Bước vào tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước, trong đó có Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Dự án Luật Đất đai sửa đổi và một số dự án luật quan trọng khác. Trước đó, Quốc hội tiếp tục làm việc về nhiều nội dung quan trọng của kỳ họp như xem xét, cho ý kiến lần cuối về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trước khi bấm nút thông qua; chất vấn các thành viên Chính phủ.
Nhiều vấn đề nóng đã được các đại biểu chất vấn thẳng thắn các thành viên Chính phủ. |
Thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã đề cập đến những vấn đề như: quyền và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất; giá đất;... Liên quan đến vấn đề thu hồi đất, nhiều ý kiến của các đại biểu đã tán thành thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội nhưng phải vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; nhưng nếu vì lợi ích của doanh nghiệp thì phải thỏa thuận với người sử dụng đất. Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (TP. Hà Nội) nêu ý kiến, đất đai là nguồn lực quan trọng để tạo ra tiềm lực kinh tế quốc gia, giá trị đất đai được thu lại bằng các dự án kinh tế - xã hội, giải quyết được nhiều khía cạnh căn bản của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội. Việc thu hồi đất trong các dự án phát triển kinh tế - xã hội do Nhà nước thống nhất quy hoạch và quản lý là một sự cần thiết tất yếu không thể khác được trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều quan trọng là Nhà nước cần điều chỉnh lợi ích cân bằng giữa nhà đầu tư với người có đất thông qua điều chỉnh giá đất bồi thường và thực hiện tốt quy chế dân chủ minh bạch và công khai quá trình, quy trình, thủ tục thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư. Cũng về vấn đề thu hồi đất, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nêu ý kiến, việc quy định thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là đúng đắn nhưng cần quy định rõ ràng và hợp lý những trường hợp bị thu hồi để phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội nhằm tránh bị lạm dụng, phục vụ “lợi ích nhóm”.
Về vấn đề giá đất, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng: Giá đất, tổ chức tư vấn giá đất là vấn đề nhạy cảm, là nguyên nhân cơ bản phát sinh khiếu kiện. Đại biểu đề nghị cần làm rõ khái niệm “giá đất phổ biến trên thị trường”. Cần quy định cụ thể về tổ chức tư vấn giá đất, làm rõ khái niệm “giá đất thị trường có biến động lớn” là bao nhiêu phần trăm.
Chất lượng các phiên chất vấn ngày càng được nâng cao
Trước đó trong 3 ngày, từ 19 - 21/11, Quốc hội đã dành thời gian cho các phiên chất vấn, theo đó Thủ tướng Chính phủ và 4 bộ trưởng, trưởng ngành đã trực tiếp trả lời hàng loạt vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đặt ra. Liên quan đến vấn đề thủy điện xả lũ, cả Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều thừa nhận, bên cạnh mặt tích cực đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, yếu kém cả trong quy hoạch lẫn trong lập, thẩm định, phê duyệt, thi công xây dựng dự án. Những hạn chế, yếu kém này có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là do quản lý nhà nước của Chính phủ và chính quyền địa phương. Về vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn - Vụ án điển hình, gây mất niềm tin của nhân dân đã được rất nhiều đại biểu đặt ra cho người đứng đầu ngành tòa án. Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết, trách nhiệm này thuộc về cả ngành Công an và Viện Kiểm sát. Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã chấp nhận kháng nghị để hủy án, điều tra lại. Trong khi đó, người đứng đầu ngành công an, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, nếu phát hiện ép cung, dùng nhục hình thì sẽ kiên quyết xử lý, kể cả xử lý hình sự.
Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đây là phiên chất vấn có kết quả, không khí rất thẳng thắn, xây dựng và tâm huyết, đồng thời trên tinh thần đoàn kết và xây dựng. Những vấn đề Quốc hội lựa chọn đúng với những vấn đề cần phải giải quyết mà cuộc sống thực tế cũng như nhân dân đặt ra.
Anh Tuấn - Văn Hậu