Thống nhất nhiều nội dung chỉnh lý dự thảo Luật
Tham gia thảo luận tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Xã hội, Bộ Y tế trong việc kịp thời nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các đại biểu, chuẩn bị hồ sơ nghiêm túc, đầy đủ đối với những vấn đề rộng và phức tạp của dự thảo Luật.
Đóng góp ý kiến hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị báo cáo giải trình thêm việc tiếp thu các ý kiến của các ĐBQH liên quan đến cơ chế quản lý tài sản trong khám, chữa bệnh.
Về quy định tại Điều 24 liên quan đến Hội đồng Y khoa quốc gia, ông Lê Quang Huy đề nghị cần giải trình chi tiết, rõ ràng hơn nữa.
Đồng thuận với tầm quan trọng của việc cập nhật kiến thức y khoa, ông Lê Quang Huy đặt câu hỏi, việc cập nhật kiến thức y khoa và việc phát triển nghề nghiệp viên chức có khác nhau không, khi nội hàm của việc phát triển nghề nghiệp viên chức là rộng hơn, khi phải phát triển về 03 nội hàm gồm: kiến thức, kỹ năng và y đức. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng việc cập nhật kiến thức y khoa chỉ bao gồm 1 nội hàm trong 3 nội hàm trên.
Phát biểu đóng góp tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao và thống nhất với nhiều nội dung chỉnh lý dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, quy định về các chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề quyết định tại Điều 20 của dự thảo luật, theo đó, khoản 1 quy định 10 chức danh chuyên môn khám, chữa bệnh phải có giấy phép hành nghề. Luật quy định rất cụ thể điều kiện cấp phép hành nghề, cũng như thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, cũng như thu hồi giấy phép.
Khoản 2, Điều 20 giao Chính phủ thẩm quyền quyết định bổ sung chức danh chuyên môn, điều kiện, thẩm quyền cấp giấy phép, thu hồi giấy phép đối với các chức danh chuyên môn cần thiết bổ sung nếu thời điểm ban hành Luật Khám, chữa bệnh chưa có chức danh chuyên môn đó, nhưng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội và quá trình hoạt động có những chức danh chuyên môn cần được cấp giấy phép. Dự thảo luật quy định giao Chính phủ quy định. Ông Hoàng Thanh Tùng cơ bản đồng tình với nguyên tắc giao Chính phủ quy định, nhưng các chức danh chuyên môn hành nghề khám, chữa bệnh là vấn đề rất quan trọng liên quan đến bảo vệ tính mạng, sức khỏe vì thế đề nghị có một quy trình chặt chẽ hơn.
Liên quan đến quy định về Hội đồng y khoa quốc gia quy định tại Điều 24, ông Hoàng Thanh Tùng nêu ý kiến là thống nhất cần quy định về Hội đồng y khoa quốc gia ở trong luật. Tuy nhiên, trong Báo cáo giải trình của Thường trực Ủy ban Xã hội, cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo cũng khẳng định đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ, chưa có hoạt động trong thực tiễn.
Điều 24 của dự thảo luật quy định khái quát, xác định chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa quốc gia và giao Chính phủ quy định chi tiết. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu để quy định cụ thể hơn làm cơ sở Chính phủ quy định chi tiết.
Dự thảo Luật quy định lộ trình thực hiện Hội đồng Y khoa quốc gia là 5 năm để đủ thời gian xây dựng năng lực hoạt động và tổ chức bộ máy, điều kiện đảm bảo cho Hội đồng Y khoa quốc gia… Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, lý do này không thỏa đáng, đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể hơn về quy định Hội đồng Y khoa quốc gia và cân nhắc thêm lộ trình hợp lý, đủ thời gian để Hội đồng Y khoa quốc gia đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng nêu ý kiến về phân cấp chuyên môn kỹ thuật; hiệu lực thi hành Luật…
Đảm bảo an ninh, trật tự tại cơ sở khám, chữa bệnh
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, nếu hoàn chỉnh dự thảo Luật theo những ý kiến đóng góp tại phiên họp thì sẽ đủ điều kiện để trình tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai.
Đóng góp ý kiến cụ thể liên quan tới Điều 114 dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ việc đảm bảo an ninh, trật tự cho cơ sở khám, chữa bệnh không chỉ cho người hành nghề và người làm việc trong cơ sở khám, chữa bệnh mà còn phải đảm bảo an toàn cho người dân đến khám, chữa bệnh.
Ông Lê Tấn Tới cho rằng, đối tượng về đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự là địa bàn và khu vực cơ sở khám, chữa bệnh; đối tượng cần bảo vệ là người hành nghề, người làm việc tại cơ sở khám, chữa bệnh, người dân và các đối tượng liên quan khác...
Từ thực tế, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị khoản 3 Điều 114 dự thảo luật cần bổ sung đối tượng là người dân đến khu vực khám, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự nhưng chưa rõ đối tượng thực hiện. Ông Lê Tấn Tới đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh cần phải có lực lượng bảo vệ chuyên trách để thực hiện những biện pháp đó. Đồng thời phải quy định trách nhiệm của lực lượng công an cơ sở trong việc đảm bảo an ninh, trật tự tại cơ sở khám, chữa bệnh và hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng chuyên môn.