Bộ GD&ĐT vừa ban hành văn bản gửi các Sở GD&ĐT về việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2024 - 2025, trong đó yêu cầu các trường đảm bảo sĩ số không quá 35 em/lớp, đồng thời có đủ thiết bị dạy học tối thiểu.
Tại khoản 1 Điều 16 Thông tư số 28/2020 của Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ trường tiểu học, mỗi lớp học có không quá 35 học sinh. Quy định như vậy nhưng thực tế tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM thì nhiều năm nay, tình trạng quá tải sĩ số không phải là chuyện lạ trong tuyển sinh đầu cấp.
"Đây là mơ ước của giáo viên và phụ huynh"
Sau khi biết được thông tin này, chị Lưu Lan có hai con đang theo học cấp tiểu học tại quận Hà Đông (Hà Nội) rất vui mừng vì nếu quy định này đi vào thực tế thì chất lượng các lớp học sẽ được nâng cao hơn. Tuy nhiên, chị Lan cho rằng, có thể đây chỉ là mơ ước của phụ huynh và giáo viên bởi thực tế tại lớp của các con chị theo học ở năm học trước đều trên 40 học sinh, có trường còn lên đến 50 học sinh, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học.
"Tôi rất mừng nếu quy định này thực hiện được ngay trong năm học này để đảm bảo chất lượng học tập. Tuy nhiên, về lâu dài thành phố phải gấp rút tăng cường xây dựng thêm trường học để giảm sĩ số tại các lớp học chứ không phải để dành đất xây chung cư hay xây các trung tâm thương mại", chị Lan chia sẻ.
Là giáo viên dạy tiểu học tại Hà Nội nhiều năm, cô Mai Hà cho rằng: "Xuất phát từ thực tế giảng dạy nhiều năm nay, tôi cho rằng quy định trên chưa được khả quan nếu thực hiện ở các thành phố lớn. Thực tế ở các quận đông dân cư thì con số 35 học sinh mỗi lớp chỉ là con số trên lý thuyết, còn thực tế các trường tiểu học hầu như quá tải. Chỉ những vùng khó khăn, vùng nông thôn mới đảm bảo được chuẩn số học sinh trên".
Theo cô Hà, nếu quy định mỗi lớp 35 học sinh mà thực hiện được thì sẽ giúp "giảm tải" áp lực đứng lớp cho giáo viên. "Tuy vậy, năm học mới chỉ còn chưa đầy một tháng, vậy quy định sĩ số 35 học sinh/lớp liệu có kịp? Muốn giảm sĩ số lớp học thì phải xây thêm trường, có thêm phòng học, thêm giáo viên… Do vậy, tôi nghĩ đây vẫn sẽ chỉ là điều ước của nhiều giáo viên và phụ huynh".
Quy định này liệu có khả thi?
Theo số liệu của Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT Hà Nội), hiện Hà Nội có quận Hoàn Kiếm đã đảm bảo quy định 35 học sinh/lớp với 100% trường tiểu học. Quận Hai Bà Trưng cũng tương đối ổn định trong nhiều năm qua nhưng sĩ số bình quân học sinh tiểu học vẫn là 37 học sinh/lớp.
Còn tại các quận Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy… đang trong tình trạng quá tải trường học do lượng dân đến mua nhà và ở các khu chung cư ngày một đông thì mục tiêu đạt 35 học sinh/lớp còn xa. Có một số trường sĩ số học sinh tiểu học vẫn trên dưới 50 học sinh/lớp.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, địa phương hiện có số học sinh mầm non và phổ thông đông nhất thành phố với hơn 100.000 em. Đây cũng là địa bàn có mức độ tăng dân số cơ học cao, áp lực về trường lớp cho học sinh cũng tăng theo.
Theo bà Hằng, mặc dù Hà Đông đã "hạ nhiệt" so với các năm trước nhưng tình trạng căng thẳng trong tuyển sinh đầu cấp vẫn chưa hết. Trung bình sĩ số học sinh tiểu học của quận này là 42 học sinh/lớp nhưng thực tế có những trường sĩ số cũng chạm mức trên dưới 50 học sinh/lớp.
"35 học sinh/lớp là điều mong muốn của nhiều trường, mơ ước của tất cả chúng ta. Tôi tin là thế. Nhưng thực tế để làm được rất khó do quỹ đất Hà Nội có hạn, dân cư càng ngày càng tăng, các quận cũng đang cố gắng giảm sĩ số tối đa nhưng khó. Tôi chỉ mong thành phố có thể dành thêm quỹ đất cho giáo dục để đạt sĩ số lý tưởng như theo quy định hoặc thay đổi quy định số tầng với trường học, cho phép xây cao tầng hơn để có nhiều phòng học cho các trường", bà Hằng cho biết.
Cô Ngô Thị Hồng Lương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du (Hà Đông) nêu quan điểm: "Tâm lý của phụ huynh bao giờ cũng muốn con em học trường gần nhà. Người dân cư trú trên địa bàn phường mà trường không nhận học sinh vào học thì không được. Do vậy, Điều lệ trường tiểu học quy định cứng là sĩ số không vượt quá 35 học sinh/lớp rất khó khả thi".