Quy định về hồ sơ, mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp

02-12-2016 10:51 | Thời sự
google news

SKĐS - Hồ sơ tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được quy định như thế nào? Thời điểm đóng BHTN của người sử dụng lao động được quy định như thế nào?

Hồ sơ tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được quy định như thế nào? Thời điểm đóng BHTN của người sử dụng lao động được quy định như thế nào? Mức đóng BHTN và tiền lương làm căn cứ đóng BHTN được quy định như thế nào? Đây là những thông tin đang được người lao động quan tâm liên quan đến chính sách BHTN…

Hồ sơ tham gia BHTN

Về vấn đề này, Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN thì hồ sơ tham gia BHTN là hồ sơ tham gia BHXH bắt buộc, trong đó bao gồm nội dung cụ thể về tham gia BHTN. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nêu trên thì người sử dụng lao động lập và nộp hồ sơ tham gia BHTN của người lao động cho tổ chức BHXH trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc của người lao động có hiệu lực.

Trường hợp người lao động đã giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng trước ngày 1/1/2015 và đang thực hiện hợp đồng lao động này thì người sử dụng lao động phải tham gia BHTN cho những người lao động này nếu thời hạn kết thúc hợp đồng còn ít nhất 3 tháng trở lên.đóng BHXH

Tiền lương tháng đóng BHTN là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc. Ảnh: TM

Trường hợp người lao động giao kết nhiều hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm và đang tham gia BHTN theo hợp đồng lao động giao kết có hiệu lực đầu tiên mà khi chấm dứt hoặc thay đổi hợp đồng dẫn đến người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHTN thì người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia BHTN của hợp đồng lao động giao kết có hiệu lực kế tiếp có trách nhiệm tham gia BHTN theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật thì người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHTN trong thời gian này.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 12 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nêu trên thì thời điểm đóng BHTN của người sử dụng lao động và người lao động là thời điểm đóng BHXH bắt buộc.

Mức đóng BHTN

Về mức đóng BHTN, theo quy định tại Khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm thì mức đóng và trách nhiệm đóng BHTN được quy định như sau: Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng; Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia BHTN; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những người lao động đang tham gia BHTN và do ngân sách Trung ương bảo đảm.

Tiền lương làm căn cứ đóng BHTN

Theo quy định tại Điều 58 Luật Việc làm thì tiền lương làm căn cứ đóng BHTN được quy định như sau: Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHTN là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật BHXH. Trường hợp mức tiền lương tháng đóng BHTN cao hơn 20 tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng BHTN bằng 20 tháng lương cơ sở tại thời điểm đóng BHTN.

Người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHTN là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật BHXH. Trường hợp mức tiền lương tháng đóng BHXT cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng BHTN bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động tại thời điểm đóng BHTN.


Hoàng Nguyễn
Ý kiến của bạn