Quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc quy hoạch bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội

01-03-2023 19:24 | Thời sự
google news

SKĐS - Chính phủ vừa vừa ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2/2023.

Tại Nghị quyết, Chính phủ đã cho ý kiến về đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Đề nghị xây dựng Luật Phòng không nhân dân.

Chính phủ cũng có yêu cầu cụ thể đối với dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Trong đó, đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu quy định các chính sách đối với nhà chung cư: Thời hạn sử dụng nhà chung cư; các trường hợp phải phá dỡ chung cư; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể.

Cần quy định linh hoạt Chương trình phát triển nhà ở cho địa phương, cắt giảm thủ tục hành chính để địa phương chủ động triển khai thực hiện; quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc quy hoạch bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong quỹ đất xây dựng nhà ở của tỉnh, không quy định tỷ lệ diện tích đất dành cho nhà ở xã hội đối với từng dự án để linh hoạt, phù hợp với thực tiễn…

Hoàn thiện quy định chủ đầu tư được bố trí quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh thương mại dịch vụ trong phạm vi dự án nhà ở xã hội; Xác định giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ…

Nhà nước không can thiệp nếu thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm: Làm rõ nguyên tắc áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản trong mối quan hệ với các luật có liên quan: Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Công chứng...

Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội theo nguyên tắc nhà nước sẽ không can thiệp nếu thị trường vận hành tốt, bảo đảm phát triển thị trường an toàn, lành mạnh, bền vững; đồng thời cần có biện pháp, công cụ điều tiết phù hợp, kịp thời của nhà nước khi cần thiết, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định kinh tế.

Tăng cường quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản, thiết kế các công cụ quản lý phù hợp về phạm vi, đối tượng và thẩm quyền của các cấp, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp, minh bạch hóa thị trường, công bằng xã hội. 

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền một cách hợp lý để có thể kịp thời xử lý các tình huống, khó khăn, vướng mắc phát sinh, gắn với kiểm tra, giám sát việc thực hiện; bảo đảm quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương về thị trường bất động sản; có công cụ kiểm tra, giám sát và có cơ chế khen thưởng hoặc xử lý khi có vi phạm.

Rà soát các quy định pháp luật của dự thảo Luật về: hợp đồng, công chứng, thẩm quyền, thủ tục, điều kiện chuyển nhượng dự án bất động sản... bảo đảm thống nhất với quy định pháp luật về công chứng, dân sự, đất đai, đầu tư...

Cải cách thủ tục hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục lấy ý kiến, tham vấn đầy đủ, thực chất ý kiến của đối tượng chịu sự tác động, chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn; phối hợp với các cơ quan để tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật, bảo đảm chất lượng.

Thủ tướng: 'Các doanh nghiệp bất động sản phải có trách nhiệm với chính mình'Thủ tướng: "Các doanh nghiệp bất động sản phải có trách nhiệm với chính mình"

SKĐS - Phát biểu kết luận Hội nghị "Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững", Thủ tướng nhấn mạnh, các doanh nghiệp BĐS phải có trách nhiệm với chính mình, giải quyết các khó khăn do dự báo không sát, phát triển thị trường không tốt…


Lê Bảo
Ý kiến của bạn