Định mức nhân lực trong phiên trực của y bác sĩ, nhân viên y tế
Theo Khoản 2 Điều 2 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg quy định về định mức nhân lực trong phiên trực như sau:
Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giường bệnh thì định mức nhân lực tiêu chuẩn cho 01 phiên trực gồm: trực lãnh đạo, trực lâm sàng, trực cận lâm sàng và trực hậu cần được quy định như sau:
- Bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I: 14 người/phiên trực/100 giường bệnh kế hoạch;
- Bệnh viện hạng II và hạng III: 13 người/phiên trực/100 giường bệnh kế hoạch;
- Bệnh viện hạng IV, bệnh viện chưa được xếp hạng: 12 người/phiên trực/100 giường bệnh kế hoạch (tính chung cho cả số giường bệnh của các phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh trực thuộc). Riêng bệnh viện có quy mô dưới 70 giường bệnh được bố trí 10 người/phiên trực; bệnh viện có quy mô từ 70 giường bệnh đến dưới 100 giường bệnh được bố trí 11 người/phiên trực.
Thủ trưởng cơ sở khám, chữa bệnh căn cứ vào dự toán ngân sách được giao và các nguồn thu sự nghiệp, vào tình hình thực tế về công suất sử dụng giường bệnh để quyết định số nhân lực trong phiên trực cho phù hợp. Trường hợp quá tải, đơn vị được quyết định số nhân lực trực cao hơn nhưng tối đa cũng không được vượt quá tỷ lệ quá tải của đơn vị.
Đối với trạm y tế xã có thể bố trí từ 1 người đến 2 người/phiên trực theo hướng dẫn của Bộ Y tế;
Đối với các bệnh xá quân dân y thực hiện định mức nhân lực trong phiên trực theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế;
Đối với cơ sở chữa bệnh được thành lập theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật thực hiện định mức nhân lực trong phiên trực theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế;
Trường hợp Ban Chỉ đạo chống dịch quyết định huy động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tham gia chống dịch thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được bổ sung nhân lực trong phiên trực 24/24 giờ để vừa đáp ứng công tác chống dịch, vừa đáp ứng công tác khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở.
Lưu ý: Tùy vào dự toán ngân sách được giao và các nguồn thu sự nghiệp, vào tình hình thực tế về công suất sử dụng giường bệnh thì Thủ trưởng cơ sở khám, chữa bệnh sẽ quyết định số nhân lực trong phiên trực cho phù hợp.
Trường hợp quá tải, đơn vị được quyết định số nhân lực trực cao hơn nhưng tối đa cũng không được vượt quá tỷ lệ quá tải của đơn vị.
Năm 2024 mức phụ cấp trực của bác sĩ, nhân viên y tế được hưởng là bao nhiêu?
Tại khoản 3 Điều 2 Quyết định 73/2011/QĐ-TTg có quy định mức phụ cấp trực của bác sĩ, nhân viên y tế như sau:
- Người lao động thường trực 24/24 giờ được hưởng mức phụ cấp như sau:
+ 115.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt.
+ 90.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng 2.
+ 65.000 đồng/người/phiên trực đối với các bệnh viện còn lại và các cơ sở khác tương đương.
+ 25.000 đồng/người/phiên trực đối với trạm y tế xã, trạm y tế quân dân y, bệnh xá quân dân y.
- Người lao động thường trực theo ca 12/24 giờ được hưởng mức bằng 0,5 lần mức phụ cấp thường trực 24/24 giờ;
- Người lao động thường trực theo ca 16/24 giờ được hưởng mức bằng 0,75 lần mức phụ cấp thường trực 24/24 giờ.
Nếu thường trực tại khu vực hồi sức cấp cứu, khu vực chăm sóc đặc biệt thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,5 lần mức quy định trên; thường trực vào ngày nghỉ hằng tuần thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,3 lần mức quy định trên; thường trực vào ngày lễ, ngày Tết thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,8 lần mức quy định trên.
Bên cạnh đó, bác sĩ, nhân viên y tế còn được hưởng chế độ như sau:
- Người lao động thường trực 24/24 giờ được hỗ trợ tiền ăn là 15.000 đồng/người/phiên trực;
- Người lao động được nghỉ và được hưởng nguyên lương sau khi tham gia thường trực như sau:
+ Thường trực 24/24 giờ vào ngày thường, ngày nghỉ hằng tuần được nghỉ bù 01 ngày; vào các ngày lễ, Tết được nghỉ bù 02 ngày;
+ Thường trực theo ca 12/24 giờ hoặc ca 16/24 giờ được nghỉ ít nhất 12 giờ tiếp theo.
Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh huy động người lao động làm việc vào giờ nghỉ trên thì phải trả tiền lương làm thêm giờ theo quy định của pháp luật về lao động.
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh huy động người lao động làm thêm giờ thì phải trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Người làm việc vào ca đêm được trả tiền lương làm việc vào ban đêm theo quy định của pháp luật về lao động.
Bộ Y tế đề xuất tăng phụ cấp cho cán bộ y tế
Bộ Y tế đang xây dựng đề xuất tăng tiền phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, tăng tiền trực, tiền ăn cho cán bộ y tế phù hợp với chỉ số trượt giá và giá tiêu dùng hiện nay.
Cụ thể, Bộ Y tế nêu rõ bộ đang triển khai xây dựng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề thay thế nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ, dự kiến ban hành trong năm 2024.
Cùng với đó, Bộ Y tế đang xây dựng sửa đổi, bổ sung quyết định số 73 về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch.
Trong đó, nội dung sửa đổi, bổ sung bao gồm:
Tăng tiền phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; tăng mức tiền trực và tiền ăn cho cán bộ y tế phù hợp với chỉ số trượt giá và giá tiêu dùng hiện nay;
Áp dụng quy định thời giờ làm việc, làm thêm và thanh toán chế độ làm thêm giờ đối với thời gian trực 24/24 giờ của viên chức, người lao động theo Bộ luật Lao động;
Áp dụng chế độ phụ cấp đặc thù đối với các đối tượng hợp đồng lao động đã được xếp lương theo nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 (bao gồm bảo vệ, lái xe, hộ lý, hợp đồng chuyên môn trong thời gian chờ thi tuyển viên chức).
Dự kiến, Bộ Y tế sẽ trình Thủ tướng Chính phủ nội dung này vào tháng 11/2024.