Quy định rõ trách nhiệm của chính quyền, chủ đầu tư trong việc minh bạch thông tin về dự án bất động sản

04-10-2023 09:43 | Thời sự
google news

SKĐS - Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần 2 tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Dự án luật này đang được nhiều chuyên gia, nhà khoa học, ĐBQH cho ý kiến để hoàn thiện dự thảo nhằm làm minh bạch và tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình thống nhất đối với 7 hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo luật, đồng thời đề nghị bổ sung hành vi bị nghiêm cấm: Thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản và quy định rõ dấu hiệu của việc thao túng, làm nhiễu loạn thị trường.

Bên cạnh đó, vị đại biểu tỉnh Ninh Bình cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chế tài xử lý cá nhân hoạt động môi giới bất động sản không có chứng chỉ hành nghề và không làm việc trong một tổ chức sàn kinh doanh bất động sản.

Đề xuất nghiêm cấm thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản - Ảnh 1.

ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình.

Về trách nhiệm của chính quyền và chủ đầu tư, đại biểu đề nghị rà soát, quy định cụ thể, rõ ràng hơn trách nhiệm của chính quyền và chủ đầu tư trong việc đảm bảo minh bạch thông tin để khách hàng chủ động, an toàn trong việc tìm, mua bất động sản.

ĐBQH Phạm Văn Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, cần cân nhắc thật thận trọng đối với quy định tại Khoản 7, Điều 30 của dự thảo. 

Cụ thể là quy định điều kiện đối với đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở là không nằm trong khu vực đô thị loại I, đô thị loại II và đô thị loại III, tại các phường, quận, thành phố thuộc đô thị loại đặc biệt; không thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư dự án xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Đất đai; Đối với các khu vực còn lại, UBND cấp tỉnh căn cứ vào quy hoạch chi tiết 1/500 và điều kiện cụ thể để xác định các khu vực chủ đầu tư dự án được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật theo hình thức phân lô bán nền cho cá nhân tự xây dựng nhà ở.

Đề xuất nghiêm cấm thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản - Ảnh 2.

ĐBQH Phạm Văn Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang.

Theo đại biểu Thịnh nội dung này chỉ quy định hình thức, không nên quy định cụ thể như dự thảo luật, nội dung này nên quy định chi tiết ở luật khác. Bên cạnh đó, liên quan đến việc xây dựng hệ thống thông tin về nhà ở, bất động sản, đại biểu Thịnh nhấn mạnh, đây là nội dung quan trọng, bởi Nhà nước muốn quản lý được thị trường bất động sản thì phải có cơ sở dữ liệu. Do vậy, quy định về nội dung này cần thiết phải hoàn thiện cho bằng được sau khi luật được ban hành.

Còn ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn ĐBQH TP. HCM quan tâm đến việc minh bạch thông tin về dự án bất động sản để bảo vệ quyền lợi của người mua, nhất là những người mua là cá nhân trong dự thảo luật. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định rõ, cụ thể hơn để người có nhu cầu mua biết, ví dụ công khai thông tin tại trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng; hoặc trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng các tỉnh thành phố giúp công dân dễ dàng tìm kiếm hơn so với các quy định hiện nay

Đề xuất nghiêm cấm thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản - Ảnh 3.

ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cũng cho rằng, cơ sở dữ liệu về nhà ở và dự án bất động sản rất quan trọng vì vậy trong dự thảo cũng cần xác định trách nhiệm của các địa phương, cũng như việc bố trí ngân sách để xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản. Cần xác định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác phối hợp để công khai thông tin dự án trước khi ký hợp đồng đặt cọc; trách nhiệm chia sẻ thông tin và và dễ dàng truy cập, tra cứu thông tin để người dân tìm hiểu.

Đề xuất nghiêm cấm thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản - Ảnh 4.

ĐBQH Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng.

ĐBQH Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, nên công khai minh bạch bất động sản đưa vào kinh doanh, góp phần quan trọng lành mạnh, trọng sạch thị trường hiện nay, khắc phục bất cập trong thời gian qua, đảm bảo quyền và lợi ích của nhà đầu tư và của khách hàng. Việc công khai cần chú trọng đến công tác thông tin và truyền thông về các dự án bất động sản trên địa bàn để nhân dân và các cơ quan quản lý nhà nước được rõ.

Cho rằng đặt cọc và huy động vốn là vấn đề phát sinh nhiều tranh chấp, dẫn tới khiếu kiện đông người, vì vậy đại biểu đề nghị trong lần sửa đổi luật cần quy định rõ tiến độ như thế nào mới được phép chuyển nhượng dự án; xác định rõ tỷ lệ hoàn công, được các cơ quan nhà nước kiểm tra; đảm bảo đầu tư hạ tầng đồng bộ…

Bỏ quy định giao dịch bất động sản phải thông qua sànBỏ quy định giao dịch bất động sản phải thông qua sàn

SKĐS - Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (Sửa đổi) được chỉnh sửa theo hướng bỏ quy định về các giao dịch BĐS thông qua sàn nhằm tạo thuận lợi cho chủ đầu tư và khách hàng được tự do lựa chọn phương thức giao dịch.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn