành vi thu đổi ngoại tệ không đúng quy định.

Theo quy định hiện hành tại Điểm a, Khoản 3 Điều 24 Nghị định 96/2014, nhà chức trách sẽ phạt 80-100 triệu đồng với hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép đổi ngoại tệ. Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam với hành vi vi phạm.

Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị sửa Nghị định 96/2014, cho rằng cần rút kinh nghiệm và không để tái diễn vụ phạt tiền 90 triệu đồng với hành vi đổi 100 USD không đúng quy định.

Trước đó, trong cuộc họp báo cuối tháng 10, bà Nguyễn Thị Minh Phương - Cục phó Cục Xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Nghị định 96/2014. Cục đề xuất ban hành các mức phạt khác nhau dựa trên số lượng tang vật, ngoại tệ mua bán không đúng quy định chứ không chỉ một mức như hiện hành.

Theo các chuyên gia, hiện chính sách quản lý thị trường ngoại hối khá hoàn chỉnh. Theo đó, nhằm chống “đô la hóa”, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã siết chặt các tổ chức được thu đổi ngoại tệ tại Thông tư số 20/2011 quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép. Cụ thể, chỉ các tổ chức tín dụng mới được mua, bán ngoại tệ tiền mặt. Riêng việc bán ngoại tệ có thể được thực hiện tại các đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép.

Tuy nhiên, với việc người thợ điện ở TP. Cần Thơ bị xử phạt hành chính 90 triệu đồng khi đổi 100 USD ở tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ cho thấy đang có sự bất nhất trong thực thi quy định liên quan đến quản lý ngoại hối. Trên thực tế, ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... vẫn có tình trạng cửa hàng vàng bạc dù không được phép song vẫn thu đổi ngoại tệ, nhất là khu “chợ ngoại tệ chui” phố Hà Trung (Hà Nội). Trong đó, có thể có những người giao dịch lên tới hàng chục nghìn USD, vậy tại sao họ không bị bắt quả tang? Tại sao các cơ sở này vẫn tồn tại? Đó là vấn đề được nhiều người nêu ra.

Sở dĩ tồn tại “chợ đen” ngoại tệ là do nhu cầu của người dân vẫn rất lớn. Thế nhưng, nếu ra ngân hàng, thủ tục sẽ phức tạp như phải chứng minh hợp đồng, trong khi ở “chợ đen”, mọi thứ diễn ra rất nhanh gọn. Chưa kể mức giá đổi ngoại tệ tại “chợ đen” thường khá hấp dẫn so với trong ngân hàng do không chịu sự quản lý về chính sách thuế. Bên cạnh đó, các cơ sở thu đổi ngoại tệ “chui” thường có thâm niên nhiều năm hoạt động nên rất tinh vi. Số lượng các cơ sở này rất lớn nên gây khó cho cơ quan quản lý trong việc kiểm tra hoạt động. Ngoài ra, việc người dân thiếu thông tin về tổ chức, đại lý được phép thu đổi ngoại tệ khiến họ tìm ngay đến các cửa hàng vàng bạc khi có nhu cầu. Do vậy, thị trường “chợ đen” càng có cơ sở để tồn tại.

Trở lại với trường hợp phạt người thợ điện đổi 100 USD ở tiệm vàng, theo các luật sư, bất cập của quy định xử phạt ở chỗ “không phân biệt những trường hợp cụ thể”. Nghĩa là cứ đổi ngoại tệ trái quy định, dù là 100 hay 1 triệu USD thì mức xử phạt vẫn 80-100 triệu đồng. Quy định như vậy là không hợp lý. Có lẽ đây cũng là mức xử phạt duy nhất căn cứ hành vi, không căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm như những nghị định khác.

Vì vậy, việc sửa đổi quy định này là cấp thiết bởi thực tế nhu cầu sử dụng ngoại tệ trong dân còn rất cao. Hàng năm, lượng kiều hối ở nước ngoài gửi về cho người thân nhiều. Nếu pháp luật không quy định nhanh sẽ tạo ra sự vi phạm tràn lan. Cơ quan có thẩm quyền sẽ loay hoay trong xử phạt, công tác quản lý sẽ rối loạn.

Nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước cần quy định mở rộng điểm được phép thu đổi ngoại tệ và phải niêm yết công khai cho người dân biết điểm nào được phép, điểm nào không. Hơn nữa, việc thu đổi ngoại tệ cần đơn giản hóa thủ tục giao dịch. Vì thực chất, ngoại tệ cũng là một loại hàng hóa đặc biệt. Ví dụ, một người cần mua ngoại tệ để đi du lịch thì hầu như không được đáp ứng bởi pháp luật hiện hành chỉ cho phép một số trường hợp như thăm thân, chữa bệnh, gửi học phí cho con ở nước ngoài... Người muốn đổi ngoại tệ đi nước ngoài phải xuất trình hóa đơn, chứng từ để chứng minh. Như vậy tạo ra thủ tục rất rườm rà dẫn đến người dân không muốn sử dụng dịch vụ tại các điểm này mà tìm đến thị trường chợ đen.


LIÊN HÀ
Ý kiến của bạn