Hà Nội

Quy định về hình thức xử phạt khi không đi khám nghĩa vụ quân sự 2025, người dân cần biết

09-10-2024 17:01 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo quy định, công dân đủ tuổi nhập ngũ sẽ được gọi khám nghĩa vụ quân sự. Trường hợp không khám nghĩa vụ quân sự bị xử lý thế nào?

Khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự là gì?

Theo quy định tại Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP thì có thể hiểu khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự (hay còn gọi là khám nghĩa vụ quân sự) là việc thực hiện khám, phân loại, kết luận sức khỏe đối với công dân được gọi làm nghĩa vụ quân sự đã qua sơ tuyển sức khỏe và công dân đăng ký dự thi tuyển sinh quân sự, do Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự huyện thực hiện.

Trong đó, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự là việc thực hiện kiểm tra, phân loại, kết luận sức khỏe đối với quân nhân dự bị.

Nội dung kiểm tra sức khỏe bao gồm:

- Kiểm tra về thể lực;

- Lấy mạch, huyết áp;

- Khám phát hiện các bệnh lý về nội khoa, ngoại khoa và chuyên khoa;

- Khai thác tiền sử bệnh tật bản thân và gia đình.

Công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3 không có tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ), nghiện ma túy, nhiễm HlV, AIDS và đáp ứng đủ các tiêu chuẩn khác về tuổi đời, tư tưởng chính trị và có trình độ văn hóa phù hợp thì đủ điều kiện để được gọi nhập ngũ theo quy định.

Quy định về hình thức xử phạt khi không đi khám nghĩa vụ quân sự 2025, người dân cần biết- Ảnh 2.

Thực hiện nghĩa vụ quân sự là nhiệm vụ vẻ vang của người dân Việt Nam. Ảnh minh họa: TL

Không đi khám nghĩa vụ quân sự 2024 bị phạt như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 6 Nghị định 120/2013/NĐ-CP quy định như sau:

"Vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;

- Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2.000.000 đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự".

Theo đó, đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.

Trốn khám nghĩa vụ có bị phạt tù không?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 6 Nghị định 120/2013/NĐ-CP quy định như sau:

Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự

1. Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;

b) Phạm tội trong thời chiến;

c) Lôi kéo người khác phạm tội.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, quy định trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu.

Theo đó, căn cứ theo các quy định nêu trên và hướng dẫn tại Công văn 5887/VKSTC-V14 năm 2019 thì trốn tránh nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấp hành: lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và bị xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, Khoản 1 Điều 332 Bộ luật Hình sự 2015 chỉ quy định xử lý hình sự đối với 03 hành vi: không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện.

Trong đó, không quy định xử lý hình sự đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Vì vậy, không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi công dân khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Như vậy, hành vi trốn khám nghĩa vụ quân sự không bị xử lý hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính theo quy định.

Quy định về hình thức xử phạt khi không đi khám nghĩa vụ quân sự 2025, người dân cần biết- Ảnh 4.

Công dân đi khám nghĩa vụ quân sự ở trạm y tế xã và trung tâm y tế huyện theo 2 vòng khám sơ tuyển và khám sức khỏe chi tiết. Ảnh minh họa: TL

Đi khám nghĩa vụ quân sự ở đâu?

Tại Điều 5, Điều 6 Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP, việc khám nghĩa vụ quân sự được thực hiện 2 vòng: Vòng sơ tuyển và vòng khám chi tiết.

Khám sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự tại trạm y tế xã

- Sơ tuyển sức khỏe do Trạm y tế xã tiến hành dưới sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tâm y tế huyện.

- Nội dung sơ tuyển sức khỏe:

+ Phát hiện những trường hợp không đủ sức khỏe về thể lực, dị tật, dị dạng và những bệnh lý thuộc diện miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự;

+ Khai thác tiền sử bệnh tật bản thân và gia đình.

- Quy trình sơ tuyển sức khỏe:

+ Căn cứ vào kế hoạch tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ của Hội đồng nghĩa vụ quân sự địa phương, lập danh sách các đối tượng là công dân thuộc diện gọi khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự trên địa bàn được giao quản lý;

+ Tổ chức sơ tuyển sức khỏe

+ Hoàn chỉnh và xác nhận tiền sử bệnh tật bản thân và thông tin của công dân được gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

+ Lập danh sách những công dân mắc các bệnh thuộc Danh mục bệnh miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự báo cáo Hội đồng Nghĩa vụ quân sự xã;

+ Tổng hợp, thống kê, báo cáo kết quả sơ tuyển sức khỏe.

Khám sức khỏe chi tiết nghĩa vụ quân sự tại Trung tâm y tế huyện:

- Nội dung khám sức khỏe:

+ Khám về thể lực; khám lâm sàng các chuyên khoa theo các chỉ tiêu quy định.

+ Trường hợp cần xét nghiệm cận lâm sàng phục vụ cho kết luận sức khỏe theo yêu cầu của Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, bao gồm cả xét nghiệm phát hiện ma túy;

+ Phân loại sức khỏe

- Quy trình khám sức khỏe:

+ Lập danh sách các đối tượng là công dân thuộc diện được gọi nhập ngũ đã qua sơ tuyển sức khỏe trên địa bàn được giao quản lý;

+ Thông báo thời gian, địa điểm tổ chức khám sức khỏe.

+ Tổ chức khám sức khỏe theo các nội dung quy định.

+ Tổ chức tư vấn và xét nghiệm HIV theo quy định của Luật Phòng, chống HIV/AIDS đối với các trường hợp đạt tiêu chuẩn sức khỏe gọi nhập ngũ hằng năm theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

+ Hoàn chỉnh phiếu sức khỏe theo quy định.

+ Tổng hợp, báo cáo kết quả khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Như vậy, theo như quy định nêu trên thì công dân đi khám nghĩa vụ quân sự ở trạm y tế xã và trung tâm y tế huyện theo 2 vòng khám sơ tuyển và khám sức khỏe chi tiết.


L.Vũ (th)
Ý kiến của bạn